Chiêm ngưỡng cảnh tượng hiếm thấy hoàng hôn nơi "hành tinh đỏ"

Thứ Năm, 09/03/2023, 13:41

CNN ngày 8/3 đưa tin, sau 3730 ngày thực hiện sứ mệnh trên sao Hỏa, tàu thám hiểm Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa gửi về trái đất hình ảnh vô cùng đặc biệt - hoàng hôn nơi "hành tinh đỏ".

Chiêm ngưỡng cảnh tượng hiếm thấy hoàng hôn nơi
Cảnh tượng hoàng hôn trên sao Hoả được Curiosity chụp lại. Nguồn: NASA/JPL-Caltech/MSSS.

Theo CNN, tàu Curiosity đã đi thám hiểm trên bề mặt sao Hỏa trong hơn 10 năm, nhằm tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao hành tinh đỏ này lại từ một nơi có khí hậu ấm nóng và ẩm ướt trở thành một sa mạc lạnh giá. Suốt thời gian đó, Curiosity đã phát hiện được những tảng đá có cấu trúc kỳ lạ trong quá trình tìm kiếm dấu hiệu của sự sống và thám hiểm ở khu vực miệng núi lửa Gale trên sao Hoả.

Tuy vậy, mới đây, chiếc xe tự hành này đã ghi lại được một cảnh tượng hiếm thấy. Theo đó, hôm 2/2, Curiosity đã quan sát những tia nắng cuối cùng trước khi mặt trời hoàn toàn lặn xuống phía dưới đường chân trời của sao Hỏa, phát sáng một dải mây trên bầu trời. Thông báo của NASA có đoạn: "Đây là lần đầu tiên những tia sáng mặt trời được quan sát một cách rõ nét như vậy trên hành tinh đỏ".

Hiện tại, Curiosity đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các đám mây ở thời điểm hoàng hôn trên sao Hỏa, sau khi dự án quan sát các đám mây dạ quang kết thúc năm 2021. Thời điểm đó, Curiosity đã sử dụng máy quay dẫn đường đen trắng để ghi lại hình ảnh của những đám này khi chúng hình thành.

Nghiên cứu về các đám mây vào nhiều thời điểm trong ngày trên sao Hoả sẽ cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn chi tiết hơn về các kiểu thời tiết và điều kiện khí hậu nơi đây. Cụ thể, họ có thể sử dụng thông tin về thời gian và địa điểm các đám mây hình thành để hiểu thêm về thành phần và nhiệt độ khí quyển của hành tinh.

Được biết, phần lớn các đám mây được hình thành trên sao Hoả bởi phân tử băng tuyết và thường di chuyển cách mặt đất khoảng 60 km. Trước đó, Curiosity từng phát hiện một đám mây di chuyển ở độ cao gấp nhiều lần nhưng vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân của hiện tượng này. 

Thảo My
.
.
.