Nhà viết kịch Lộng Chương: Người thắp lửa những đam mê tuổi trẻ

Chủ Nhật, 07/01/2018, 18:04
Nhà viết kịch Lộng Chương không chỉ để lại một “gia tài” đồ sộ về sân khấu mà còn là tác giả của nhiều ký sự, phóng sự, lý luận phê bình sân khấu. 

Bên cạnh rất nhiều giải thưởng ghi nhận tài năng, những đóng góp to lớn của ông với nghệ thuật sân khấu nước nhà, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cho đến hôm nay, ông vẫn được giới sân khấu trân trọng gọi ông như người đốt lửa cho những đam mê tuổi trẻ. 

Ví von này không phải không có cơ sở khi đến tận hôm nay, nhiều vở diễn kinh điển của ông vẫn được dàn dựng trên sân khấu, trong đó, tác phẩm kinh điển “Quẫn” vừa được  NSƯT Trần Lực và các học trò dàn dựng thành công, trở thành hiện tượng của sân khấu năm 2016 - 2017.

Phát biểu trong hội thảo “100 năm – Nhà viết kịch Lộng Chương” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều ngày 7-1, PGS.TS Trần Trí Trắc khẳng định, nhà viết kịch Lộng Chương là con người kỳ diệu. Bởi, ông không hề được học ở trường nghệ thuật sân khấu nào nhưng đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, tác giả, đạo diễn, diên viên, nhà nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý viết lại chèo cổ, sáng lập nhiều ban kịch, nhiều đơn vị nghệ thuật chèo, kịch, cải lương và làm thầy cho nhiều nghệ sĩ trẻ trưởng thành. 

Nhà viết kịch Lộng Chương

Kịch bản của ông chủ yếu được ghi trên những vỏ bao chè mà có tới 140 tác phẩm. Trong đó, các kịch bản “Quẫn”, “A nàng”, “Cửa hé mở”, “Đôi ngọc lưu ly”, “Tình sử Loa Thành”… đẹp mãi trong lịch sử sân khấu Việt Nam. 

Điều kỳ diệu nữa là ông không phải Đảng viên Cộng sản nhưng cả nhà ông đều đi theo cách mạng còn bản thân ông đã đi theo Đảng thực lòng. Các tác phẩm của ông, dù ngắn hay dài, dù là chèo hay kịch nói đều bám sát cuộc sống chính trị, đấu tranh quyết liệt với cái sai, cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu…

Cảnh trong vở "Quẫn" do nghệ sĩ ưu tú Trần Lực dàn dựng năm 2017

Nhà viết kịch Lộng Chương tên thật là Phạm Văn Hiền, sinh ngày 5-2-1918 tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trước năm 1945, ông là công chức đơn thuần. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tình nguyện tham gia kháng chiến, chuyển sang hoạt động sân khấu. 

Năm 1957, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông mất năm 2003, để lại hàng trăm kịch bản sân khấu nổi tiếng, nhiều tiểu thuyết, bài viết, sách về lý luận phê bình sân khấu.

Hội thảo "100 năm - Nhà viết kịch Lộng Chương"

 Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, ngày 7-1, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức hội thảo “100 năm – Nhà viết kịch Lộng Chương”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ sân khấu trên cả nước.

Nhân dịp này, đạo diễn, NSƯT Trần Lực và các học trò của anh cũng đưa vở diễn “Quẫn” – một trong số các tác phẩm kinh điển của nhà viết kịch biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội như một hoạt động để tri ân bậc tiền bối có nhiều đóng góp to lớn với sân khấu Việt Nam. 

Cũng trong buổi biểu diễn này, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III đã trao tặng gia đình của nhà viết kịch Lộng Chương nhiều tư liệu quý về ông mà cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã sưu tầm, lưu giữ nhiều năm qua.

N.Hoa
.
.
.