Bức xạ vũ trụ giúp phát hiện hành lang bí mật gần đại kim tự tháp Giza
Hôm 2/3, tạp chí khoa học Nature công bố rằng một hành lang bí mật có chiều dài 9 mét đã được phát hiện gần lối vào chính của đại kim tự tháp Giza 4.500 năm tuổi. Theo các nhà khảo cổ học Ai Cập, phát hiện này chắc chắn sẽ mở ra nhiều bất ngờ, đặc biệt là các kiến thức về kỹ thuật xây dựng kim tự tháp từ thời các pharaon.
Đại kim tự tháp Giza là kỳ quan cuối cùng trong số bảy kỳ quan của thế giới cổ đại vẫn còn tồn tại. Từ năm 2015, các nhà khảo cổ học đã sử dụng công nghệ không xâm lấn, bao gồm đo nhiệt độ hồng ngoại, mô phỏng 3D và chụp ảnh bằng bức xạ vũ trụ để quan sát cấu trúc bên trong đại kim tự tháp này.
Nhờ phương pháp tiên tiến nêu trên, mới đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hành lang bí mật gần lối vào chính của đại kim tự tháp Giza. Tuy nhiên, họ vẫn đang nghiên cứu sâu để tìm câu trả lời về việc hành lang bí ẩn này dùng làm gì và dẫn tới đâu.
Theo ông Mostafa Waziri - người đứng đầu Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, hành lang này có thể chưa được hoàn thành 100%, có tác dụng phân bổ lại trọng lượng của đại kim tự tháp ở khu vực xung quanh lối vào chính.
Đại kim tự tháp Giza được xây dựng vào khoảng năm 2560 trước Công nguyên, dưới triều đại của pharaoh Khufu. Trước đây, Giza cao 146 mét, nhưng theo thời gian thì đại kim tự tháp này hiện cao 139 mét. Đây cũng từng là công trình kiến trúc cao nhất do con người tạo ra cho đến khi tháp Eiffel (Pháp) hoàn thành năm 1889.
Theo lẽ thường, bên trong đại kim tự tháp Giza sẽ chứa phần mộ của pharaoh Khufu. Tuy nhiên, đến nay, phần mộ này vẫn chưa được tìm thấy.
Nhà khảo cổ Ai Cập Zahi Hawass nhận định, hành lang mới phát hiện là một khám phá lớn, kỳ vọng nó có thể giúp giới chuyên gia khám phá rằng liệu phòng chôn cất của pharaoh Khufu có còn tồn tại bên trong kim tự tháp hay không.
Trước đó vào năm 2017, các nhà khoa học đã khám phá được một khoảng trống khác cũng nhờ phương pháp chụp ảnh bằng bức xạ vũ trụ. Đó là một không gian dài khoảng 30 mét, nằm ngay phía trên phòng trưng bày lớn bên trong Giza. Mục đích sử dụng của khoảng trống này đến nay vẫn còn là ẩn số.