Khắc tinh của đối tượng truy nã

Thứ Tư, 09/03/2011, 15:03
Gặp anh ngoài đời ít ai nghĩ anh là một cán bộ Công an nhân dân, bởi hiếm khi anh mặc quân phục. Anh luôn vận trên mình những bộ đồ rất "phủi", tạo cho mình cái vẻ bề ngoài như "người của xã hội" để lăn lộn thâm nhập vào "ngóc ngách" của xã hội, có khi mò mẫm đến những vùng rừng núi hẻo lánh ở nhiều địa phương khác nhau,…lần tìm những thông tin về đối tượng truy nã. Có lẽ chính bởi vẻ bề ngoài mà Đại úy Trần Văn Minh, Đội Truy nã, Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an Hà Tĩnh còn có tên là Minh "bụi".

Sau vài lần hẹn, tôi cũng gặp được Đại úy Trần Văn Minh, Đội truy nã Phòng CS Truy nã tội phạm Công an Hà Tĩnh, khi anh cùng đồng đội vừa trở về đơn vị sau chuyến truy bắt một đối tượng phạm tội "cùng đồng bọn tổ chức cướp tài sản" đã lẩn trốn 5 năm về quy án. Dáng vẻ thâm trầm, ít nói dường như là đặc điểm công việc mà anh đang làm, tôi có cảm giác con người này chỉ có biết công việc.

"Phần lớn đối tượng truy nã là đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm sau khi gây án, biết được hậu quả do chúng gây ra là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật nên chúng dùng mọi thủ đoạn để trốn tránh, khi bị phát hiện, bị truy bắt thì chống trả đến cùng. Nhiều đối tượng lẩn trốn vào các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng biên giới, hải đảo, vượt biên sau đó thay hình đổi dạng với một cái tên khác rồi đăng ký hộ khẩu, lấy vợ sinh con đẻ cái nên rất khó phát hiện"- Đại úy Trần Văn Minh bộc bạch.

Tuy nhiên nhiều đối tượng lẩn trốn cả chục năm, thậm chí có đối tượng lẩn trốn gần 20 năm nhưng vẫn không thoát khỏi "lưới trời". Cho dù chúng ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc, danh tính khác nhau, thường xuyên di chuyển địa điểm cư trú khi thấy động, ẩn nấp ở chốn thâm sơn cùng cốc đều phải tra tay vào còng để anh đưa về quy án.

Hẳn trong trí nhớ của Đại úy Trần Văn Minh vẫn không thể quên được chuyên án mà anh và đồng đội phải lùng sục nhiều năm trời ròng rã mới tìm ra được manh mối của đối tượng phạm tội giết người. Khoảng tháng 10/1992, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên trú tại thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh là hàng xóm của Bùi Văn Liên bị kẻ trộm đột nhập lấy đi một số đồ dùng có giá trị. Gia đình bà Duyên nghi ngờ Liên là thủ phạm. Tức giận khi nghe thông tin mình bị nghi là kẻ gây ra vụ trộm ở nhà bà Duyên, Liên liền sang nhà bà Duyên để thanh minh. Do quá tức giận vì bị nghi oan, Liên đã đánh khiến bà Duyên vỡ lá lách và chết ngay tại chỗ.

Sau khi gây án Liên bỏ trốn, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc. Biết mình bị truy nã, Liên bỏ trốn vào huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk và đổi tên là Bùi Văn Hòa. Một thời gian sau, Liên lấy vợ và sinh con. Sống ở đây vài năm, Liên được nhập hộ khẩu theo diện KT3 rồi dùng hộ khẩu này chuyển cả gia đình về xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, một xã sát biên giới Campuchia để sinh sống.

Với thủ đoạn lẩn trốn ở những nơi hẻo lánh, đổi danh tính nhằm trốn tránh lực lượng truy bắt, Liên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng truy bắt. Để bắt được tên Liên, Đại úy Trần Văn Minh đã nghiên cứu tỉ mỉ từng chi tiết, tìm hiểu phân tích từng mối quan hệ liên quan đến tên Liên. Mọi thông tin về tung tích của tên Liên dù nhỏ nhất cũng được anh xác minh một cách cẩn thận. Rất nhiều lần Đại úy Minh và đồng đội lần tìm manh mối của Liên theo những thông tin nhận được, nhưng tất cả đều vô vọng. Sau nhiều năm kiên trì điều tra, giữa năm 2009, Đại úy Minh nhận được một số thông tin về địa điểm mà Liên đang ẩn trốn tại Bình Phước. Một lần nữa anh lại lên đường truy bắt kẻ giết người Bùi Văn Liên đã lẩn trốn pháp luật 17 năm.

Tưởng chừng khi bắt Liên, Đại úy Trần Văn Minh sẽ vấp phải sự kháng cự chống trả đến cùng. Thế nhưng không, Liên rất hợp tác ngoan ngoãn chấp hành. Đưa Liên về chịu hình phạt của pháp luật, suốt cả nghìn cây số anh không phải còng tay mà Liên cũng không có ý định chạy trốn. Anh kể: Khi biết chân tướng mình đã bị bại lộ, không thể trốn thoát, Liên đã xin: "Em đã trốn và sinh sống ở đây gần 20 năm, thay đổi cả tên mà các anh còn tìm ra, giờ thì em không còn đường nào chạy trốn được nữa. Em xin anh được ở lại nhà vài ba hôm để thu hoạch hoa màu giúp vợ con rồi sẽ cùng anh về chịu án". Ba hôm sau, Liên đã gọi điện thoại và đến đúng địa điểm đã hẹn.

Với mỗi một vụ bắt đối tượng truy nã, Đại úy Trần Văn Minh đều phải đọc nghiên cứu hồ sơ nắm lại các thông tin liên quan đến đối tượng, đồng thời thẩm tra xác định thêm một số thông tin đối tượng cần đề phòng bắt nhầm, nói cách khác gần như điều tra lại từ đầu. Khi nghe Đại úy Trần Văn Minh kể lại những lần anh đi bắt đối tượng truy nã, tôi mới "vỡ" ra là không phải cứ nghiên cứu hồ sơ, xác định chính xác địa điểm đối tượng đang ẩn náu là có thể bắt được đối tượng. Quả thực nghề của anh đòi hỏi cần được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và sự sáng tạo trong từng vụ án, chuyên án, từng hoàn cảnh cụ thể chứ không đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ theo bài bản đã được dạy trong trường.

Năm 2006, anh bắt đối tượng Nguyễn Thị Hà trú tại xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ bị Công an Hà Nội truy nã về tội "Buôn bán động vật hoang dã trái phép". Khi biết mình bị truy nã, Hà đã bỏ trốn về quê sinh sống. Nhận được thông tin, từ khi trốn lệnh truy nã về quê Hà không đi đâu khỏi địa phương. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Hà biết mình bị truy nã mà vẫn ở nhà bình thường. Đại úy Minh liền có mặt tại địa phương để xác minh.

Qua tìm hiểu, anh được biết, Hà còn có một người chị ruột sinh đôi và thường ăn mặc giống nhau. Để bắt đúng đối tượng quả là không đơn giản, hơn nữa gia đình Hà có nhiều mối thân thiết với chính quyền địa phương sở tại. Chính vì thế mà việc bắt Hà không phải là dễ. Đã hơn một lần anh xác định chính xác đối tượng đang ở trong nhà nhưng khi tiến hành bắt thì Hà lại mất hút. Sau lần bắt hụt đó, có một đồng nghiệp nửa đùa nửa thật nói: "Ông mà bắt được con Hà thì tôi biếu ông cây vàng". Sau lần đó anh quyết tâm phải bắt bằng được đối tượng Hà, không phải vì lời thách đố của một đồng nghiệp mà là vì danh dự của chính mình.

Sàng lọc rất nhiều thông tin liên quan đến mối quan hệ của Hà, anh được biết, gia đình Hà có một người em họ chuẩn bị đến ngày sinh đẻ. Hơn nữa người em họ này được bác sĩ xác định là ca sinh khó và chỉ định phải mổ đẻ. Từ thông tin đó, anh nhận định, là người họ hàng rất gần về huyết thống nên đến ngày em họ đẻ Hà sẽ có mặt ở viện để chăm nuôi. Ngay lập tức anh đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh xin được làm bác sỹ sản khoa trong ca mổ đẻ của em họ Hà.

Ngày em họ Hà nhập viện, có nhiều người thân đến chăm nuôi trong đó có người chị sinh đôi với Hà. Anh mặc áo blouse trắng vào phòng mà người em họ Hà đang nằm chờ lên bàn mổ. Anh hỏi: "Ai là người nhà của sản phụ này (em họ Hà)?". Những người phụ nữ là người nhà của em họ Hà, anh đều hỏi tên. Nhưng anh không nói gì rồi bước ra khỏi phòng. Đã xác định chính xác được đối tượng Hà. Một lát sau, anh quay lại: "Cô nào là Hà, qua phòng trưởng khoa để làm thủ tục cho sản phụ". Hà vào trong phòng trưởng khoa, anh dõng dạc: "Nguyễn Thị Hà, cô đã bị bắt".

Gần 30 năm trong ngành, anh không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu địa bàn để điều tra truy bắt tội phạm. Anh tâm sự: "Làm lính truy nã ngoài bản lĩnh nghề nghiệp, sự cần cù, phải có lòng yêu nghề. Từ những thông tin về đối tượng, xác định được địa chỉ nơi đang ẩn náu, nhưng đó cũng chỉ là khoanh vùng, còn muốn biết đối tượng cụ thể thời gian hoạt động của đối tượng thì phải có mặt tận nơi. Có những việc có thể nhờ đơn vị bạn xác minh, bắt giữ hộ, có những việc mình phải trực tiếp truy bắt. Đã nhiều lần được sự hỗ trợ của đơn vị bạn nên mình bắt được đối tượng. Sự giúp đỡ của các đơn vị bạn không những nghiệp vụ mà còn cả về tinh thần, đôi khi cả vật chất. Bởi mỗi chuyến đi công tác không phải lúc nào cũng thuận lợi, có khi hết tiền chi tiêu đành phải vay anh em đồng nghiệp ở địa phương mình có mặt".   

Vào tháng 2/2004, tại địa bàn thị xã Hồng Lĩnh xảy ra một vụ cướp. Thủ đoạn của bọn chúng là thuê người đi xe ôm đến điểm vắng người đánh lái xe rồi cướp tiền, tư trang và xe máy. Qua công tác điều tra, cơ quan Công an đã dựng lên chân tướng của bọn cướp, do tên Đinh Văn Thành trú tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ cùng đồng bọn gây ra. Sau khi gây án tên Thành đã bỏ trốn. Công an Hồng Lĩnh đã phát lệnh truy nã đối với tên Đinh Văn Thành tội "cướp tài sản". Lần theo các mối quan hệ của Thành, Đại úy Trần Văn Minh đã phát hiện tên Thành đang trốn tại tỉnh Đắc Lắc.

Một ngày cuối năm 2005, anh có mặt ở huyện E'Hleo, tỉnh Đắk Lắk để truy bắt tên Thành. Được sự giúp đỡ của đồng nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk, sau nhiều ngày tìm kiếm, anh đã xác định được nơi tên Thành đang lẩn trốn. Hôm đó, nhận được thông tin tên Thành sẽ cùng một số đối tượng đến ăn nhậu tại một quán ăn. Anh cùng đồng nghiệp mật phục, sau nhiều giờ chờ đợi quên cả ăn uống mà tên Thành chưa xuất đầu lộ diện, bụng đói cồn cào. Đúng lúc đó tên Thành xuất hiện. Anh liền tiếp cận, thấy động tên Thành bỏ chạy.

Anh rượt đuổi tên Thành vượt qua mấy quả đồi thì hắn không còn sức chạy nữa và nằm vật ra đất. Đuổi theo chỉ cách tên Thành vài mét, anh cũng nằm nhoài ra đất. Do kiệt sức anh không thể gượng dậy tóm được tên Thành. Nhờ sự trợ giúp kịp thời của một đồng nghiệp đã tóm gọn tên Thành. "Lần đó không có đồng nghiệp hỗ trợ, tên Thành bỏ chạy tiếp được thì cũng phải chịu thôi. Vì mấy ngày trước đó, mình lùng sục tên Thành, ăn không đủ bữa, đêm ngủ không đủ giấc, nên lúc đuổi bắt hắn đuối sức. Không biết bao nhiêu lần mình bắt đối tượng truy nã mà lại gặp tình thế "tiến thoái lưỡng nan" như vậy. Có lẽ tình huống đó là kỷ niệm mình không bao giờ quên được"- anh Minh cười phân trần.

Vì sự bình yên của xã hội mà hàng ngày, hàng giờ Đại úy Trần Văn Minh vẫn bất chấp khó khăn vất vả, mối hiểm nguy lên đường khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh, có khi xuất ngoại để truy tìm đối tượng truy nã về quy án. Phần thưởng cho những chuyến đi là bắt được đối tượng về quy án, để rồi những tập hồ sơ được thanh loại dần. "Mình nhớ đã truy bắt được khoảng 30 đối tượng truy nã, trong đó đa phần là đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm"- anh cho biết khi tôi hỏi về số lượng đối tượng truy nã mà anh đã truy bắt. Những chiến công của anh đáng nể phục

Nam Giang
.
.
.