Chiêm ngưỡng 30 bức tranh quý của danh họa Bửu Chỉ

Thứ Sáu, 23/08/2019, 17:21

Chiều 23-8, bộ sưu tập tranh “Đi tìm ý nghĩa thời gian của người” của cố họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002) đã ra mắt công chúng tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1).


Bộ sưu tập gồm 30 bức tranh quý, tiêu biểu các phong cách đặc trưng của danh họa xứ Huế. Họa sĩ Bửu Chỉ kinh qua nhiều phong cách, mà mỗi phong cách đều vẽ khá sung mãn: từ kiểu biếm họa cho đến tranh thiếu nữ lãng mạn, tranh minh họa; từ trường phái ấn tượng cho đến hiện thực huyền ảo… Nhưng có vẻ ông nổi trội với trường phái tân biểu hiện và tượng trưng.

Bức "Ký ức".

Về mặt nhận diện, ngoài một số tranh theo tinh thần lãng mạn, đa số tranh của Bửu Chỉ diễn ý, giàu tính văn chương, tư tưởng với các ý niệm, biểu tượng… như mặt trăng, mặt trời, đồng hồ, ngọn nến, đèn dầu... Tranh của ông là hành trình đi tìm ý nghĩa thời gian của đời người. 

Bức "Đính ước".

Nói như nhà phê bình Thái Bá Vân: “Tôi không hiểu sai Bửu Chỉ: nghệ thuật không phải để trang điểm hay phụ bạc, mà nó phải được bảo đảm và định hướng bằng chính cái ý nghĩa người, bao giờ cũng đẹp đẽ và có ích, trong cuộc sống thường là nhỏ nhen và tàn bạo. Sự trốn thoát nào đó cái hàng ngày, bằng hội họa, của anh là có nghĩa bởi nó đồng nhất với nhập cuộc và đấu tranh cho cái chưa là”.

Bức "Nhật nguyệt".

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người bạn thân của họa sĩ Bửu Chỉ, nhận xét lúc sinh thời: “Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn vời chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa…”.

Bức "Thời gian".

Họa sĩ Bửu Chỉ từng tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên học sinh miền Nam và bị địch giam cầm. Từ năm 1983-1988, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Bửu Chỉ có tác phẩm trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Singapore và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 3-9.


Quỳnh Nga
.
.
.