Cha đẻ của bom nguyên tử: Từ cuộc đời đến phim

Thứ Ba, 05/09/2023, 16:10

Sau nhiều tháng mong đợi, bộ phim dài 180 phút “Oppenheimer” của đạo diễn Christopher Nolan bắt đầu ra rạp từ ngày 21/7/2023.

Bộ phim này dành để tưởng nhớ J.Robert Oppenheimer (do Cillian Murphy thủ vai), nhà vật lý lý thuyết được cả thế giới biết đến với biệt danh "Cha đẻ của bom nguyên tử", người đã từng tóm tắt cuộc đời mình bằng một dòng trích dẫn trong kinh Bhagavad Gita của đạo Hindu: "Bây giờ tôi đã trở thành thần chết, kẻ hủy diệt thế giới" (trả lời phỏng vấn NBC News vào năm 1965).  Vậy bộ phim đình đám này của Christopher Nolan đã phản ánh chân thực đến mức độ nào về cuộc đời của Oppenheimer?

hình 1.jpg -0
J.Robert Oppenheimer (trái) và diễn viên Cillian Murphy trong vai Oppenheimer

Những năm tháng ở châu Âu

Năm 1925, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvard, Oppenheimer tới Anh để nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Cavendish (Đại học Cambridge) dưới sự  hướng dẫn của JJ. Thomson, nhà vật lý người Anh đoạt giải Nobel năm 1906. Ở đó, anh đã  vận lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần của mình và cuối cùng phải chấp nhận bị giám hộ và quản chế.

Trong cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer năm 2006 “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer” (Thần Promete Mỹ - Chiến công và bi kịch của Robert Oppenheimer) các tác giả Kai Bird et Martin J. Sherwin cho biết rằng  Oppenheimer từng kể cho bạn bè nghe câu chuyện về việc tẩm thuốc độc vào một quả táo và để nó trên bàn người giám hộ của ông - Patrick Blackett. Cuốn sách trích lời Jeffries Wyman, bạn của Oppenheimer, gợi ý rằng có thể Oppenheimer đã phóng đại sự việc theo một cách nào đó: "Nhưng cho dù bất kể đó là một quả táo tưởng tượng hay một quả táo thật, đây hiển nhiên là một hành động đầy đố kỵ".

Sau Cambridge, Oppenheimer chuyển đến Đại học Gottingen ở Đức, nơi ông lấy bằng tiến sĩ vật lý lượng tử. Khi ở Đức, ông đã theo học một số nhà vật lý nổi tiếng, bao gồm Max Born và Bohr. Ở Gottingen, Oppenheimer học cùng lớp với Werner Heisenberg, người trong tương lai sẽ đứng đầu dự án phát triển bom nguyên tử của Đức.

Mối cảm tình với đảng Cộng sản

Năm 1929, sau khi trở về Mỹ, Oppenheimer nhận chức trợ lý giáo sư tại Đại học California, Berkeley, đồng thời tham gia giảng dạy tại Viện Công nghệ California. Trong 14 năm sau đó, ông đã biến Berkeley trở thành một trong những ngôi trường hàng đầu về vật lý lý thuyết ở Mỹ và thu hút được một lượng lớn các nhà vật lý đầy triển vọng. Diễn tả lại sự phát triển phi thường này, Christopher Nolan đã dựng cảnh trong khóa học đầu tiên chỉ có duy nhất một học sinh ngồi nghe giảng, nhưng ở những khóa sau, lớp học chật kín người khi tin tức về những bài giảng của Oppenheimer lan truyền trong các sinh viên.

Sau khi bắt đầu mối quan hệ đầy sóng gió với Jean Tatlock (do Florence Pugh thủ vai) nữ sinh viên 22 tuổi của Trường Y Stanford và đảng viên Đảng Cộng sản vào năm 1936, Oppenheimer bắt đầu quan tâm đến các hoạt động chính trị cánh tả, từ việc ủng hộ những người chống phát xít trong nội chiến Tây Ban Nha cho đến các hoạt động công đoàn. Mặc dù Oppenheimer chưa bao giờ chính thức gia nhập đảng Cộng sản, nhưng nhiều bạn bè và thành viên gia đình thân thiết nhất của ông đều lần lượt trở thành đảng viên cộng sản thành viên vào những thời điểm khác nhau.

Chính phủ Mỹ đã sớm nhận ra những thiện cảm dành cho chủ nghĩa cộng sản của Oppenheimer, nhưng khi chọn ông để tham gia vào Dự án Manhattan, họ vẫn cố tình phớt lờ chúng đi bởi một lý do quan trọng: ông là người phù hợp nhất cho công việc này. Tuy nhiên mọi việc chưa kết thúc ở đó, những nghi ngờ này cuối cùng sẽ quay trở lại ám ảnh cuộc đời ông và hủy hoại hoàn toàn sự nghiệp của ông vào những năm 1950- thời kỳ đỉnh cao của sự cuồng loạn chống Cộng của nước Mỹ.

Những mối quan hệ lãng mạn

Oppenheimer đã có một đời sống tình ái rất phong phú. Thậm chí có thể gọi là “lăng nhăng”. Sau khi Tatlock chủ động dừng mối quan hệ chính thức của họ vào năm 1939, Oppenheimer vẫn cố duy trì liên lạc với cô và tháng 6/1943 tìm đến gặp cô ở San Francisco, nơi Tatlock hành nghề bác sĩ tâm lý trẻ em tại Bệnh viện Mount Zion, cuộc thăm viếng này xảy ra vài năm sau cuộc hôn nhân của cô với nhà sinh vật học Kitty Puening.

Ngày 4/1/1944, gần 7 tháng sau cuộc gặp gỡ cuối cùng của Tatlock và Oppenheimer, cha của Tatlock tìm thấy cô con gái 29 tuổi đã chết trong căn hộ của mình. Tatlock bị trầm cảm lâm sàng và cái chết của cô được coi là một vụ tự tử. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số nghi ngờ rằng đây có thể là một vụ thủ tiêu, bởi từ lâu Tatlock đã bị FBI giám sát do mối quan hệ của cô với Oppenheimer và do quá khứ hoạt động chính trị trong phong trào Cộng sản của cô.

Ngày 1/11/1940, Oppenheimer kết hôn với Puening, lúc này đang mang thai, ngay sau khi cô ly dị người chồng thứ ba là Richard Stewart Harrison. Tháng 5/1941, Peter, con đầu lòng của Oppenheimer, chào đời. Năm 1944, Kitty sinh thêm một cô con gái là Katherine Toni khi đang sống ở Los Alamos. Bất chấp mối quan hệ dai dẳng của Oppenheimer với Tatlock và những tin đồn về mối quan hệ “ngoài luồng” của ông với những người phụ nữ khác, trong đó có cả nhà tâm lý học Ruth Sherman Tolman, vợ của người bạn thân của ông là nhà hóa học Richard Tolman, cặp đôi Oppenheimer và Puening vẫn trong tình trạng hôn nhân cho đến tận lúc Oppenheimer qua đời vào năm 1967.

Bộ phim mô tả cuộc đấu tranh của Kitty với chứng nghiện rượu và những mâu thuẫn giằng xé cô khi mà để hoàn thành vai trò người mẹ,  cô đã phải từ bỏ sự nghiệp khoa học của mình tại một phòng thí nghiệm tại Los Alamos. Nhưng Kitty luôn tận tụy sát cánh bên chồng mình để giúp ông vượt qua khó khăn. Cô đã ở bên Oppenheimer trong suốt phiên điều trần AEC năm 1954 và là một trong những người bảo vệ trung thành nhất của ông .

Dự án Mahattan

Đầu năm 1942, Oppenheimer được tuyển dụng cho Dự án Manhattan, dự án bí mật của chính phủ Mỹ trong Thế chiến II để chế tạo bom nguyên tử. Cuối năm đó, Tướng Leslie Groves (do Matt Damon thủ vai) bổ nhiệm Oppenheimer làm giám đốc khoa học của chương trình, và một năm sau đó, việc chế tạo được khởi động tại phòng thí nghiệm Los Alamos ở New Mexico.

Tham gia vào chiến dịch này, ngoài phòng thí nghiệm Los Alamos còn có rất nhiều phòng thí nghiệm nằm rải rác ở những địa điểm bí mật khác trên khắp đất nước, bao gồm cả Chicago và Oak Ridge, Tennessee. Oppenheimer đã tập hợp được một nhóm các nhà khoa học giỏi nhất thời bấy giờ để sống và làm việc tại Los Alamos cho đến khi chế tạo xong quả bom. Ngày 16/7/1945, chưa đầy ba năm sau khi phòng thí nghiệm được thành lập, vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới đã diễn ra ở sa mạc Jornada del Muerto. Vụ thử đã thành công nhưng nó cũng đã gây ra hậu quả kéo dài nhiều thập kỷ gây tổn hại nghiêm trọng cho người dân bản địa sống ở những khu vực xung quanh.

Ba tuần sau, vào ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Các vụ đánh bom đã giết chết từ 110.000 đến 210.000 người, hầu hết là dân thường và đã dẫn đến việc Nhật hoàng ký văn kiện đầu hàng.

Cuộc sống sau chiến tranh của Oppenheimer

Sau chiến tranh, dư luận về việc sử dụng bom nguyên tử rất chia rẽ. Trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 10/1945, giống như trong phim đã diễn tả, Oppenheimer đã nói với Tổng thống Harry S. Truman (do Gary Oldman thủ vai): “Thưa ngài Tổng thống, tôi cảm thấy tay mình như đang vấy máu”.

Tuy nhiên, Oppenheimer vẫn được dư luận ca ngợi như là một anh hùng dân tộc. Năm 1946, ông được trao tặng Huân chương Công trạng. Khi Dự án Manhattan chuyển sang thẩm quyền của AEC, cơ quan mới thành lập và chịu trách nhiệm giám sát tất cả các nghiên cứu và phát triển nguyên tử ở Mỹ, Oppenheimer được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban cố vấn tổng hợp. Trong cương vị này ông đã phản đối mạnh mẽ việc phát triển bom khinh khí - một "siêu bom" được thiết kế bởi Edward Teller (do Benny Safdie thủ vai) một nhà khoa học đồng nghiệp của ông ở Los Alamos, loại bom mạnh gấp nghìn lần bom nguyên tử - đây cũng là thời gian mà những căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc chiến tranh Lạnh bắt đầu leo thang. Năm 1947, Oppenheimer cũng được Lewis Strauss (do Robert Downey Jr. thủ vai) bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton. Strauss, người bổ nhiệm ông sau đó đã trở thành Chủ tịch AEC.

Trong nhiệm kỳ là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn tổng hợp của AEC, quan điểm gây tranh cãi của Oppenheimer về bom khinh khí đã khiến ông trở thành một kẻ thù chính trị của nhiều người. Tháng 11/1953, William Liscum Borden (do David Dastmalchian thủ vai), một người thân tín của Strauss và là cựu Giám đốc điều hành Ủy ban Năng lượng nguyên tử của Quốc hội Mỹ, đã gửi một lá thư cho Giám đốc FBI J. Edgar Hoover gợi ý rằng "nhiều khả năng J. Robert Oppenheimer là một đặc vụ của Liên Xô”. Ngày 12/4/1954, bức thư được đặt lên bàn Tổng thống Dwight D. Eisenhower, bắt đầu một phiên điều trần an ninh kéo dài một tháng, trong đó những khuynh hướng cảm tình với chủ nghĩa cộng sản trước đây của Oppenheimer, quan điểm về chính sách hạt nhân của Mỹ và rất nhiều dữ liệu cá nhân đã bị các đối thủ  cố tình phanh phui ra để làm mất uy tín của ông.

Sau phiên điều trần, Oppenheimer vẫn tiếp tục là Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp. Năm 1966, Oppenheimer đã nhận trao giải thưởng Enrico Fermi, giải thưởng danh giá nhất của AEC. Trong bài phát biểu nhận giải, Oppenheimer đã nhắc tới những câu nói của cựu Tổng thống Thomas Jefferson về "tinh thần đoàn kết trong khoa học".

Năm 1967, Oppenheimer qua đời vì bệnh ung thư vòm họng.

Dương Thắng
.
.
.