Khán giả nức nở khi xem “Đáng sống”

Thứ Hai, 21/11/2016, 09:19
1 năm sau khi ra mắt bộ phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân”, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục ra mắt chùm phim tài liệu “Đáng sống”. Vẫn là những nhân vật đời thường, nhưng “Đáng sống” khiến người xem bị ám ảnh về hành trình vượt lên số phận của 3 nhân vật…


Rất nhiều khán giả có mặt trong buổi chiếu ra mắt chùm phim “Đáng sống” hôm 18-11 đã khóc khi xem phim. “Đáng sống” dài 90 phút với ba phim: “Mầm sống”, “Đáng sống” và “Một con đường”.

Ba năm trước, đã có cả trăm bài báo viết về sự kỳ diệu của y học và bản lĩnh kiên cường của chị Hoàng Thị Kim Dung, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm từ tinh trùng của người chồng tử nạn vì tai nạn giao thông trước đó một năm.

Người giúp chị Dung thực hiện ý nguyện ấy là bác sĩ Lê Vương Văn Vệ. Ba năm sau, Đặng Hồng Giang đã kể lại câu chuyện ấy bằng 30 phút bộ phim tài liệu mang tên “Mầm sống”.

Đến dự buổi chiếu ra mắt bộ phim cùng mẹ chồng, mẹ đẻ và 3 đứa con kháu khỉnh, nhắc lại quyết định đồng ý làm nhân vật của phim, chị Dung kể rằng, lần đầu tiên khi Đặng Hồng Giang gọi điện đề nghị làm phim về câu chuyện của mình, chị đã từ chối vì con còn nhỏ quá.

Nhưng khi nghe anh nói rằng “Đây không phải chuyện của riêng em, qua chuyện của em để gửi thông điệp đến những người có chung hoàn cảnh” thì chị đã đồng ý.

Câu chuyện được kể lại bằng hình ảnh và chính lời kể của nhân vật chính là chị Dung, khi nghe chị kể lại chuyện tình yêu của vợ chồng chị, những ngày hạnh phúc ngắn ngủi của hai vợ chồng và nỗi đau xé lòng khi nghe tin chồng mất vì tai nạn giao thông, những tâm sự của bố mẹ hai bên, của bác sĩ Vệ khi nghe tin chị quyết định sẽ một mình sinh con từ tinh trùng của chồng sau khi mãn tang chồng...

Dù là một câu chuyện đã từng được báo chí khai thác kỹ nhưng khi xem phim, rất nhiều người đã khóc khi nghe người vợ trẻ kể lại nỗi đau mất chồng và quyết định sinh con một mình để thực hiện mong ước sẽ sinh hai đứa con của vợ chồng chị từ khi mới lấy nhau.

Cách làm phim tài liệu không lời bình mà hoàn toàn bằng lời của nhân vật đã khiến khán giả bị xúc động mạnh.   

Đặng Hồng Giang chia sẻ rằng, khi làm bộ phim này, anh mong muốn câu chuyện “mầm sống” của chị Hoàng Thị Kim Dung sẽ là bài học lớn mang đến một giá trị tinh thần quý giá để bù đắp cho rất nhiều gia đình khi không may gặp phải tai ương, bất hạnh.

Và không chỉ ở Việt Nam, “mầm sống” còn là câu chuyện nhân văn hiếm hoi trên thế giới. “Mầm sống” là thông điệp của tri thức và tình yêu.

Mẹ con chị Hoàng Thị Kim Dung trong phim “Mầm sống”.

Bộ phim “Đáng sống” là câu chuyện về cuộc chiến chống ung thư của anh Tăng A Pẩu, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. 

Mắc phải căn bệnh ung thư gan ác tính, nhưng sau khi mổ, suốt 11 năm qua, anh Pẩu đã chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác không chỉ thay đổi cách sinh hoạt, anh đã lặn lội qua hầu khắp các cánh rừng hay núi cao trên cả nước để tìm kiếm và chụp hình được khoảng 500 loài chim hiện hữu của Việt Nam và hiện đang sở hữu bộ sưu tập ảnh chim quý giá trị nhất Việt Nam. 

Câu chuyện của anh Pẩu là cảm hứng cho Đặng Hồng Giang đặt tên cho bộ phim này và cũng làm tên chung cho cả chùm phim “Đáng sống”.

Đến dự buổi chiếu ra mắt có một người đàn ông thấp nhỏ ngồi lặng lẽ xem, đó là anh Nguyễn Ngọc Triệu, một người từng nhiều năm kiếm sống bằng nghề đào mót phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị và là nhân vật chính của bộ phim thứ 3 mang tên “Một con đường”.

Suốt nhiều năm, để mưu sinh, người đàn ông thấp nhỏ và có tật nói lắp này phải dậy từ rất sớm, sau bữa cơm sáng khi trời còn tối sẽ cầm theo một nắm cơm với lạc rang cho vào bao tải, vác cuốc và chiếc máy dò kim loại lên lưng ra khỏi nhà.

Không chỉ anh, mà còn có hàng chục người khác ở cái làng nghèo ở Quảng Trị hằng ngày mưu sinh bằng cái nghề đầy nguy hiểm là đi nhặt mảnh vụn bon, đạn còn sót lại từ thời chiến tranh giờ nằm sâu dưới đất.

Đã có nhiều người chết, bị tàn phế khi cuốc phải bom, đạn, nhưng vì miếng cơm, manh áo, họ vẫn phải đánh liều với thần chết để kiếm mỗi ngày vài chục ngàn.

Người xem bị ám ảnh bởi câu chuyện thật đến lạnh người của anh Triệu rằng: “Hôm nào mà kiếm được quả bom, quả đạn còn nguyên là tôi mừng lắm”. Mừng vì một quả bom còn nguyên như thế có thể bán được cả chục triệu, nhưng cũng đã có nhiều người trong làng anh chết vì cưa bom, cưa đạn.

Đặng Hồng Giang kể rằng, khi vào Quảng Trị quay phim này, anh đã mua bảo hiểm cho cả 11 người trong đoàn bởi anh ý thức được những hiểm nguy trước mặt khi đi cùng những người dân đang cuốc đất tìm mảnh đạn mảnh bom, đạn xót lại từ chiến tranh. 

Nhưng, anh Triệu kiếm tiền bằng nghề nguy hiểm này không chỉ để mưu sinh, mà còn có mục đích khác. Khán giả không khỏi thắc mắc với hình ảnh người đàn ông này đến ngân hàng, nâng niu từng tờ tiền gửi cho nhân viên ngân hàng rồi nắn nót viết tên người nhận.

Chỉ đến cuối phim, cái câu hỏi “Gửi tiền cho ai ?” mới được giải đáp khi xem cảnh anh Triệu đi tàu vào TP Hồ Chí Minh dự lễ tốt nghiệp đại học của cậu con trai út. Từ những đồng tiền phải đánh đổi bằng máu của bố ấy, con anh đã được học đại học và đỗ thủ khoa.

Khán giả đã thấy cay mắt khi nhìn người đàn ông nhỏ thó ôm lấy cậu con trai út giữa sân trường đại học trong ngày tốt nghiệp.

Giờ đây, con anh đã có việc làm ở doanh nghiệp, đã có tiền gửi về cho bố mẹ và anh không còn phải mưu sinh bằng cái nghề nguy hiểm ấy nữa. Và đó chính là “Một con đường” của anh Triệu, “Nhìn vào anh Triệu, tôi không còn dám than phiền hay đổ tại cho mỗi lúc khó khăn” - đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.

Trước khi trở thành đạo diễn phim tài liệu, Đặng Hồng Giang từng là nhà báo công tác tại Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ con mắt của người làm báo đã ảnh hưởng không nhỏ tới cách chọn đề tài, chọn nhân vật của anh. Sự chân thật từ nhân vật tới câu chuyện trong trong phim chính là sự hấp dẫn của “Đáng sống”.

Để có chùm phim 90 phút này, Đặng Hồng Giang đã phải làm việc trong 4 năm (bắt đầu bấm máy từ tháng 11- 2012), bởi anh bảo rằng, thể loại tài liệu hiện thực này không thể “ăn xổi” được.

Và chính sự cẩn trọng, kỹ lưỡng ấy mà “Đáng sống” thực sự là chùm phim đáng xem. Và đây cũng là lý do mà lần đầu tiên 1 chùm phim tài liệu được hệ thống rạp thương mại BHD nhận phát hành như những bộ phim bom tấn khác. 

Nguyễn Thiêm
.
.
.