Đi tìm cái lõi của phát triển

Thứ Năm, 31/03/2022, 10:42

Sau đại dịch, phục hồi kinh tế là mục tiêu sống còn. Và trong khát vọng phát triển, thật ra đã bao giờ những doanh nghiệp Việt nghĩ đến cái lõi của phát triển là gì chưa? Nó không phải là câu chuyện lợi nhuận đơn thuần, mà mang ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều đối với đời sống xã hội…

Tăng trưởng không vô hạn

Có một thông điệp kinh tế đã và đang được phổ biến như một dạng di sản truyền qua nhiều thế hệ: tăng trưởng là vô hạn và số phận của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nỗ lực của chính họ. Điều cốt yếu dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp, đứng trên quan điểm này, là làm việc chăm chỉ và nếu không thể thắng nghịch cảnh, thì lỗi nằm ở bạn.

 Đi tìm cái lõi của phát triển -0

Hãy tưởng tượng bạn là một người trẻ mới ra trường, từ tỉnh lẻ lên thành phố chật vật với học phí và sinh hoạt suốt 4-5 năm, và giờ loay hoay đi xin việc. Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng liên tục hỏi những câu đại loại như "em có sẵn sàng làm thêm giờ không?". Vì cần một công việc, bạn gật đầu và coi đó là một lời hứa. Công ty chưa đóng bảo hiểm cho bạn, vì "phải chứng minh được quyết tâm gắn bó".

Và thế là bạn bước vào cuộc mưu sinh với tư duy khởi đầu là đã nghèo thì phải chăm chỉ, và không được từ chối bất kỳ cơ hội nào, dù thực sự có nhiều thứ không đáng được gọi là cơ hội. Với mức lương vài triệu đồng, bạn chật vật làm thêm để lo các chi phí, hàng ngày mua sách kinh tế về học hỏi và rất chăm xem các chương trình làm giàu hoặc liên quan tiền bạc trên truyền hình. Ai cũng nói rằng cuộc đời này sướng hay khổ là do bạn quyết định, cứ như thể ai cũng là tín đồ của chủ nghĩa “Khắc kỷ”, hãy thức khuya, dậy sớm và biết chấp nhận.

Rồi cũng đến ngày bạn có bạn gái/trai, và quyết định lấy vợ/chồng. Hai người đau đầu nghĩ xem nên làm gì để tăng thu nhập, vì để mua được một tòa chung cư mà không phải vay nợ, chắc cộng tiền tiết kiệm mấy chục năm nữa của hai vợ chồng cũng không đủ. Câu chuyện sẽ phức tạp hơn nếu cả hai có con cái sớm: nếu vay ngân hàng để mua nhà, thì họ phải sống kham khổ gần chục năm có khi vẫn chưa trả hết nợ.

Và rồi dịch COVID-19 ập đến. Sự chăm chỉ này không giúp gì được họ. Công ty khó khăn, cắt giảm nhân sự. Trên truyền hình, các chuyên gia vĩ mô nói về lo ngại GDP giảm. Giá cả tăng vọt, đời sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các CEO thì vẫn lên tivi nói về chuyện "tìm kiếm cơ hội trong khó khăn", một diễn dịch tinh tế khác của "bạn vẫn nghèo khổ là lỗi của bạn" trong bối cảnh đại dịch vừa đi qua.

Bạn đọc có thể thấy nhân vật giả tưởng kể trên không phải là một chủ thể cá biệt trong nền kinh tế của chúng ta, vốn tràn ngập các thông điệp tôn vinh chủ nghĩa cá nhân: cho dù xung quanh có tệ đến thế nào, thì việc bạn không vươn lên được hoàn toàn do lỗi của chính bạn. Nếu những ai có đặc quyền và của cải trong xã hội xứng đáng nhận được vị trí của mình, thì những người phải chịu đau đớn và khó khăn cũng nhận được những gì hợp lý với cá nhân họ. Thay vì thừa nhận rằng có vô số thứ cần phải cùng nhau xuất hiện để một cá nhân đạt được thành tựu, thì thông điệp phổ biến của kinh tế xã hội hiện đại nhấn mạnh rằng các đặc quyền và địa vị là do hoàn toàn là nỗ lực của cá nhân.

Với thông điệp này, chúng ta, cả già lẫn trẻ, có lẽ đều cảm thấy mất mát. Tư duy kinh tế chuẩn mực của thời nay âm thầm định hướng rằng tất cả chúng ta đều phải lao vào một cuộc đua tranh giành những nguồn lực hạn chế. Hầu hết các khái niệm của kinh tế học chính thống đều là những dị bản của định nghĩa vào năm 1932 của Lionel Robbin, rằng đó là quá trình "phân bổ hiệu quả các nguồn lực khan hiếm". Sự mất mát trong mỗi chúng ta đến từ ý tưởng này, giờ đã lan truyền trong hệ thống kinh tế toàn cầu, rằng tham lam và tư hữu là những mầm mống của sự tiến bộ thực sự. Và bi kịch này xuất phát từ giả định cao giọng rằng lợi ích cá nhân là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người, khiến chúng ta dửng dưng với nhau, khai thác và làm kiệt quệ những người sống trong lô-gích vận hành lạnh lùng của nó.

Đấy là một vòng lặp: sự khan hiếm nguồn lực khiến con người có nhu cầu vô tận, và vì thế kinh tế cần tăng trưởng vô tận; để nền kinh tế phát triển, con người phải có nhiều nhu cầu hơn bao giờ hết. Tư duy này thống trị lĩnh vực kinh tế và phần lớn văn hóa đương đại, với các ngành kích thích tiêu dùng được đưa lên hàng đầu. Trong đó, con người như một kẻ lạc quan vô hạn về thuyết tư lợi, tự mình giảm các mối quan hệ xuống đơn thuần thành người sản xuất - người tiêu thụ. Tất cả các khía cạnh của cuộc sống trở nên nghèo nàn, tập trung vào tích lũy tài sản vô hạn, tiêu dùng và các biến thể của nó.

Gót chân Asin của các nền kinh tế hiện đại là tính chất cấp số nhân của ý tưởng tăng trưởng vô hạn. Dựa trên những gì các kinh tế gia định nghĩa là tốc độ tăng trưởng "lành mạnh" khoảng 3% một năm, mọi nền kinh tế sẽ phải tăng gấp đôi sản lượng cứ hai thập kỷ một lần. Nếu sự tăng trưởng như vậy là khó tưởng tượng, đơn giản vì nó vô lý quá. Hãy tưởng tượng một nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ với sản lượng gấp 20 lần trong 100 năm, gần 300 lần trong 200 năm hoặc 5.000 lần trong khoảng 300 năm.

Đó có lẽ là điểm yếu mấu chốt trong kỷ nguyên kỹ trị của chúng ta: ta chỉ coi trọng những gì mình đo lường được. Ngày nay, những gì quan trọng nhất đối với một cuộc sống thực sự không được tính vào các chỉ số hoạt động kinh tế chủ đạo: một môi trường tự nhiên trong lành, các cộng đồng giáo dục, những ước mơ, và đặc biệt là cảm giác an toàn. Đại dịch cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn GDP và thuyết tăng trưởng vô hạn: chúng ta cần niềm vui sống, được giải phóng khỏi vòng quay tăng trưởng bất tận, sự tôn sùng quá mức vật chất và chủ nghĩa cá nhân.

Chúng ta nên nghĩ về một cuộc sống tốt hơn, với sức khỏe, niềm vui, và những chủ thể của nó, như là nhân vật giả tưởng ở đầu bài viết này, không phải chạy đua từ đầu đến cuối cuộc đời anh ta trong một guồng quay đã định sẵn vai. Cuộc sống cần nhiều hơn thế.

Phạm An

Giá trị lõi là gì?

Không thể dạy người giàu cách làm giàu. Đó là một nguyên tắc thực sự. Chưa một doanh nhân thành đạt nào lại tạo dựng sự nghiệp từ việc áp dụng nguyên tắc của các loại cẩm nang bán đầy rẫy ngoài hiệu sách cả. Thậm chí, có những người còn có hành động thực tiễn trái ngược hẳn những gì được rao giảng trong các cẩm nang ấy. Và cơ bản, các tác giả cẩm nang không hề giàu.

 Đi tìm cái lõi của phát triển -0

Nhưng chúng ta có thể đặt ra đòi hỏi cho những doanh nhân thành đạt về cách làm giàu của họ. Đó là một dạng đòi hỏi xác đáng khi đặt các doanh nhân vào vị thế một chủ thể nằm trong cả một tập hợp lớn là dân tộc và quốc gia. Họ làm giàu không chỉ cho họ. Điều đó đúng. Lợi ích của họ gắn liền với lợi ích của nhà nước và rất nhiều lao động đang làm thuê cho họ. Nhưng đó vẫn chỉ là một giới hạn rất hẹp. Và cơ bản hơn, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang không cùng chung một hướng nhìn cốt lõi về giá trị tạo ra thêm bên ngoài lợi nhuận. Ngoài lợi nhuận và tăng trưởng, các doanh nghiệp ấy hướng đến xây dựng giá trị nền tảng nào cho xã hội đây? Giá trị dân tộc? Giá trị quốc gia? Nhiệm vụ khai phóng? Rất nhiều câu hỏi như thế đang được đặt ra mà không hề có câu trả lời.

Cơ bản, chúng ta thiếu một chủ thuyết chung trong câu chuyện phát triển kinh tế. Chúng ta bị gắn quá chặt vào mục tiêu tăng trưởng mà tạm thời bỏ quên mục tiêu lớn hơn là việc tăng trưởng ấy mang lại ích lợi chung nào cho cả dân tộc. Thực chất, doanh nhân thành đạt ở Việt Nam rất nhiều nhưng kiếm tìm được một người có ý chí dân tộc thể hiện trong hành động kinh doanh kiểu Bạch Thái Bưởi ngày xưa gần như là không có.

Tôi có thời gian 5 năm làm cố vấn cho một doanh nhân tầm cỡ và ban đầu tôi khá say mê với những gì ông nói ra. Ông khát vọng thiết lập một giá trị lớn trong ngành để chứng tỏ rằng "người Việt mình làm được cần gì mấy thằng Tây" (nguyên văn). Nhưng hóa ra, cái triết lý mà ông đặt ra ấy chỉ là một thứ tự huyễn hoặc chính những ai đang ở trong hệ thống của ông, và giúp cho họ có động lực tạo nên sức cạnh tranh nội tại. Tôi bỏ ngay việc trở thành cố vấn của ông sau khi phát hiện ra "mấy thằng Tây" mà ông luôn muốn "đánh" hóa ra lại chính là cổ đông rất lớn trong tập đoàn của ông. Hơn nữa, sản phẩm của ông làm ra hoàn toàn không khoác trên mình bất kỳ tấm áo giá trị Việt nào. Nó toàn là các bản sao hợp pháp của "Tây" và chủ trương của ông luôn là "Tây thành công chỗ nào, mua lại công thức để làm y chang thế".

Tiếp xúc với nhiều doanh nhân khác, tôi càng khẳng định rõ hơn việc chúng ta đang thiếu vắng một hệ giá trị lõi trong việc phát triển kinh tế. Nhìn sang các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, chúng ta có thể nhận thất rất rõ họ làm kinh tế dựa trên hệ giá trị lõi là chủ nghĩa dân tộc. Cách thức mua lại các doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc, cách thức họ lôi kéo các tinh hoa trẻ của các nước phương Tây vào cùng chung thuyền đầu tư với giới tài phiệt Trung Quốc đều để nêu bật giá trị mà họ theo đuổi là "dấu ấn dân tộc Trung Hoa". Lợi ích kéo theo của họ chính là việc phát tán các mạch văn hóa Trung Quốc khắp thế giới để dần dần tạo ra một thứ quyền lực mềm.

Theo quan điểm riêng của mình, tôi nghĩ, việc xác lập một hệ giá trị chung để các doanh nghiệp Việt Nam cùng theo đuổi ngay lúc này là vô cùng cần thiết và nên chăng tập chung vào cái lõi "giá trị tri thức dân tộc". Sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp, vốn dĩ là lực lượng sử dụng nhân lực trọng yếu, sẽ có sức thay đổi nhiều thế hệ về nhận thức, ý thức và tri thức. Một khi doanh nghiệp có những yêu cầu cụ thể về con người mà họ sử dụng, hướng đến chuyện yêu cầu người lao động phải thể hiện được giá trị tri thức Việt, tự tôn với giá trị tri thức Việt, doanh nghiệp sẽ tạo áp lực lên chính ngành giáo dục và đào tạo để có thể thiết kế những chương trình học hướng đến cái lõi này. Điều đó sẽ mở ra cho Việt Nam một tương lai rất khác với nhiều thế hệ kế tiếp nhau đề cao 2 thứ nền tảng. Thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc tiến bộ và thứ hai là tâm thức trọng giá trị tri thức cốt lõi, tri thức bản nguyên từ dân tộc.

Hãy thử nhìn vào những việc chúng ta đang theo đuổi hiện nay và so sánh nó với những gì sinh viên nhận được trên giảng đường đại học chúng ta càng hiểu hơn. Chủ trương phát triển “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” bao gồm 2 yếu tố: Kinh tế thị trường và Xã hội chủ nghĩa. Vậy thì trên giảng đường, ngoài hệ thống triết học Marx, sinh viên được tiếp cận với hệ thống triết học nào? Marx luôn là một nhà lý luận lỗi lạc mà ngay tại châu Âu, châu Mỹ hiện đại, sau đợt khủng hoảng tài chính 2008, hàng loạt quốc gia đã phải nghiên cứu lại và đặt ra vấn đề về những lỗi hệ thống họ mắc phải vốn dĩ đã được Marx đề ra từ trăm năm trước. Nhưng nếu chỉ tiếp cận một mình triết học của Marx một cách chính thống (qua đào tạo) và tiếp cận các tư tưởng khác tự thân qua việc mua sách tràn lan trên thị trường, hiểu biết của sinh viên chắc chắn sẽ còn nhiều lỗ hổng. Thay vì để họ tự lần mò, tại sao giáo dục không định hướng, để tạo ra tầng lớp trí thức trẻ hiểu rõ bản chất của kinh tế thị trường và nắm vững thước đo XHCN? Câu hỏi này, có lẽ rất cần sự nghiên cứu trên thực tiễn từ chính các cơ quan nghiên cứu lý luận quốc gia.

Chúng ta không xa lạ gì với hiện trạng nhiều nơi, có những người dân phản ứng lại với các dự án đầu tư. Dân có thể chưa chuẩn khi không nắm chắc luật nhưng cơ bản nhất, hãy hiểu cảm giác bị đứng ở ngoài lề của phát triển và tăng trưởng của họ. Nếu việc phát triển và tăng trưởng cho mọi người dân nhìn thấy cả lợi ích cá nhân của họ trong đó, sự ủng hộ của người dân sẽ tăng lên gấp nhiều lần, và từ đó tạo ra khối đoàn kết toàn dân vững chắc. Và để làm được điều đó, việc phát triển kinh tế Việt Nam rất cần bám vào xương sống là một chủ thuyết chung, vì người Việt, vì quốc gia Việt Nam.

Kể từ sau đổi mới, thực tế là việc phát triển kinh tế ở Việt Nam chưa có một chủ thuyết rõ ràng. Bây giờ là lúc cần nhất một chủ thuyết cụ thể mà việc đó không chỉ giao phó vào tay các doanh nghiệp, vốn dĩ chỉ là các xúc tu trong cả một cơ thể quốc gia bao trùm. Thế giới thay đổi rất nhiều và thế giới hôm nay đã rất khác. Định vị mình trong một thế giới rất khác ấy là việc cần làm ngay trước khi các thế hệ Việt trẻ trung tan hòa vào trong cái gọi là "toàn cầu".

 Hà Quang Minh

"Làm việc đã trở thành tôn giáo"

Đó là một nhận định của tác giả Derek Thompson về lối sống của giới trẻ Mỹ ngày nay. Và ông nói thêm: tôn giáo này khiến "chúng ta trở nên đáng thương hại".

Trong phân tích của mình, Derek Thompson lần giở di cảo của các nhà kinh tế học đầu thế kỷ 20, như John Maynard Keynes. Cách đây gần 100 năm, các nhà kinh tế học suy tính khá hiển nhiên: với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người sẽ ngày càng mất ít thời gian để làm ra của cải vật chất phục vụ cho cuộc sống. Tức là người ta sẽ làm việc ít đi, và có thêm thời gian nghỉ ngơi.

 Đi tìm cái lõi của phát triển -0

Theo tiên đoán của Keynes, thậm chí đến thời của chúng ta, mỗi người Mỹ sẽ chỉ còn cần làm việc 15 tiếng một tuần, tức là nghỉ… 5 ngày cuối tuần.

Đó là một logic đơn giản, và suýt nữa nó đã đúng. Máy móc, sự tiến bộ của công nghệ giúp chúng ta làm ra rất nhiều của vật chất. Nhiều đến mức dư thừa. Nhưng các nhà kinh tế học đầu thế kỷ 20 không biết rằng đến một ngày, làm việc lại trở thành một dạng tôn giáo.

Các thống kê của Mỹ gần đây chỉ ra rằng người Mỹ đang làm việc ngày một nhiều lên. Và nhóm người đang có tỷ lệ gia tăng giờ làm việc nhiều nhất, lại là những người giàu.

Càng giàu càng làm việc nhiều. Đó là một nghịch lý mà tổ tiên chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Xưa kia giới quý tộc - những người không phải lo về cơm áo gạo tiền - sẽ tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, đi săn, hoặc tổ chức các lễ hội. Trong các thập kỷ trước, nếu có nhiều tiền, con người cũng sẽ mua cho mình thêm nhiều giờ nghỉ ngơi, chơi thể thao, đi vũ trường, xem ca nhạc. Tại sao lại có một thế hệ mà giàu có lại khiến người ta làm việc nhiều hơn?

Vì ngày nay, chúng ta đang hình thành một ý niệm mới về công việc. Nó không còn là hoạt động để đáp ứng các nhu cầu tài chính nữa. Ở khắp nơi, bạn sẽ bắt gặp những bài thuyết giảng về việc "tìm thấy bản thân trong công việc"; "khẳng định bản thân thông qua công việc"; về những "thành tựu trong công việc" hay nói cách khác, nó là một thứ để khẳng định cái Tôi, khẳng định chỗ đứng của một con người trong xã hội. Ở khắp nơi, thành tựu công việc được khoe ra như một niềm tự hào, một thứ định danh con người - chứ nó không còn là một công cụ để tìm kiếm vật chất nữa. Nó trở thành một dạng tôn giáo: trong công việc, người ta cảm thấy họ là chính mình.

Hoàn toàn không có trạng thái "xong việc". Đó là chuyện quá khứ, khi công việc là để nhận thù lao và mua lấy những phút giây nghỉ ngơi, những thú vui khác trong cuộc sống. Bây giờ bản thân công việc là một dạng liệu pháp tinh thần để giúp con người cảm thấy họ được sống có ý nghĩa.

Dạng ý niệm này không chỉ tồn tại ở các xã hội tư bản. Ngày nay, tại Việt Nam, chúng ta rất dễ dàng tìm thấy các thông điệp ca ngợi công việc như đó là một niềm tự hào. Một "shark" nào đó, với tài sản nghìn tỷ, lên báo và kể về việc mình làm việc 16 tiếng một ngày, với ngầm ý rằng thái độ làm việc đó là một loại giá trị để các bạn trẻ vươn tới. Một tỷ phú giàu nhất thế giới kể rằng anh ta chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, và ngủ ngay trên sàn phòng làm việc - ngay lập tức được chia sẻ như một tấm gương mẫu mực về lối sống.

Nói tóm lại, bây giờ người ta phát triển trong công việc để "lấy số" chứ không phải để "lấy tiền" nữa.

Đó tất nhiên là một lối sống có những mặt tích cực. Việc con người ta không còn coi công việc là một dạng công cụ khiến cho họ liên tục tìm kiếm những điều mới mẻ.

Ông tỷ phú ngủ trên sàn phòng làm việc liên tục nghĩ ra những ý tưởng mới: về mái ngói có thể tổng hợp năng lượng mặt trời, về việc đưa con người lên định cư trên sao Hỏa. Một "shark" nào đó làm việc 16 tiếng một ngày và 6 ngày một tuần có thể sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và giúp nhiều công nhân cải thiện đời sống.

Chúng ta đã trải qua những bước nhảy vọt về kinh tế, và qua đó thanh toán được nạn đói trên toàn cầu, giảm tỷ lệ người nghèo theo cấp số nhân, mang lại nước sạch, điện, thực phẩm và giáo dục cho nhiều người hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử.

Nhưng thái độ đó cũng tạo ra những mặt trái. Tình trạng quá tải, thậm chí trầm cảm, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao ở nhiều xã hội là ví dụ. Derek Thompson nói rằng nước Mỹ đang trở nên đáng thương hại vì thái độ này. Và có một mặt trái đáng sợ hơn: ta sẽ mắc phải bẫy "tăng trưởng bằng mọi giá".

Để dễ tưởng tượng, nếu bạn là một người làm nghề xuất khẩu gỗ, và bạn không muốn có điểm dừng trong công việc, bạn sẽ đi đến đâu? Gỗ là tài nguyên hữu hạn. Bạn sẽ tìm thêm những cánh rừng vốn đang chưa được bảo vệ để thuyết phục chính quyền và người dân khai thác chứ?

Nếu bạn là một nhà phát triển bất động sản, và bạn nghiện chính công việc của mình, bạn sẽ đi đến đâu? Đất đai là tài nguyên hữu hạn. Bạn sẽ làm gì để có thêm quỹ đất cho các dự án của mình?

Nếu bạn là một nhà xuất khẩu khoáng sản, bạn sẽ tìm thêm mỏ? Nếu bạn là một nhà sản xuất trò chơi điện tử, bạn sẽ tự tạo áp lực khiến trẻ con đốt thêm thời gian bên màn hình?… Thậm chí nếu bạn là một nhà giáo dục và bạn coi công việc là tôn giáo, rất có thể đến một lúc nào đó, bạn cũng sẽ hại người (bằng việc lùa người ta vào những lớp học mà họ không cần).

"Điểm dừng" thực chất là một cách gọi khác của sự cân bằng. Khi một vị CEO, một vị chính khách hay một bản nghị quyết chỉ nói đến "tăng trưởng" mà không nói đến mục tiêu cụ thể, hãy đề phòng: có thể cái nhu cầu tăng trưởng đó sẽ vắt kiệt cả con người, xã hội lẫn hành tinh nếu nó không có điểm dừng.

Đức Hoàng

Phạm An - Hà Quang Minh - Đức Hoàng
.
.
.