Phòng, chống ‘diễn biến hòa bình’

Trò hề về một giải thưởng nhân quyền quốc tế

Chủ Nhật, 03/05/2015, 22:45
Vừa qua, Tổ chức Civil Rights Defenders (viết tắt là CRD, mang tên là Những người bảo vệ dân quyền) của Thụy Điển mới trao giải thưởng Người bảo vệ Dân quyền 2015 trị giá 50.000 euro cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trang web của các thế lực phản động hải ngoại ca ngợi là “giải thưởng nhân quyền cao quý hàng đầu thế giới”, người nhận giải “là người Châu Á đầu tiên”, là “một trong 3 nhà đấu tranh nhân quyền đầu tiên trên thế giới được vinh danh”.

Tổ chức đứng ra trao giải được ca ngợi là “đã hoạt động trên 30 năm trong các vấn đề bảo vệ các quyền dân sự và chính trị” với nhiệm vụ chính là “hỗ trợ cho những người bảo vệ nhân quyền tại các xã hội áp bức trên toàn thế giới”. Thực hư về giải thưởng này là thế nào?                              

CRD (trước đây gọi là “Ủy ban Helsinki Thụy Điển cho nhân quyền”) khởi nguồn là một trong 40 tổ chức phi chính phủ hình thành từ phong trào Helsinki sau năm 1975 nhằm giám sát việc thực hiện Hiệp ước Helsinki năm 1975 như là một thỏa thuận tạo diễn đàn giải quyết bất đồng giữa các nước phương Đông và phương Tây ở châu Âu trong Chiến tranh lạnh tổ chức tại Finlandia Hall của Helsinki, Phần Lan trong tháng 7/1975 với sự tham dự của 35 nước như Mỹ, Canada, Liên Xô và phần lớn các nước châu Âu.

Bản chất và danh nghĩa là “giám sát các chính phủ nước họ kiểm soát xung đột và bảo vệ nhân quyền” với Liên Xô, nhưng nhìn lại quá trình này, giới nghiên cứu đã có những bài viết như “Quá trình Helsinki và cái chết của chủ nghĩa cộng sản”phân tích Hiệp ước Helsinki tạo ra một khe nứt trong áo giáp của "chủ nghĩa xã hội" giúp “phát triển lý luận và ý tưởng là rất quan trọng để lật đổ chủ nghĩa cộng sản trên khắp châu lục này vào năm 1989”.

Sau khi sứ mệnh khai sinh không còn, CRD đổi tên và hoạt động với mục đích bảo vệ quyền con người, về quyền dân sự và chính trị với “địa bàn” hoạt động không phải là ở Thụy Điển mà hướng tới các quốc gia/vùng lãnh thổ hoàn toàn “xa xôi” và “xa lạ” như Cuba, Thái Lan, Ukraine, Uzbekistan, Venezuela, Miến Điện, Campuchia hay Việt Nam.

Ngoài việc trao giải thưởng cho “Người bảo vệ dân quyền” hằng năm, tổ chức này còn tổ chức ngày hội quy tụ “những nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu thế giới” (?) mà họ cũng không hề giấu giếm mục đích thực chất là những “ngày hội” đài thọ miễn phí này là “tham gia vào khóa đào tạo nhằm tăng cường khả năng hoạt động của các nhà hoạt động này” sau khi trở về đất nước. Tổ chức này còn được trang bị những vòng tay giúp định vị và bảo vệ an toàn cho “các nhà đấu tranh dân chủ” tránh bị bắt cóc hay thủ tiêu và nó đã xuất hiện ở Việt Nam, được đeo trên tay của những cá nhân bị dư luận và chính quyền lên án có hành động chống phá đất nước, gây rối an ninh, trật tự.

Khôi hài nhất là ngay khi giải thưởng trên vừa được tuyên bố đã xuất hiện một phong trào tẩy chay, lên án giải thưởng, người trao giải, người nhận giải từ chính những nhân vật tự nhận “đấu tranh dân chủ” với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Số này cho rằng, Quỳnh không xứng đáng với giải thưởng, rằng “Tây lông có mắt như mù”, rằng thế lực hậu thuẫn, vận động trao giải này cho Quỳnh không thực sự “phục vụ lợi ích của người dân Việt Nam”…

Một số đã vận động nhau viết thư tiếng Anh gửi đến tổ chức CRD lên án tổ chức này “chọn nhầm người vinh danh”, cá nhân nhận giải là kẻ “phá hoại phong trào dân chủ”, “độc tài”, “tấn công người khuyết tật”…

Một số blogger bình phẩm, hiếm khi mà các bài viết, quan điểm ở cả phía những kẻ nhân danh “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” và phía những blogger, facebooker thường xuyên lên án những kẻ này trên mạng Internet (thường bị chụp mũ là “dư luận viên”) lại có điểm chung ở việc lên án quy trình và bản chất các giải thưởng nhân quyền quốc tế đến vậy. Cả hai phía đều “thống nhất” rằng, các giải thưởng nhân quyền quốc tế do chính giới phương Tây đẻ ra, dùng nó làm công cụ chi phối chính trị các quốc gia khác, nhất là các quốc gia mà Mỹ và phương Tây cho rằng “độc tài” cần phải thay đổi thể chế chính trị. Quy trình trao giải đều là cá nhân trong nước được tổ chức hay thế lực bên ngoài hậu thuẫn, vận động, cán cân nghiêng về thế lực đứng ra vận động (lobby) nào mạnh hơn thì cá nhân đó được “vinh danh”.

Chưa khi nào có một cá nhân có hoạt động “đấu tranh dân chủ” nhận được số tiền thưởng lớn đến như vậy nên dễ hiểu là chưa khi nào nó lại gây tranh cãi, bức xúc và điều tiếng đến vậy. Chắc chắn giải thưởng này sẽ kích thích những kẻ tự xưng “đấu tranh dân chủ” thay đổi hướng hoạt động vào “trình diễn” với các ông bà chính khách phương Tây về “thành tích đấu tranh dân chủ, nhân quyền” của họ để tìm kiếm các giải thưởng có giá trị vật chất khác. Các bài viết trên facebook, blog thay vì chỉ dùng tiếng Việt sẽ tích cực được chuyển thể sang tiếng Anh và tag vô tội vạ các nick facebook của các vị ngoại giao, dân biểu Tây phương vào “chứng kiến”. Các hoạt động “đấu tranh dân chủ” thay vì vận động người dân trong nước đi theo họ sẽ chuyển sang dành cho vận động các đại sứ quán, chính khách Tây phương nhiều hơn.

Mỗi khi đại sứ quán Tây phương nào đó tổ chức hội thảo, tọa đàm về nhân quyền là các anh chị “dân chủ” rầm rập lao đến, tranh nhau “trình diễn” thành tích chống chính quyền xem ai hơn ai kém, ai bị “đàn áp” nhiều hơn và vị nhân viên ngoại giao Tây phương chỉ việc làm quan tòa phán xét “tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”, ban phát lời hay ý đẹp, định hướng cho các ông bà “dân chủ” nên thế nọ thế kia cùng với vài lời hứa hẹn có cánh.

Từ đây, nếu chịu khó quan sát, dư luận sẽ chứng kiến nhiều màn diễn dở khóc dở cười – hệ lụy của “giải thưởng quốc tế” kia cả ở phía chính khách Tây phương lẫn “các nhà đấu tranh dân chủ”. Còn đa phần những người Việt thì ngao ngán khi phải chứng kiến những câu chuyện trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng tái xuất.

Đinh Hương
.
.
.