Kết nối để kích cầu, phục hồi du lịch Tuyên Quang sau dịch COVID-19

Chủ Nhật, 14/06/2020, 13:25
Ngày 14-6, tại Tuyên Quang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch Tuyên Quang năm 2020 với sự tham gia của đông đảo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động du lịch và các địa phương. 

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, ngày 13-6, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, Công ty  Fivestar Travel đã tổ chức cho các đại biểu khảo sát đoàn đã khảo sát du lịch huyện Lâm Bình, đặc biệt là khu lòng hồ Na Hang, du lịch cộng đồng Nặm Đíp, trải nghiệm homestay Nặm Đíp, xã Lăng Ca, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Nằm ở trung tâm của vùng núi phía Bắc, Tuyên Quang có nhiều lợi thế du lịch, được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên quý giá, trong đó có những cánh rừng nguyên sinh còn nhiều động, thực vật quý hiếm như Khu bảo tồn thiên nhiên danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình, Khu rừng đặc dụng Chạm Chu, khu rừng nguyên sinh Tát Kẻ Bản Bung với khu quần thể rừng nghiến hàng ngàn năm tuổi.

Địa hình Tuyên Quang kiến tạo nên hệ thống núi non, hang động, thác nước hùng vĩ, sông hồ và cảnh đẹp ngoạn mục. Nơi đây còn có mỏ khoáng Mỹ Lâm với nhiệt độ lên đến 69 độ C được người Pháp phát hiện từ năm 1923… Chất lượng nguồn nước được đánh giá tốt nhất Việt Nam, có giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng, đang được quy hoạch diện tích trên 1.500ha.

Khảo sát Cọc Vài trong lòng hồ Na Hang

Tuyên Quang còn là nơi cư trú của người Việt cổ, là xứ sở của nhiều truyền thuyết, lễ hội, làn điệu dân ca như lễ hội Thành Tuyên, lễ hội rước Mẫu, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Lồng Tông… Hiện nay, Tuyên Quang có trên 560 điểm di tích lịch sử văn hóa. Đây là những tài nguyên quý cho du lịch khai khác. 

Trong những năm qua, du lịch Tuyên Quang đã đạt được những kết quan trọng. . Năm 2019, tỉnh thu hút trên 1,9 triệu lượt du khách, tăng 10,6% so với năm 2018.

Biểu diễn, giao lưu văn nghệ tại homestay Nặm Đíp

Tuy nhiên, theo bà Âu Thị Mai, Giám đốc sở VHDL Tuyên Quang: Du lịch Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, số lượng khách đến giảm mạnh. Lượng khách du lịch và thu nhập xã hội về du lịch giảm khoảng 70% đến 80%, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đang hoạt động phải cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí. Có cơ sở lưu trú tạm ngừng hoạt động. Hoạt động kinh doanh nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí đều bị ảnh hưởng lớn. 

Các đơn vị ký kết hợp tác kích cầu du lịch Tuyên Quang ngày 14-6

Hiện nay, các đơn vị đã hoạt động trở lại nhưng còn gặp khó khăn về thu hút khách. Để khắc phục, Tuyên Quang đã triển khai chương trình kích cầu du lịch từ ngày 1-6 đến 31-12. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch tại thời điểm này… Chương trình kết nối doanh nghiệp, kích cầu du lịch năm 2020 là một trong những hoạt động trọng tâm của Tuyên Quang nhằm phục hồi, phát triển du lịch sau dịch.

Dịp này, các cơ quan quản lý du lịch, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch Tuyên Quang, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng.

Giao lưu với người dân bản địa tại Nặm Đíp

Đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Tuyên Quang trong việc tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp và cơ quan báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đến đầu tư, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch cũng lưu ý, hiện nay, du lịch nội địa là điểm tựa cho du lịch Việt Nam. Sự phục hồi của ngành du lịch góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế, xã hội khác.  

Tại Tuyên Quang, phát triển du lịch tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, Tuyên Quang nên tăng cường xúc tiến quảng bá kết hợp đảm bảo an toàn cho nhân viên phục vụ du lịch, đồng thời tạo ra sản phẩm tốt với giá cả phải chăng. Thời gian qua, địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng ngoài các chính sách chung cần có chính sách cụ thể như miễn giảm vé ở điểm đến tham quan… 

Thác Khuổi Nhi, Na Hang

“Chúng ta nên có nhiều chính sách “mồi”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng, quảng bá nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tuyên Quang có thể xây dựng chương trình “Tôi yêu Tuyên Quang”, thu hút sự quan tâm của khách du lịch qua mạng xã hội. Song song với việc thu hút các nhà đầu tư để tạo ra hạ tầng du lịch, giao thông…, Tuyên Quang nên quan tâm đến yếu tố vệ sinh, kỹ năng làm du lịch của người bản địa trong phát triển du lịch cộng đồng”. Ông Phương gợi ý.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu về điểm đến du lịch Tuyên Quang an toàn, thân thiện. Tỉnh sẽ giới thiệu các sản phẩm du lịch, các gói kích cầu du lịch của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và các sự kiện du lịch các tỉnh. 

Ông Giang cũng đề nghị, bên cạnh triển khai kích cầu du lịch, cần phải công bố danh sách các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dich vụ du lịch đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết các gói kích cầu du lịch của các đơn vị đăng ký tham gia nhằm đảo chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” một cách hiệu quả…



An Bích Ngọc
.
.
.