Khi robot trở thành giáo viên ngoại ngữ

Thứ Năm, 18/10/2018, 21:00
Tháng 9 vừa qua, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã triển khai 500 robot nói tiếng Anh trong các trường học.

Nhiệm vụ của các robot này là giúp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ đang ở độ tuổi tiểu học ở Nhật Bản, giúp các em cải thiện kỹ năng nói và phản xạ bằng tiếng Anh.

Đài Truyền hình quốc gia NHK cho biết đây là một phần trong chương trình cải cách giáo dục ở Nhật Bản, vận dụng trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy học sinh. Việc giao tiếp với các giáo viên là robot tiếng Anh cũng giúp nâng cao được ứng dụng trò chuyện của các em, tạo nên những cuộc trò chuyện trực tuyến. 

Dẫn lời một kỹ sư chế tạo robot tham gia chương trình, đài NHK còn cho biết thêm, các robot tiếng Anh ở Nhật Bản đã được cài sẵn ứng dụng trò chuyện trực tuyến với giọng nói của người nói tiếng Anh bản ngữ. 

Nhờ đó, áp lực về việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho giáo viên tiểu học trong nước cũng giảm dần. Thêm vào đó, chi phí cho một robot dạy tiếng Anh cũng rẻ hơn nhiều so với tiền thuê giáo viên bản ngữ tiếng Anh. 

“Robot dạy tiếng Anh đã được lập chương trình dạy học trong hai năm, tập trung vào việc nuôi dưỡng các kỹ năng nói và viết tiếng Anh của học sinh. Đây là khoản đầu tư dài hạn của các trường học”, một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản nói. 

Robot dạy tiếng Anh được sử dụng trong các trường học ở Nhật Bản từ năm học này.

Theo bảng xếp hạng Năng lực Anh ngữ toàn cầu năm 2017 do Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First công bố, Nhật Bản bị xếp hạng có năng lực thấp, đứng thứ 37 trong tổng số 80 quốc gia. 

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chương trình dạy học tiếng Anh của nước này chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc, cùng với việc chỉ có 5 nguyên âm trong phát âm và sử dụng một hệ chữ riêng biệt không phải chữ latinh. 

Khắc phục tình trạng trên, năm 2016, nước này đã quyết định đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy, học tiếng Anh với việc củng cố 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh. Đặc biệt, trong kỳ thi đại học năm 2021, lần đầu tiên thí sinh thi môn ngoại ngữ sẽ phải thi đầy đủ 4 kỹ năng. 

Nhưng đến nay, nhìn chung, học sinh Nhật Bản vẫn nói hoặc viết bằng tiếng Anh chưa tốt lắm. Năm 2009, Nhật Bản từng tuyên bố chế tạo thành công giáo viên robot đầu tiên với tên gọi Saya. Robot Saya đã được thử nghiệm trong một lớp học của học sinh lớp 5 và lớp 6 ở  thủ đô Tokyo và có người giám hộ đi kèm để báo cáo. 

Đến đầu năm nay, Bộ Giáo dục Nhật Bản đưa ra một chương trình thí điểm mới với chi phí 250 triệu yên (tương đương 52,9 tỷ đồng). Kết quả là 500 robot dạy tiếng Anh được đưa đến các trường để kiểm tra khả năng phát âm tiếng Anh của học sinh trong khi giáo viên khó làm được điều này. Hãng tin Japan Times cho hay, phần mềm được cài trong robot dạy tiếng Anh này chỉ áp dụng trên máy tính bảng và bài học trên mạng với giáo viên bản ngữ. 

Chương trình giảng dạy quốc gia kiểu này dành cho trẻ em từ 10 tuổi sẽ áp dụng đến hết năm học 2019-2020. Ngoài việc đưa robot sử dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các giờ học tiếng Anh, Bộ Giáo dục Nhật Bản còn khuyến khích các trường đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh, thông qua các ứng dụng trong máy tính bảng hoặc sử dụng mạng Internet để hội thoại với giáo viên bản ngữ.

Đáng chú ý, Nhật Bản không phải quốc gia đầu tiên sử dụng robot trong trường học. Hồi tháng 3, Phần Lan đã cho thử nghiệm 4 robot dạy ngoại ngữ trong các trường tiểu học tại thành phố Tampere và Elias là một trong số đó. 

Elias có sự kiên nhẫn vô tận, sẵn sàng giảng đi giảng lại và luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi. Thậm chí Elias còn có thể nhảy điệu "Gangnam Style" trong lớp. Và Elias là một con robot. 

Chiếc máy dạy ngoại ngữ này gồm có một robot hình người và ứng dụng điện thoại. Robot Elias có thể hiểu và nói 23 ngôn ngữ, được lắp đặt phần mềm cho phép hiểu những yêu cầu của học sinh và khuyến khích học sinh học tập. 

Tuy nhiên, trong thử nghiệm lần đó, Elias chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Phần Lan và tiếng Đức. Robot Elias có thể xác định mức độ kỹ năng của học sinh và điều chỉnh các câu hỏi cho phù hợp. 

"Cô giáo" này cũng đưa ra phản hồi cho giáo viên về những vấn đề mà học sinh mắc phải. Một số giáo viên làm việc với công nghệ này xem robot Elias như một cách mới để thu hút trẻ học tập.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hơn 60 trường mầm non đã sử dụng robot Keeko để dạy học. Các em nhỏ đã vô cùng cùng thích thú trước sự xuất hiện của những chú robot dễ thương trong các tiết học kể chuyện tương tác. 

Robot Keeko không có tay, nhưng có thể di chuyển xung quanh nhờ vào những bánh xe nhỏ ở phần chân và hệ thống cảm ứng định hướng, camera lắp đặt bên trong. Khuôn mặt chú robot có lắp màn hình cảm ứng giúp Keeko tương tác với các bạn nhỏ. 

Hãng tin Chinadaily cho hay, robot Keeko là sản phẩm của công ty Công nghệ Keeko Robot Xiamen. Ngoài khả năng kể chuyện tương tác, robot này còn có thể hướng dẫn cách giải quyết vấn đề cho các em học sinh thông qua việc đặt ra những câu hỏi logic. 

Các chuyên gia giáo dục Trung Quốc rất hưởng ứng việc đưa những chú robot thú vị này vào trường học, nhưng cũng khẳng định rằng robot sẽ không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn giáo viên là người thật. 

Chi Anh
.
.
.