Fatih Akin và câu chuyện di dân: Báo thù, căn cước, hòa giải

Thứ Tư, 30/03/2022, 13:49

Ngữ cảnh Đức - Thổ đậm đặc trong chính con người Fatih Akin và các nhân vật của anh cũng buộc họ phải tiết lộ cái mà, trong xã hội hiện đại, khi rào cản đường biên địa lí quốc gia trở nên dễ vượt qua, rất cần thiết để xác thực tính cá nhân mình: căn cước.

1. “In the fade” (2017, giải Quả cầu vàng cho phim quốc tế hay nhất) là bộ phim mà Fatih Akin chủ ý không chọn kết thúc có hậu cho người di dân. Trong bối cảnh chủ nghĩa tân phát xít (Neo-Nazis) bắt đầu trỗi dậy ngay ở chính cội gốc của nó, nước Đức, Fatih Akin dường như không tin rằng hệ thống luật pháp, công lí vốn dĩ được nhiều người đề cao có thể ngăn chặn kịp thời, chính xác những tội ác ngang nhiên núp dưới chiêu bài khủng bố.

Dựa vào sự kiện có thật là vụ đánh bom đinh ở khu phố người Thổ thuộc Cologne năm 2004, “In the Fade” đẩy cao thảm kịch ngay từ những cảnh phim đầu tiên khi Nuri, người Đức gốc Thổ, vừa mãn hạn 4 năm tù vì buôn ma túy, ôm choàng vợ mình ở sảnh trại giam. Anh đang ngất ngây hạnh phúc được trở lại đời thường với cô vợ Katja, người Đức, và cậu con trai Rocco sáu tuổi thì tai họa ập đến: Một quả bom đinh, được giấu trên chiếc xe đạp, phát nổ ngay trước cửa văn phòng của Nuri khiến anh và con trai chết tại chỗ.

Katja, kể từ khoảnh khắc kinh hoàng chứng kiến cái chết đau đớn của chồng con, liên tục rơi vào buồn đau và hoang mang cực độ. Mặc dù cảnh sát đã bắt được hai nghi phạm André và Edda Moller nhưng bởi quá trình xét xử phức tạp, nhiều lí lẽ và biện hộ loằng ngoằng sau đó, tòa án đã không thể kết tội cặp đôi này.

Không chấp nhận tội phạm được nhởn nhơ, Katja lần theo dấu vết họ và quyết tâm báo thù. Khi xác định chắc chắn André và Edda lưu trú trên chiếc xe RV tại một bờ biển ở Hy Lạp, Katja vác theo bom đinh tự chế, và vào buổi sáng đẹp trời, tự mình bước vào chiếc RV rồi kích nổ. Cột lửa bốc cao, Katja và hai thủ phạm tan biến cùng chiếc xe giữa bãi biển trong xanh, tĩnh lặng.

“In the Fade”, như thế, là một kết án gay gắt đối với các hành vi, tội phạm khủng bố. Fatih Akin không chờ đợi những lời lẽ xoa dịu, trấn an. Những nạn nhân của tân phát xít như gia đình Katja cần hành động cụ thể, cần một lựa chọn khả dĩ hơn, dù đau đớn hơn, để cất tiếng nói oan nghiệt của mình.

Trong cuộc chiến đối mặt với tội phạm khủng bố, Katja không quá đơn độc nhưng cũng chẳng dễ tìm được sự hậu thuẫn kịp thời từ hệ thống pháp lí, từ những người thân trong gia đình hai sắc tộc Đức-Thổ. Họ gần như đứng ở giữa, nơi họ chỉ biết nỗ lực hàn gắn các khoảng cách văn hóa, hòa giải những xung đột, nghi kị ngấm ngầm. Khi tội phạm khủng bố nhắm vào họ, thực chất, là nhắm vào tình thế của những người bị đẩy ra rìa, bị nơi chốn mình đang cư trú coi như kẻ ngoài cuộc. Bởi thế, đừng cho rằng Katja đánh đổi mạng sống cho mục tiêu báo thù là đoản trí, cạn nghĩ mà chính thái độ bỏ mặc, vô cảm cộng đồng xung quanh đối với cô, nạn nhân xấu số, mới đáng phê phán.

Trước khi đẩy cao sự thù hận trong “In the Fade”, F. Akin thực ra đã từng để những nhân vật di dân của mình tìm đến hòa giải, bao dung, tha thứ. Bởi với di dân thì cuộc sống đầy bấp bênh của họ cần đến sự hiểu, thừa nhận ở bề sâu: ngôn ngữ, văn hóa, tập tục và di sản tinh thần mang theo chứ không chỉ là những dòng chữ trong visa, hộ chiếu hay dấu chỉ mái tóc, màu da, hình dáng thể chất.

Trong “Head-On” chẳng hạn, bằng hệ thống chi tiết chọn lọc tập trung làm nổi bật tính cách nhân vật, Akin chứng tỏ mình hiểu rõ những qui định ngặt nghèo của xã hội Hồi giáo dành cho người phụ nữ. Nhưng nhân vật chính, cô gái Sibel, người sinh ra trong gia đình Hồi giáo Thổ, lại bộc lộ khát khao cuộc sống phóng túng, công khai ham muốn nhục dục và tình yêu. Sibel, bởi nỗ lực đương đầu và kiên quyết vượt qua những luật lệ tôn giáo, tập tục cổ truyền, có thể coi là hóa thân của những đập vỡ bất thành, là cuộc vượt ngưỡng các định đề mang theo dự báo muôn vàn hệ lụy ập xuống.

Trên nước Đức, Sibel buộc phải tìm đến Cahit, một người đàn ông Thổ mà tư cách trú xứ của anh đang bị dè bỉu, khinh miệt trong cái nhìn bản xứ, để hoàn thành thủ tục lấy chồng và nhờ đó, không có sự dị nghị nào từ xung quanh đối với cuộc sống tình ái của cô. Cuộc gặp gỡ Sibel - Cahit ban đầu chỉ là trò chơi của hai kẻ chán sống nhưng kết cục, nó là định mệnh thắp sáng ngọn lửa yêu thương và để rọi chiếu, một cách thẳng thắn, nóng sốt, vào thực tế cuộc sống đang nhiều thù hận.

Không có hạnh phúc và bình yên trọn vẹn dành cho hai kẻ di dân này. Từ vị trí ngoại vi, họ đã bị bủa vây bởi những khế ước văn hóa của các cộng đồng người Đức và người Thổ. Các khế ước đó, do tính khép kín và tự trị, phi nhân của nó, đã không thể nào dung nạp những con người có tính cách mạnh mẽ, nổi loạn và ưa chuộng tự do như Sibel và Cahit. Giữa Hamburg và Istanbul, giữa ra đi và trở về, là khoảng cách khó khăn mà Sibel và Cahit phải trải qua, trong đó có cả bạo lực như là sự thật vô cùng đáng sợ, để vươn tới tình yêu.

Fatih Akin và câu chuyện di dân: Báo thù, căn cước, hòa giải -0
Cảnh trong phim “The Edge of Heaven” (2007).

2. Không lãng mạn, nhẹ nhàng như “In July”, “Head-On” dựng một tình yêu nhiều nước mắt, đau đớn và dù có hài hước, tiếng cười ấy vẫn chấp chới ẩn dưới bi kịch. Bi kịch này vừa cụ thể hóa trong mối tình không có hậu, vừa được đan dệt khéo léo trên từng nhịp điệu không - thời gian và lời ăn tiếng nói. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Akin để cho nhân vật của mình phải dùng đến tiếng mẹ đẻ, tiếng trú xứ hay cả tiếng thứ ba trong các giao tiếp, trong việc bày tỏ cảm xúc suy nghĩ.

Ở nơi trú xứ, tiếng mẹ đẻ chỉ được phát ra trong nhóm người cùng sắc tộc, có chức năng nhận biết nhau nhưng cũng dễ tiết lộ thân phận thiểu số, nhỏ lẻ. Không chỉ để giao tiếp, tiếng mẹ đẻ còn chuyên chở kí ức dù oái oăm thay, kí ức ấy kèm theo những trở lực kiểm duyệt vô hình, rằng sẽ nói với ai, ở đâu để thanh âm giọng nói ấy được đón nhận, lắng nghe. 

Một điều kiện để lắng nghe, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, là phải đối mặt và hiểu được sự khác biệt văn hóa nảy sinh do khác biệt thế hệ, vị trí xã hội. Trong “The Egde of Heaven” thì cha-con/mẹ-con lỏng lẻo về ý thức hệ dù giữa họ, tình yêu thương bao giờ cũng đủ đầy. Thế hệ già nua, một khi cố định bởi tính gia trưởng cố hữu như ông già Ali sẽ không thể đối thoại với con trai mình, Nejat, và nhất là, không thể hình dung rằng con người sẽ hoàn lương nếu được thức tỉnh và giáo dục.

Bà Susanne tuy không cực đoan kì thị chủng tộc nhưng với quan điểm bảo thủ, sẽ khó lòng ủng hộ việc con gái Lotte trẻ người non dạ nhưng sống cởi mở, kiên quyết cứu giúp kẻ ngoại lai. Cũng thật khó tìm được hình ảnh nào thích hợp hơn về sự khác biệt là cự li song song, được vít chặt bởi góc máy tĩnh, giữa Nejat và Yeter trên chuyến xe bus. Họ tuy cùng chung cố quận nhưng không chung hành trình đi đến tương lai, khi Nejat là biểu tượng sức trẻ vươn lên còn Yeter lại tận cùng bất hạnh trên đất khách quê người.

Là thầy giáo song tri thức của Nejat cũng đâu dễ khai hóa ngay tức thời những điều tốt đẹp cho cộng đồng mình, ít nhất là với Ayten, người luôn ngủ gục trong bài giảng của anh về tư tưởng Goethe…Thế hệ Nejat có thể là phóng chiếu của Akin, thuộc vào tầng lớp trí thức trẻ, có ý thức thay đổi, dấn thân xã hội. Tuy nhiên, những hành động, lí tưởng của họ thường gợi nên hình ảnh độc hành âm thầm, nhọc nhằn và nhẫn nại. 

Fatih Akin và câu chuyện di dân: Báo thù, căn cước, hòa giải -0
Poster phim “In the Fade” (2017).

3. Những phim của Fatih Akin cũng nằm trong chuỗi thông điệp hòa giải mà thế hệ đạo diễn 1970 của Đức đang gửi gắm sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng làm gì để hòa giải ? Các phim của Akin gợi ý cho người xem hai điều: lòng thiện là chìa khóa và giáo dục là kế sách.

“The Egde of Heaven” hé lộ một Istanbul như là nơi để xóa nhòa ranh giới, rút ngắn các khoảng cách địa lí và tâm lí. Thật ý nghĩa khi cánh tay Lotte đã chìa ra để Ayten nắm lấy, cũng với góc máy tĩnh đóng vai quan sát, như tiếng lòng ấm áp đang truyền sang nhau trong thinh lặng của hy vọng về cuộc đời phi giới tuyến. Istanbul là nơi bà mẹ Đức khóc thương con, cũng là nơi bà, rất thiện nguyện, cứu giúp Ayten khỏi trại giam. Không có tội lỗi và buồn đau nào còn lại trên mặt đất này nếu sự tha thứ, bao bọc là một đức tính làm người, một khả năng cưu mang những thân phận nhỏ bé, lầm lạc.

 Trong “Head-On”, hòa giải bắt đầu từ sự đón nhận Sibel trở về quê hương, nơi mà cô đã từng căm ghét. Rồi chính Cahit, người dám vứt hết tiếng mẹ đẻ cũng đã quay lại với cố quận của mình, thành phố Mersin. Và nếu xã hội Hồi giáo khắc nghiệt với người phụ nữ bao nhiêu thì trong phim mình, Akin đã giải thoát họ bằng vẻ đẹp hình thể, khỏa thân và bàn về tình dục tự nhiên táo bạo. Có chăng đấy là khát vọng hòa giải con người tôn giáo và con người thế tục?

Nhưng lý tưởng hơn, như các nhân vật đã đảm nhận vai trò nhà giáo, là thay thế đầu óc thủ cựu bằng chất nhân văn tươi mới.  Việc Nejat rời giảng đường Đức và làm chủ hiệu sách trên đất Thổ, về tinh thần, vẫn nằm trong các thiết chế giáo hóa mà một xã hội hiện đại cần phải có. Đặc biệt, với bối cảnh Hồi giáo hậu 11-9 đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, thì vẻ đẹp ưu tư, thái độ phụng sự công chúng của người chủ hiệu sách vóc dáng thư sinh có thể làm giảm bớt những ác cảm dành cho thứ tôn giáo bị quykết là nguyên nhân gây khủng bố, bạo lực đẫm máu này. 

Mai Anh Tuấn
.
.
.