“Thương mãi bữa cơm nhà” - những ký ức xúc động thời bao cấp

Thứ Sáu, 30/10/2020, 17:01
Chiều 30/10, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, trong chương trình “Thương mãi bữa cơm nhà”, 2 người dẫn chương trình nổi tiếng – MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn sẽ cùng NSND Công Lý, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nhà báo Ngô Thiên Chương đưa khán giả ngược về quá khứ và điểm nhấn chính là căn bếp thời bao cấp. 


Thời bao cấp những gian bếp thanh bạch được thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của biết bao khu nhà tập thể, của những hộ dân cư chen chúc, ám mùi mắm muối, mùi đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn mùi khói dầu, khói than tổ ong. Bếp dầu, bếp than, bếp điện may xo gắn với từng câu chuyện đặc trưng: xếp hàng đong dầu, khêu bấc, thay bấc cho đến nhóm, quạt bếp than, khều than, đun trộm điện… 

Những góc bếp thời bao cấp với rất nhiều những câu chuyện, kỷ niệm xung quanh mâm cơm và những món ăn một thời gian khó nhưng ấm áp tình thân sẽ được nhiều khách mời nổi tiếng và nhiều nghệ sĩ “kể” trong chương trình Quán thanh xuân chủ đề “Thương mãi bữa cơm nhà”, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, vào 20h40 ngày 1/11.

Trong ký ức của NSND Công Lý, căn bếp thời gian khó xưa chỉ là một góc nhỏ nằm cạnh chuồng lợn. Hàng ngày, gia đình đi xin nước gạo để nuôi lợn. Cái chạn bếp cũ, được buộc chằng chịt dây đồng. Buộc đằng trước thì lợn chui vào đằng sau nên phải lấy gậy chọc, thế là mỡ, mắm lại sóng sánh hết ra...

NSND Công Lý  sẽ chia sẻ ký ức về căn bếp gia đình anh thời bao cấp

Với nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, ký ức về căn bếp thời bao cấp là những năm tháng kiếm mùn cưa, quét lá rụng về nấu ăn. Mãi sau này mới có than quả bàng để sử dụng. Bếp dầu, với đa số gia đình ngày ấy còn là xa xỉ. Những gian khó của đời sống đã ảnh hưởng đến từng căn bếp, từng bữa cơm... 

Ngày ấy, chỉ có phụ nữ mới sinh con hoặc phải đợi đến Tết, gia đình mới được ăn nước mắm loại tốt. Ngày thường, nước mắm sẽ là loại 2, mùi nồng nặc. Các bà mẹ phải nấu lên, hòa nước mắm với muối và nước vào để bớt mùi. Mỗi lần có nhà nào đun nước mắm thì cả khu khổ... Gạo mậu dịch nên mỗi lần vo gạo phải để 2- 3 giá để nhặt thóc, cỏ lồng vực, sạn. Bát cơm gạo trắng là mơ ước của cả một thời.  

NSND Nguyễn Hữu Phần mang đến câu chuyện "cười ra nước mắt" về phân chia tiêu chuẩn thực phẩm

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần mang đến câu chuyện “cười ra nước mắt” về việc phân chia tiêu chuẩn gạo. Ngày ấy, đạo diễn như ông được 13,5kg/tháng vì người phân chia tiêu chuẩn lương thực cho rằng "các ông chỉ ngồi chỉ đạo, có làm gì đâu". Tổ đạo diễn bất bình quá, mời mấy cán bộ lương thực xuống trải nghiệm cho biết. Sau quá trình “thực nghiệm” ấy, cán bộ lương thực thấy đạo diễn vất vả quá nên nâng tiêu chuẩn lên 17,5kg/ tháng. Riêng quay phim thì thi nhau xin làm "công nhân quay phim" vì công nhân được tiêu chuẩn 21kg/tháng, "thuốc lá sáng tác" được tiêu chuẩn 10 bao.

Ca sĩ Thu Hà kể chuyện xưa bằng âm nhạc

Khó khăn là thế nhưng căn bếp xưa vẫn luôn là nơi giữ lửa cho gia đình. Mỗi bữa cơm là hồn cốt riêng của mỗi nhà. Với nhà báo Tuyết Nhung, căn bếp xưa còn là nơi mẹ, chị dạy dỗ con cháu trong nhà. Khen – chê đều từ bữa cơm ra. Khi có cỗ, cả nhà lại xúm vào bếp. 

Tạ Quang Thắng cũng sẽ tái ngộ khán giả trong chương trình

Dự kiến, cùng tham gia “kể” về căn bếp xưa và những bữa cơm nhà thời bao cấp trong chương trình lần này còn có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ: NSƯT Mai Hoa với ca khúc “Mùa lá rụng” của nhạc sĩ Trọng Đài; ca sĩ Vũ Thắng Lợi với ca khúc “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến; Đinh Mạnh Ninh - Lan Anh với liên khúc “Tôi là Lê Anh Nuôi” và “Nổi lửa lên em”; Tạ Quang Thắng với ca khúc “Về ăn cơm” của Sa Huỳnh.


Liên Hoa
.
.
.