Phải làm gì, theo bạn?

Thứ Năm, 19/08/2021, 22:12

Trước ngày 31/7/2021, tức là trước khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh “ai ở đâu ở đấy”, chúng ta đã chứng kiến hình ảnh những dòng người ồ ạt rời khỏi TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để trở lại quê nhà. Họ phải rời phố về quê vì trốn dịch, vì đói kém, vì hết miếng ăn.

Chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện xót xa trong dòng người bỏ phố về quê ấy, ví dụ như câu chuyện của một cặp vợ chồng trẻ vào bước đường cùng, phải cắp theo đứa con 9 ngày tuổi chạy xe máy từ Bình Dương về Nghệ An – một câu chuyện chỉ nghe thôi đã thấy rùng mình.

Rồi như câu chuyện của cặp vợ chồng lớn tuổi làm nghề xây dựng ở TP.HCM. Họ nghèo đến nỗi phải nhờ con gửi 10 triệu đồng từ quê nhà Thanh Hóa để mua một chiếc xe máy cũ, chạy thẳng về quê. Nếu như câu chuyện thứ nhất là một đoạn kết có hậu, khi cặp vợ chồng trẻ đã được giúp đỡ giữa đường thì câu chuyện thứ hai lại vô cùng khắc nghiệt: chiếc xe bị tai nạn, người chồng mãi mãi không trở dậy, người vợ bị chấn thương nghiêm trọng.

Phải làm gì theo bạn ? -0
Ảnh: St.

Thế mới biết trên những nẻo đường về quê là không biết bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu cảnh ngộ! Họ là đồng bào của chúng ta, nghĩa là sinh ra cùng một bọc với chúng ta. Chuyện của họ cũng là chuyện của chúng ta. Mấy ai có thể dửng dưng khi thấy đồng bào mình như thế?

Trong những miên man nghĩ về họ, tự nhiên tôi nghĩ tới một câu hỏi: Đây sẽ là lần hồi hương thứ bao nhiêu của họ? Rồi đại dịch cũng sẽ qua đi, không sớm thì muộn, cuộc sống rồi sẽ trở lại, và chắc là lúc đó phần lớn những con người trong dòng người hồi hương hôm nay lại khăn gói quả mướp rời quê lên phố. Họ lên đó để kiếm sống, để sinh nhai, để kiếm tìm cơ hội.

Trong cuộc tìm kiếm mệt mỏi, vô phương hướng ấy, nếu thành công, họ sẽ ở lại thành phố. Nếu lỡ thất bại, họ sẽ quay về. Mà tôi biết, có những người đã chọn cho mình những cách ứng xử rất thảm hại. Đó là những người không dám quay về, bởi với rất nhiều áp lực đổ dồn lên mình, nếu quay về mà không “công thành danh toại” thì sẽ là một thất bại lớn lao.

Tôi chợt nhớ đến một người bạn thời Đại học của mình ngày xưa. Chơi thân với nhau nên bạn tâm sự thật: mình nhất định phải kiếm được việc ở Hà Nội. Phía sau mục tiêu “nhất định phải kiếm được việc ở Hà Nội” còn ẩn náu nhiều mục tiêu khác – điều mà bạn không nói rõ, nhưng tôi hiểu được, đó là nhất định phải thành công ở Hà Nội, nhất định phải giàu có ở Hà Nội, nhất định phải từ Hà Nội về quê bằng xế hộp và sự rủng rỉnh công danh.

Tôi cảm nhận được điều đó sau một lần về nhà bạn, chứng kiến những kỳ vọng lớn lao mà bố mẹ, làng xóm đặt lên vai bạn. Lúc đó tôi đã từng bất giác nghĩ: nếu sau này chẳng may không thành công thì đường về quê của bạn mình sẽ như thế nào? May quá, bạn tôi thành công – dĩ nhiên là thành công theo cách mong muốn của bạn, và nhờ sự thành công đó mà đường về quê với bạn là một con đường thênh thang.

Có bao nhiêu con người phải rời quê ra phố với những áp lực ghê gớm như bạn tôi? Có bao nhiêu con người phải rời quê ra phố để kiếm tìm một cơ hội thoát thân duy nhất? Có bao nhiêu người phải rời quê ra phố để tìm cách trả những khoản nợ khủng khiếp mà họ và gia đình họ vì một lý do nào đó phải dấn thân vào. Tôi quen một cặp vợ chồng trẻ cùng lớn lên ở quê, trưởng thành ở quê và quyết tâm bám trụ ở quê.

Nhưng không may là đứa con sơ sinh của họ mắc chứng bệnh bẩm sinh về tiêu hoá, khiến họ phải vay nợ khắp nơi để cháu có thể trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật. Sau khi cháu khỏi bệnh, hai vợ chồng không còn cách nào khác là sang nước ngoài làm công nhân, “kéo cày” trả nợ. Trường hợp này thì không phải là bỏ quê lên phố nữa, mà là bỏ quê đi tận xứ người. Bỏ quê lên phố hay bỏ quê đi xứ người cũng chẳng phải là những chuyện lẻ tẻ, mang tính hiện tượng đâu đó, mà đã trở thành một vấn đề. Đến nỗi, nếu có dịp đến một số vùng quê ở Thái Bình, Bắc Giang, Thanh – Nghệ, bạn sẽ bất ngờ với hình ảnh nhiều thôn xóm chỉ còn lại toàn người già, trẻ em. Tất cả những người trong độ tuổi lao động bằng cách này hay cách khác đều đã “Bắc tiến” hoặc “Nam tiến” hết.

Phải làm gì theo bạn ? -0
Ảnh: St.

Thành thử, từ những dòng người hồi hương cách đây ít tuần, chúng ta buộc phải trăn trở với câu chuyện: đến bao giờ những người lao động không phải bỏ quê lên phố, để rồi lại lũ lượt rời phố về quê khi có biến động như thế nữa? Đến bao giờ những vùng nông thôn xa xôi có thể giữ được bước chân người lao động?

Đến bao giờ chúng ta có được những miền quê đáng sống, những miền quê giúp người ta có thể an tâm sinh tồn và phát triển, thay vì cứ phải bám vào thành phố như bám vào cứu cánh duy nhất của đời người? Tháng 12-2016, khi làm việc với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan này nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để bài toán “ly nông, bất ly hương”.

Trên thực tế chúng ta đã triển khai chính sách xây dựng nông thôn mới. Và xét về mặt nguyên lý, nông thôn mới phải là vùng đất mà người dân có thể yên tâm ở lại. Nhưng có vẻ như ở đâu đó, câu chuyện “nông thôn mới” chỉ dừng lại ở một ít chính sách trợ giúp, một ít dự án chăm lo an sinh, chứ chưa thực sự tạo ra được những thay đổi bền vững trong cơ cấu kinh tế - cái gốc để giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Nông thôn mới có thể giúp đào tạo nghề cho người lao động, nhưng đào tạo nghề không gắn với thay đổi đồng bộ về cơ cấu kinh tế khiến “đầu ra” của nghề nghiệp bỗng trở thành một câu hỏi lửng lơ. Đã có những con số thống kê cho thấy ĐBSCL có tới 1,3 triệu người ra đi trong vòng 10 năm qua.

Chúng ta hiểu được logic của con số này nếu biết logic của những con số khác: vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia ĐBSCL hiện chỉ chiếm 7,4% số doanh nghiệp cả nước, và số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng chỉ khoảng 8%. Rõ ràng là nông thôn mới không gắn với việc tạo dựng cơ cấu kinh tế mới với sự xuất hiện đủ dày dặn và hiệu quả của những doanh nghiệp mới chưa thể là lối ra của một vấn đề nan giải. 

Chúng ta đã nói và đã nghĩ nhiều tới những dòng người ồ ạt rời phố về quê vì dịch dã. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để “cấp cứu” dòng người ấy, nhưng có lẽ dòng người ấy cũng chính là một dịp để chúng ta cùng nghĩ về một bài toán sinh kế lớn hơn: phải làm gì để không còn những dòng người từ nông thôn ra đi, để rồi đến lúc lại từ thành phố trở về một cách bất đắc dĩ? Phải làm gì để có những miền nông thôn đủ sống, đủ phát triển, đủ xây mơ ước?

Phải làm gì, theo bạn?

Vương Trọng Tín
.
.
.