Phim do Nhà nước đặt hàng: E ngại “đói góp, no dồn”?

Thứ Bảy, 20/01/2018, 09:42
Quy trình sản xuất phim đặt hàng từ vốn ngân sách Nhà nước nhiều năm trở lại đây đã, đang bộc lộ nhiều vấn đề mà việc dồn kế hoạch nhiều năm vào 1 là một biểu hiện cụ thể.

Theo Cục Điện ảnh Việt Nam, năm 2017 có 38 bộ phim truyện điện ảnh Việt Nam được sản xuất, ít hơn so với 2015 (42 phim) và 2016 (41 phim).Phim được đầu tư chiều sâu hơn: Nâng cao vốn sản xuất, nâng cao chất lượng phim, đề tài và thể loại phong phú, hạn chế các tác phẩm hài nhảm. Nhưng, 100% phim này là do các công ty tư nhân đầu tư sản xuất. Không có phim nào do Nhà nước đặt hàng sản xuất.

Thực tế, trong các năm 2015, 2016 và đến hết 6 tháng đầu năm 2017, ngành điện ảnh không được phân bổ ngân sách để đặt hàng sản xuất phim truyện. Phim tài liệu, khoa học, hoạt hình cũng chỉ được cấp kinh phí sản xuất phim của năm 2015. 

Khó khăn chỉ được tháo gỡ khi Văn phòng Chính phủ đã có công văn cấp phí thực hiện đặt hàng sản xuất phim trong 3 năm, từ năm 2015 đến năm 2017 và Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung dự toán chi ngân sách để đặt hàng sản xuất phim.

Phục vụ hoạt động sản xuất phim, đến cuối năm 2017, Cục Điện ảnh đã giám định 40 kịch bản phim tài liệu và phim khoa học, 33 kịch bản phim hoạt hình. 19 kịch bản phim truyện cũng đã được các đơn vị sản xuất gửi tham dự tuyển chọn kịch bản sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước đã được gửi về Cục Điện ảnh. 

Vì dồn kế hoạch trong nhiều năm vào cùng 1 thời điểm và việc sản xuất phim buộc phải tuân thủ các quy trình nhất định trong khi không phải đơn vị sản xuất phim nào cũng chủ động, sẵn sàng về nguồn kịch bản. Trong khi đó, văn bản pháp quy về hướng dẫn đấu thầu đặc biệt trong sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước vẫn chưa được ban hành dẫn đến sự lúng túng, khó khăn trong triển khai.

Cảnh phim “Mỹ nhân” – một trong số tác phẩm điện ảnh có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhưng bị chỉ trích về mặt doanh thu phòng vé và thiếu hợp lý về trang phục.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Điện ảnh trong nhiều năm trở lại đây nhưng thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức sản xuất phim đang có nhiều bất cập. 

Thống kê cũng cho thấy, năm 2017,  277 đội chiếu phim lưu động của các Trung tâm (Công ty) phát hành phim và Chiếu bóng đã phục vụ khoảng 12 triệu lượt người xem. 

Phim đặt hàng sản xuất bằng ngân sách Nhà nước là nguồn phim chủ yếu. Tất nhiên, con số này chính xác đến đâu và sức lan tỏa thực sự của các tác phẩm điện ảnh này, có lẽ, chỉ người trong cuộc là hiểu rõ nhất.

Không kể, khi truyền hình và mạng internet phủ sóng hầu khắp các vùng miền, việc sở hữu một chiếc tivi và điện thoại thông minh không quá khó, người dân có nhiều cơ hội lựa chọn hơn thì những buổi chiếu phim lưu động không hẳn còn sức hấp dẫn quá lớn, trừ những vùng cực kỳ xa xôi hẻo lánh.

Quy trình sản xuất phim đặt hàng từ vốn ngân sách Nhà nước nhiều năm trở lại đây đã, đang bộc lộ nhiều vấn đề mà việc dồn kế hoạch nhiều năm vào 1 như quyết định nói trên là một biểu hiện cụ thể. 

Khó trách các đơn vị sản xuất bởi khi chờ đợi quá lâu, ít ai đủ kiên nhẫn, giữ vững nhiệt tâm. Thông thường, các đơn vị sản xuất phim chuyên nghiệp, kể cả trong nước và nước ngoài đều có một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị. 

Phim sản xuất, phát hành được quảng bá cả nửa năm đến 1 năm trước đó. Sự gấp gáp về mặt thời gian khiến phim khó có cơ hội được quảng bá rộng rãi đến công chúng, khó thu hút được người xem bỏ tiền mua vé nếu phim được phát hành ngoài hệ thống chiếu rạp. 

Nếu là các buổi chiếu miễn phí, chưa kể chất lượng phim hay hay dở thì việc chưa gây chú ý cần thiết đến khán giả với 1 tác phẩm trong điều kiện người dân có nhiều sự lựa chọn như hiện nay thì không khác nào sẽ khó hấp dẫn, không khác nào những bữa ăn miễn phí dành cho người đã ít nhiều no đủ. 

Chưa kể, việc triển khai gấp gáp là nguyên nhân đáng kể dễ khiến đội ngũ làm phim rơi vào thế bị động, có thể dẫn đến những sai sót đáng tiếc mà trường hợp phục trang gây phản ứng trái chiều khi làm phim cổ trang “Mỹ nhân” nhiều năm trước chỉ là một ví dụ điển hình.

N.H.
.
.
.