Công diễn vở kịch tưởng nhớ 10 năm ngày mất của thi sĩ Trịnh Thanh Sơn

Thứ Ba, 26/09/2017, 09:03
Tối 22-9, người con trai cả của cố thi sĩ Trịnh Thanh Sơn đã dàn dựng và cho công diễn vở kịch “Ảo ảnh hạnh phúc”. Đây là tác phẩm được tác giả Lê Chí Trung viết phỏng theo hai truyện ngắn “Những con sóng mặt trời” và “Hai người đàn ông” của cố thi sĩ Trịnh Thanh Sơn.


26-9 là ngày giỗ lần thứ 10 của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Trước đó, vào tối 22-9, người con trai cả của ông đã dàn dựng và cho công diễn vở kịch “Ảo ảnh hạnh phúc”. Đây là tác phẩm được tác giả Lê Chí Trung viết phỏng theo hai truyện ngắn “Những con sóng mặt trời” và “Hai người đàn ông” của cố thi sĩ Trịnh Thanh Sơn.

Tối 22-9, rạp Công Nhân (phố Tràng Tiền, Hà Nội) với hàng trăm ghế ngồi đã nêm chặt người, trong đó có sự xuất hiện của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; NSND Hoàng Dũng (ông trùm Phan Quân trong “Người phán xử”). Mọi người đến đây để thưởng thức tác phẩm và ôn lại những kỷ niệm về người thi sĩ tài hoa nhân 10 năm ông đi xa.

Cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn sinh năm 1948 tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông mất năm 2007 tại Hà Nội. Sinh thời, ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, phê bình văn học, nhưng đắm đuối nhất là với thơ ca.

Vở kịch “Ảo ảnh hạnh phúc” đã gây được xúc động đối với đông đảo khán giả.

Tác phẩm nổi bật của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, gồm: “Cọng rơm vàng” (thơ - 1993), “Chuyện tình bên sông” (tập truyện ngắn - 1994), “Cúc Bách Nhật” (tập truyện ngắn - 1996), “Giậu cúc tần” (thơ - 1996), “Đoá tầm xuân” (thơ - 1999), “Giàn thiên lý” (thơ - 2004), “Đi dọc cánh đồng thơ” (phê bình - 3 tập vào các năm 2002, 2006, 2007)… Cuối đời, Tuyển tập “Vàng gieo đáy nước” của ông được ra mắt, tập hợp 127 thi phẩm trong suốt hành trình 40 năm sáng tác. Khi còn sống, thi sĩ tự khắc họa mình: “Tôi đã sống hồn nhiên như cỏ/ Dẫu bao nhiêu giông tố nát thân mình/ Để một mai về trong lòng đất/ Hoá thân thành muôn đọt non xanh!”.

Một điều rất đặc biệt, đạo diễn của vở kịch mang tên “Ảo ảnh hạnh phúc” chính là Trịnh Mai Nguyên, người con trai cả của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Trước khi vở kịch bắt đầu, Trịnh Mai Nguyên đứng trên sân khấu phát biểu và anh không kìm nén được cảm xúc, lòng rưng rưng khi nhớ về cha mình. Và đặc biệt hơn nữa, vở kịch được dàn dựng hôm ấy lại chính là bài tập tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn của Trịnh Mai Nguyên.

Vở kịch có kết cấu kịch tính, hấp dẫn.

“Ảo ảnh hạnh phúc” là một vở kịch có kịch bản hay, đảm bảo kịch tính, hấp dẫn, nhân văn. Vở kịch là câu chuyện bi kịch, khi các nhân vật không dám vượt qua những rào cản về định kiến truyền thống để sống với đúng trái tim của mình. 

Anh chàng Mẫn – nam nhân vật chính chỉ vì áp lực của gia đình, dòng họ phải lấy một người con gái mà anh không hề yêu thương. Anh sống với Vân cho xong bổn phận. Cùng với đó, Vân – vợ anh cũng phải chịu đựng một người chồng mà tâm tưởng đã dành hết cho cô gái khác. Người Mẫn yêu thương từ trước khi lấy vợ chính là Hường, cô gái xinh đẹp có giọng hát hay cùng làm việc trong nhà máy.

Đạo diễn Trịnh Mai Nguyên, con trai cố thi sĩ Trịnh Thanh Sơn phát biểu trước khi vở kịch công diễn.

Bi kịch hơn nữa là sau khi Mẫn lấy vợ, Hường đã buộc phải lấy Đạt, một anh chàng suốt ngày say xỉn và đánh đập vợ. Trong thời gian này, Mẫn và Hường vẫn vụng trộm với nhau. Khi Đạt bị bắt đi tù vì tội ăn trộm, Mẫn sẵn sàng bỏ vợ để đến với Hường. Cùng với đó, Đạt trong tù cũng sẵn sàng ký giấy ly hôn để giải thoát cho Hường nhưng cuối cùng, Hường quyết định bỏ nhà máy đi kiếm tiền rồi chạy cho Đạt ra tù sớm rồi mới bỏ.

Nhưng do bàn bàn tay của nhân vật Tiến, Giám đốc nhà máy đã đạo diễn tất cả, Mẫn và Hường vẫn không thể đến với nhau. Kết thúc vở kịch, trước biển, Mẫn và Hường gặp lại nhau sau bao nhiêu năm. Nhưng hi vọng hạnh phúc của Mẫn và Hường thực tế chỉ là ảo ảnh. Câu chuyện khép lại với bi kịch của những người yêu thương nhau nhưng không đến được với nhau bởi họ không sống được theo đúng tiếng gọi con tim mình…

Gia đình tặng hoa chúc mừng đạo diễn Trịnh Mai Nguyên.

Vở kịch được diễn xuất bởi những nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam, với những nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Xuân Bắc (vai Đạt), NSƯT Việt Thắng (vai Giám đốc Tiến)... Bỏ qua những nhận xét chuyên sâu về vở kịch, điều dễ dàng nhận thấy là sau mỗi phân cảnh, những tràng pháo tay không ngớt của khán giả tại rạp Công Nhân hôm ấy đã nói lên được sự thành công của tác phẩm. Xem xong “Ảo ảnh hạnh phúc”, điều thôi thúc nhất, đó chính là sự thức tỉnh trái tim và lý trí của mỗi con người.

Vũ Cảnh
.
.
.