Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch: Xu hướng cần được khuyến khích đầu tư

Thứ Tư, 22/06/2022, 07:49

Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách vừa giúp quảng bá văn hóa, mang lại doanh thu cho chính nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật, vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là mảnh đất chưa thực sự được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng.

Đa dạng sản phẩm phục vụ du lịch

Nhiều năm trở lại đây, nhắc tới các sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch thì không thể không kể đến múa rối. Nếu TP Hồ Chí Minh có Nhà hát Múa rối Rồng Vàng thì tại Hà Nội có Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Trong thời điểm hàng loạt các đơn vị sân khấu công lập và ngoài công lập cùng liêu xiêu vì khủng khoảng khán giả, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn sáng đèn quanh năm, trở thành điểm đến của đông đảo du khách khi ghé thăm Hà Nội. Nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống khác cũng tích cực xây dựng các sản phẩm hướng tới đối tượng khách du lịch.

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan cho biết, cách đây 3 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án nhằm phục vụ khách du lịch tại sân khấu của Nhà hát, 71 Kim Mã, Hà Nội. Hiện nay, Nhà hát Chèo đã bắt đầu hợp tác với nhiều đơn vị lữ hành phục vụ khách Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, đồng thời xin ý kiến các công ty du lịch, lữ hành nhỏ và vừa về các sản phẩm của Nhà hát trước khi chính thức phục vụ du khách. Để đáp ứng nhiều đối tượng khách khác nhau, Nhà hát đã chuẩn bị nhiều chương trình, có thời lượng 20 phút, 30 phút, 50 phút hoặc trên 1 tiếng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát nên tất cả các chương trình tạm dừng. Đến nay, các chương trình này mới được khởi động trở lại.

1.jpg -0
Chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông Phạm Ngọc Tuấn cũng cho hay, đơn vị đã triển khai “bắt tay” với du lịch trong nhiều năm qua. Nhà hát đã triển khai xây dựng chương trình phục vụ khách tại rạp Hồng Hà, Hà Nội, đồng thời kết nối với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch đi bộ vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Nhà hát còn phối hợp với một số các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các Trường Đại học có khoa Du lịch để đưa nghệ thuật Tuồng vào biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên, giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến khán giả trẻ. Lãnh đạo Nhà hát xác định, sinh viên ở các khoa Du lịch là nguồn nhân lực du lịch tương lai. Khi họ hiểu, yêu nghệ thuật Tuồng thì mới giới thiệu hiệu quả đến du khách, làm cầu nối cho nghệ thuật truyền thống với du lịch.

Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng, 2 năm  nghệ thuật biểu diễn “đóng băng” vì đại dịch COVID-19, Nhà hát đã tranh thủ thời gian dốc sức đầu tư, dàn dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, hướng tới thị trường nội địa, đặc biệt là các khán giả nhí. Chương trình “Đồng vọng rối Việt” mang dấu ấn riêng của đơn vị, không chỉ được các em nhỏ yêu thích mà còn chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả lớn tuổi với nhiều hoạt động bổ trợ như tham quan khu trưng bày nghệ thuật về rối, tìm hiểu quy trình tạo hình con rối, tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ. Nhà hát đã thử nghiệm thành công một số vở diễn theo hình thức mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa rối nước và rối cạn, nhằm làm mới hơn, hấp dẫn hơn múa rối nước truyền thống.

Nhiều tác phẩm như: Hồn quê, Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh, Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, Phù thủy sợ ma, Thân phận nàng Kiều, Trê và cóc, Đồng vọng, Âm vang đồng quê... đã mang lại nhiều giải thưởng nghệ thuật cũng như tạo tiếng vang trong ngành nghệ thuật múa rối. Mặc dù địa điểm biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam không phải thuận lợi về giao thông nhưng Nhà hát tin rằng với chất lượng nghệ thuật và những trải nghiệm thú vị, Nhà hát sẽ là điểm đến được lựa chọn thường xuyên hơn của các cơ quan, trường học, gia đình, công ty lữ hành.

Còn nhiều khó khăn trong thu hút du khách

Mặc dù xác định nghệ thuật truyền thống có thể hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách quốc tế muốn khám phá tìm hiểu nghệ thuật, văn hóa Việt Nam nhưng nhiều Nhà hát cho biết, việc thu hút khách du lịch trong thời điểm hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Nhà hát Chèo Việt Nam có sản phẩm nhưng không có người làm tiếp thị, quảng bá du lịch chuyên nghiệp nên rất khó tiếp cận du khách. Cơ sở vật chất, điển hình là trang web của Nhà hát cần đầu tư kinh phí và nếu muốn hướng tới khách du lịch quốc tế thì phải có tiếng Anh. Hiện nay, website của Nhà hát mới chỉ có tiếng Việt, chưa có điều kiện giới thiệu bằng tiếng Anh. Thiếu đội ngũ làm công tác quảng bá, tiếp thị vừa am hiểu nghệ thuật, giỏi ngoại ngữ là khó khăn chung của nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống, không riêng gì Nhà hát Chèo Việt Nam.

Chưa kể, các website của các Nhà hát cũng chưa được quan tâm đầu tư. Như Nhà hát chèo Việt Nam đã bán vé trên trang web và fanpage của nhà hát nhưng khi bán vé thì hệ thống không đồng bộ nên mới chỉ tích chỗ và nhận chuyển khoản giữ chỗ chứ chưa thực sự vận hành bán vé online đúng nghĩa. Nếu khách đông vẫn sẽ xảy ra tình trạng hàng trăm người sẽ phải xếp hàng lấy vé đã đặt…

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông Phạm Ngọc Tuấn nhận định: Bên cạnh những nỗ lực của Nhà hát, nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã quan tâm triển khai kết nối du lịch với nghệ thuật truyền thống song hiệu quả chưa như mong muốn. Lý do có rất nhiều nhưng trước hết là cơ chế chính sách để tạo động lực còn thiếu, chưa khuyến khích được các công ty du lịch và lữ hành khai thác sân khấu truyền thống đưa vào các tour du lịch. Khi chưa có bệnh dịch, các đơn vị lữ hành chủ yếu khai thác múa rối nước và đưa khách đi tham quan các thắng cảnh, chưa mặn mà với việc đưa khách đến các điểm biểu diễn, khám phá tìm hiểu giá trị của nghệ thuật truyền thống.

NSND Nguyễn Tiến Dũng thì cho rằng, để phát huy nghệ thuật truyền thống tốt hơn nữa trong phục vụ du lịch, các Nhà hát cần có điểm biểu diễn nghệ thuật với nhiều dịch vụ xung quanh. Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ Nhà hát tổ chức hội nghị khách hàng và biểu diễn giới thiệu chương trình cho các công ty lữ hành. Rất nhiều công ty cho biết, chương trình nghệ thuật rất hay, rất thích hợp để đưa vào phục vụ khách du lịch nhưng họ cũng có rất nhiều yêu cầu đi kèm, trong đó có điểm đến ấn tượng, quang cảnh đẹp, vừa là nơi phục vụ biểu diễn vừa đáp ứng nhiều nhu cầu khác như ăn uống, thư giãn cho khán giả, giống như tại các resort, công viên sinh thái. Đây là những điều kiện nằm ngoài tầm tay của các Nhà hát.

Cũng theo ông Dũng, những yêu cầu mà các đơn vị lữ hành hướng tới là nền công nghiệp mang tính giải trí và nghệ thuật chỉ là một phần ở trong đó. Ở nhiều nước, nền công nghiệp này được đầu tư rất bài bản và tạo nên những khu vui chơi giải trí lớn trong đó nghệ thuật biểu diễn là một phần. Các khu vui chơi giải trí như thế vẫn chỉ là niềm mơ ước của các Nhà hát hiện nay.

Hoa Nguyễn
.
.
.