3.000 người mặc áo dài diễu hành tại TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 05/03/2023, 20:26

Trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023 (từ ngày 3-5/3), ngày 5/3 đã diễn ra chương trình diễu hành áo dài “Tôi yêu áo dài Việt Nam”.

Đây là chương trình diễu hành quy tụ nhiều người mặc áo dài nhất Việt Nam với sự tham gia của 3.000 người, bao gồm các đồng chí lãnh đạo thành phố; lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể thành phố; đại diện lãnh đạo TP Thủ Đức và 21 quận, huyện; lãnh đạo và hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; các đại sứ của lễ hội áo dài; các văn nghệ sĩ, diễn viên và người dân thành phố.

3.000 người mặc áo dài diễu hành tại TP Hồ Chí Minh -0
3.000 người tham gia đồng diễn áo dài Việt Nam tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chương trình diễu hành nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài trong đời sống thường ngày thông qua sự đa dạng trong trang phục áo dài của ngưởi tham dự, bao gồm áo dài theo hình thức truyền thống và áo dài có hình thức cách tân, biến tấu; áo dài dành cho nam và áo dài dành cho nữ; áo dài được trình diễn bởi văn nghệ sĩ và áo dài được thể hiện bởi các mẹ, các chị của gia đình; áo dài cho các dịp trang trọng và áo dài là trang phục làm việc; áo dài dành cho người trẻ và áo dài dành cho người có tuổi; áo dài cho thiếu nhi…

3.000 người mặc áo dài diễu hành tại TP Hồ Chí Minh -0
Đông đảo người mặc áo dài tham gia diễu hành.

Với lộ trình diễu hành qua các con đường: phố đi bộ Nguyễn Huệ  - Lê Lợi – Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn, đoàn diễu hành di chuyển qua các điểm tham quan và công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố như Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố…

3.000 người mặc áo dài diễu hành tại TP Hồ Chí Minh -0
Đoàn diễn hành đi qua nhiều tuyến đường.

Tại lễ hội còn có “Không gian triển lãm tôn vinh áo dài” tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ với các tiểu cảnh chụp hình kết hợp khu triển lãm hình ảnh cuộc thi “Áo dài với gia đình”, “Lễ hội áo dài qua các thời kì” hay “Con đường nghệ thuật áo dài” tại Công viên Lam Sơn và quảng trường trước Nhà hát thành phố.

Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động tương tác thú vị như: xếp lá dừa nghệ thuật, vẽ tranh áo dài, nặn tò he, vẽ ký họa chân dung, làm tranh gạo, chụp ảnh lưu niệm lấy liền... tạo nên các sắc màu sôi động nhưng không kém phần cổ kính và tăng tính tương tác, trải nghiệm thú vị trên cung đường mà đoàn diễu hành đi qua; từ đó góp phần quảng bá điểm đến TP Hồ Chí Minh hấp dẫn – an toàn và thân thiện với du khách trong nước và quốc tế.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ tôn vinh giá trị của áo dài và giới thiệu hình ảnh thành phố sống động, chương trình diễu hành với áo dài còn là hoạt động tôn vinh vẻ đẹp thể chất, tâm hồn, ý chí bền bỉ nhưng cũng không kém dịu dàng của phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Tối 5/3, tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ đã diễn ra chung kết Cuộc thi Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh. 

Cuộc thi là sân chơi văn hóa lành mạnh cho các cá nhân và tập thể, các đơn vị trường học, sinh viên các trường, các gia đình, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện lãnh sự, các văn phòng đại diện kinh tế - thương mại và các tổ chức quốc tế tại TP Hồ Chí Minh; đoàn viên, hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các đoàn thể của thành phố, các tỉnh thành trong cả nước. Lễ hội còn có sự tham gia của 19 Đại sứ và 23 nhà thiết kế.

Đặc biệt, lần đầu tiên lễ hội ra mắt ứng dụng công nghệ tương tác trực tuyến thế giới ảo Metaverse để quảng bá áo dài.

Nguyễn Cảnh
.
.
.