Na Hang - đắm say mùa lúa vàng

Thứ Năm, 10/11/2016, 16:09

Xa rời sự xa hoa, ồn ào và tấp nập nơi phố thị, xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) mang một vẻ hoàn toàn khác biệt với những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, kỳ vĩ, những áng mây trắng ấp ôm quanh sườn núi và nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc Dao: dệt thổ cẩm.  

 

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ nhưng đầy sức cuốn hút, Na Hang đem lại cho mỗi du khách đặt chân đến đây những cảm giác rất riêng cùng những trải nghiệm vô cùng thú vị, khó quên. Đến với Na Hang vào một ngày tháng 10, ngoài việc đắm mình trong không gian của mây trời, của núi non, sông nước điệp trùng, mênh mông, ta còn có thể ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang chín vàng ngút tầm mắt.

 

 Ruộng bậc thang Na Hang, Tuyên Quang. (Ảnh: Thế Cường)

Na Hang nổi tiếng với những cảnh đẹp huyền diệu như trong miền cổ tích, với sông Gâm, hồ Na Hang, thác Nặm Me, Pắc Ban hay những hang động Phia Vài, Phia Muồn, Song Long, v.v được xếp hạng di tích quốc gia. Tuy nhiên, điều níu giữ trái tim du khách đến đây không chỉ là cảnh sắc mà còn bởi con người. Là nơi sinh sống của 15 dân tộc khác nhau, chủ yếu là Tày, Dao, Mông, Kinh,… Na Hang hội tụ rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong phú. Dệt thổ cẩm của người Dao chính là một trong những nét văn hóa truyền thống ấy.

Là một trong 11 xã thuộc huyện Na Hang, xã Hồng Thái là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một điều không thể thiếu trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Dao. Những tháng cuối trong năm là lúc người phụ nữ Dao dành nhiều thời gian bên khung cửi nhất để dệt những bộ quần áo cho một năm mới đang đến gần. Người Dao có quan niệm thổ cẩm có thể tránh, trừ tà ma nên trang phục thổ cẩm còn có thể được coi là sự tượng trưng cho điều may mắn, tốt lành. Ngoài trang phục, còn có những sản phẩm thổ cẩm thêu, dệt thủ công khác được sử dụng trong cuộc sống gia đình thường ngày của dân tộc Dao như: chăn, đệm, địu, màn, tà áo, khăn,…

Chị Đàng Thị Lây, một phụ nữ người Dao chia sẻ, thông thường, việc tạo ra những sản phẩm thổ cẩm yêu cầu rất nhiều công đoạn khác nhau như trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, cắt may, thêu thùa... Nguyên liệu để làm ra trang phục của người Dao chính là sợi bông. Bông sau khi thu hoạch được đun qua nước sôi, rồi ngâm với nước lạnh, sau đó vớt ra đùm thành con. Để sợi bông không bị đứt, người Dao cho một ít gạo vào chung lúc nấu vải bông trước khi mang phơi khô và dùng để dệt vải.

Những tấm thổ cẩm được làm thủ công bằng tay với độ mềm chặt khác nhau có thể sử dụng với những mục đích khác nhau tùy vào ý muốn của người dệt. Ðể dệt nên được những mảnh vải thổ cẩm đẹp đẽ và rực rỡ không chỉ cần sự kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ theo từng sợi vải, mà còn phải có lòng yêu nghề, hiểu nghề để các sản phẩm mang được bản sắc truyền thống của dân tộc.

 Phụ nữ Dao dệt vải bên khung cửi

Ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc sẽ có cách trang trí hoa văn trên vải khác nhau như thêu tay, dùng sáp ong vẽ lên vải rồi sau đó nhuộm màu… Điều khác biệt đáng chú ý nhất để phân biệt thổ cẩm của người dân tộc Dao với các dân tộc khác chính là cách dệt và các hình dáng hoa văn trang trí. Người Dao Tiền thường trang trí trang phục của mình bằng những đồng tiền bạc cùng những mẫu thêu truyền thống rất tinh xảo hình sao tám cánh, hình chữ thập, hoa văn hình con gà, con nai, con chó, chim và hoa lá… Màu sắc hoa văn phổ biến nhất là màu đen và trắng. Thân áo dài, xẻ tà và có nẹp nhỏ thêu hoa văn, khuy áo được làm bằng những đồng bạc chạm trổ khá công phu móc lại với nhau thành hình chéo. Tay áo được khâu theo dạng tay ống và thêu nẹp bằng hoa văn. Người phụ nữ Dao Tiền còn dùng dây lưng được dệt bằng sợi bông quấn sát vòng eo để tạo nên nét mềm mại, duyên dáng. Để hoa văn trên vải có màu xanh, người Dao có riêng một cách làm đặc biệt, đó là in vải bằng sáp ong rồi mới đem nhuộm chàm, đến khi được màu vừa ý thì đem nhúng vào nước nóng cho sáp chảy ra. Trải qua nhiều công đoạn rất công phu và tỉ mỉ là vậy, nên có khi phụ nữ Dao mất cả vài tháng mới hoàn chỉnh được sản phẩm của mình.

Theo phong tục người Dao, trước khi lấy chồng, mọi cô gái đều phải thành thục việc thêu thùa may vá để có thể tự mình dệt áo cưới. Phụ nữ Dao cần phải biết tự may trang phục cho mình và những người thân, bất kể là trang phục ở nhà hay quần áo đi hội. Chính vì lẽ ấy, cho đến tận ngày nay, những thiếu nữ người Dao vẫn được bà và mẹ chỉ dạy cho cách dệt vải, nhuộm vải, thêu thùa, v.v  ngay từ khi còn nhỏ.

Từ ngày tuyến đường lên Hồng Thái được đầu tư mở rộng, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa, người dân nơi đây tìm cách tiêu thụ sản phẩm từ nghề dệt đưa ra các tỉnh lân cận. Cuộc sống người dân từ đó cũng bớt khó khăn, kinh tế phần nào được cỉ thiện. Huyện Na Hang đã xây dựng chương trình, lập dự án khôi phục nghề dệt zèng ở các xã Hồng Thái, Thượng Nông. Đồng thời, về mặt du lịch, huyện cũng tạo điều kiện để du khách thăm quan có cơ hội quan sát quy trình dệt thổ cẩm, đồng thời trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn thêu dệt đơn giản.

Mang một sức sống bền bỉ với thời, nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền là một minh chứng cho sự phong phú đa dạng trong bản sắc dân tộc Việt Nam; minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Thật may mắn khi ngoài nhóm người Dao Tiền ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang, những nhóm người Dao khác ở Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu... đều đang ngày ngày đóng vào việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo dệt thổ cẩm này. 

HỨA PHƯƠNG NHI
.
.
.