Chiến dịch chống khủng bố toàn diện và lâu dài của Tổng thống Mỹ:

Ý đồ tái can thiệp quân sự núp bóng chống khủng bố

Thứ Sáu, 12/09/2014, 09:06
Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp vào tối 10/9 (giờ địa phương – sáng 11/9 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn bị chỉ trích vì không đưa ra được chiến lược cụ thể nào trong việc đối phó với nguy cơ ngày càng lớn từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), đã công bố chiến lược toàn diện mới nhằm chống lại IS gồm 4 phương diện: Mở chiến dịch không kích khủng bố; tăng cường hỗ trợ cho lực lượng trên bộ chống lại IS; cô lập lực lượng khủng bố; viện trợ nhân đạo. Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Barack Obama sau gần ba năm quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq.

Chiến dịch 4 bước của ông Obama

Ông Obama xác định các tay súng IS đã trở thành nguy cơ đe dọa an ninh đối với người dân Iraq, Syria và cả khu vực Trung Đông, bao gồm các công dân, nhân viên và cơ sở của Mỹ. Nếu không bị ngăn cản, những kẻ khủng bố này có thể gây ra mối đe dọa vượt ra ngoài khu vực, tới cả nước Mỹ. Theo ông Obama, dù âm mưu cụ thể chống lại nước Mỹ của IS chưa được xác định nhưng tổ chức này đã đe dọa Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ đã gia nhập lực lượng IS ở IraqSyria. Được huấn luyện và có kinh nghiệm chiến đấu, những đối tượng này có thể tìm cách quay trở lại nước mình và thực hiện các vụ tấn công đẫm máu. Ông cho biết chiến lược mới mà Nhà Trắng theo đuổi nhằm đối phó với nguy cơ này là làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt IS thông qua một chiến lược chống khủng bố toàn diện và lâu dài với 4 trọng tâm.

Theo đó, Mỹ sẽ thực hiện một chiến dịch không kích có hệ thống để hỗ trợ các cuộc tấn công lực lượng IS của quân Chính phủ Iraq. Bước tiếp theo, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ các lực lượng đang chiến đấu chống lại tổ chức IS. Tổng thống Obama cho biết, ngoài khoản viện trợ quân sự 25 triệu USD để giúp huấn luyện quân sự cho quân đội chính phủ Iraq cũng như lực lượng vũ trang của chính quyền khu tự trị của người Kurd ở các tỉnh miền Bắc Iraq, Mỹ sẽ gửi thêm 475 nhân viên quân sự tới Iraq nhưng nhóm này sẽ không tham chiến mà chỉ hỗ trợ các lực lượng Iraq và người Kurd về đào tạo, tình báo và trang thiết bị.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng được cho là sẽ thúc giục Quốc hội chấp thuận một khoản ngân sách lên đến 500 triệu USD để cung cấp thêm vũ khí cũng như huấn luyện cho các nhóm nổi dậy mà Mỹ xác định là “ôn hòa” ở Syria, một vấn đề được coi là then chốt để hỗ trợ các chiến dịch không kích của Mỹ tại đây. Bước thứ 3, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lực chống khủng bố để ngăn ngừa các cuộc tấn công của IS, đồng thời phối hợp với các đối tác để chặn nguồn tài chính của tổ chức này, cải thiện thông tin tình báo, tăng cường quốc phòng, và ngăn chặn các chiến binh nước ngoài ra vào khu vực Trung Đông.

Và cuối cùng, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân đang phải ly hương do sự chiếm đóng của tổ chức IS, trong đó có các cộng đồng Hồi giáo Sunni, Shia cùng hàng chục nghìn tín đồ Thiên chúa giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác. Ông Obama cho biết thêm rằng, chiến lược chống IS khác hẳn với cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vì đây là một chiến dịch chống khủng bố được phát động không phải bằng việc sử dụng lực lượng bộ binh mà thông qua việc sử dụng sức mạnh của không quân với sự hỗ trợ của các lực lượng đối tác dưới mặt đất giống như chiến lược đã theo đuổi thành công trong nhiều năm qua ở Yemen và Somali.

Cũng trong bài diễn văn, ông Obama nhấn mạnh, đây không phải cuộc chiến của riêng nước Mỹ: “Vũ khí và sức mạnh của nước Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định” nhưng “Washington không thể làm hộ người dân Iraq việc họ cần phải làm”.

IS kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn (màu đen) giữa Syria và Iraq. Ảnh: Naplesnews.

Lợi bất cập hại

Theo nhận định của giới chuyên gia quân sự, hành động can thiệp quân sự của Mỹ hiện nay chỉ là sự khởi đầu, khó có khả năng làm đảo ngược tình hình tại Iraq và nguy cơ Mỹ lại rơi vào một cuộc chiến lâu dài là không loại trừ. Các cuộc không kích không thể giải quyết căn bản vấn đề an ninh của Iraq, chỉ mang lại hiệu quả nhất thời nhưng khó kéo dài.

Thêm vào đó, loại trừ khả năng triển khai lực lượng mặt đất, quân đội Mỹ cần có sự phối hợp với lực lượng an ninh Iraq mới có thể đạt được mục tiêu ngăn chặn tổ chức IS, sự phối hợp tác chiến giữa không quân Mỹ và lực lượng bộ binh Iraq là rất khó đạt được hiệu quả tiến công quân sự. Còn theo giới phân tích, các cuộc không kích có chọn lọc của Mỹ lần này khó có thể “đủ sức” để thay đổi cán cân trên chiến trường Iraq.

Các cuộc không kích nói là đủ sức làm cho IS khiếp sợ, bảo vệ các mục tiêu chủ yếu như mỏ dầu, các đập lớn, hạn chế tính hung hăng của IS và ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Baghdad… nhưng đó chỉ là “trị phần ngọn, chứ không trị phần gốc”.

Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cũng đưa ra những “lời khuyên” cho ông chủ Nhà Trắng. Tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc dự đoán việc không kích của quân đội Mỹ sẽ không đủ lực để đánh bại IS, thậm chí có thể sẽ làm kích động thêm tổ chức này, dẫn tới bạo lực nhiều hơn.

Khi đó, ông Obama sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa phá vỡ cam kết không gửi binh sỹ hoặc để IS tiếp tục hoành hành tại Iraq. Tờ Business Week của Mỹ thì bày tỏ lo ngại nhiều khả năng Mỹ lại rơi vào một cuộc xung đột quân sự dài hơn, đắt giá hơn. Chính quyền Obama không nên có ảo tưởng với tình trạng của Mỹ hiện nay, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, “nguyện vọng tốt thường rơi vào chiến tranh”.

Còn theo tờ The New York Times, một tờ báo khác của Mỹ, nhiệm vụ tiếp sau quyết định không kích của Tổng thống Obama là xây dựng phương án chiến lược có sự tham gia của Liên đoàn Arab và LHQ, “hiện nay mới là sự khởi đầu”. Không quân Mỹ có thể cứu vãn được thành phố Erbil nhưng khó có thể vãn hồi được luật pháp và trật tự tại Iraq.

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông, thúc đẩy cuộc chiến chống IS

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 10/9 đã tới Thủ đô Baghdad, bắt đầu chuyến công du Trung Đông, nhằm tập hợp sự ủng hộ về quân sự, chính trị và tài chính, để đối phó với nhóm IS, đang hoạt động tại Iraq và Syria. Mục đích chuyến công du Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Mỹ là tham vấn với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực để tìm kiếm sự ủng hộ về tài chính, quân sự đối với việc thành lập một liên minh chống khủng bố.

Trong những ngày tiếp theo, ông Kerry sẽ công du các nước Trung Đông khác và châu Âu để kêu gọi thêm nhiều đối tác tham gia cuộc chiến chống lại tổ chức IS, đặc biệt là các nước Arab vốn có khả năng huy động các cộng đồng người Sunni tại Iraq và Syria để đánh đuổi nhóm IS ra khỏi lãnh thổ của họ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.