Nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine

Thứ Năm, 20/11/2014, 09:30
Trong bối cảnh có nguy cơ tái diễn xung đột quân sự giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, ngày 18/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc hội đàm tại Moskva với trọng tâm là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, điều quan trọng là phải tiến hành đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Để có ổn định lâu dài ở Ukraine không được quên nhiệm vụ đoàn kết, đồng thuận và hòa giải dân tộc, trong đó có những cải cách hiến pháp theo thỏa thuận Geneva ngày 17/4. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, tính tới thời điểm hiện tại, Kiev đã không làm gì để cải cách hiến pháp theo thỏa thuận Geneva. Ngoài ra, việc thảo luận cải cách hiến pháp tại Quốc hội Ukraine không có sự tham gia của đại diện các khu vực. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Ukraine, vốn đã trở nên nghiêm trọng, đe dọa nền hòa bình ở châu Âu.

Theo ông Steinmeier, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy thỏa thuận Minsk vì đây vẫn là cơ sở để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, thậm chí cả khi một số cam kết quan trọng chưa được thực hiện, bởi việc từ bỏ thỏa thuận này sẽ gây tổn hại lớn cho tiến trình hòa bình. Ông Steinmeier nêu rõ, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là cách ly các bên xung đột và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi “vùng đệm”. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Lavrov, ông Steinmeier nhấn mạnh “thế hệ của ông không thể cho phép việc châu Âu lại chia rẽ, và không bao giờ chúng ta từ đối tác lại biến thành kẻ thù của nhau”.

Ông Steinmeier nói: “Giá trị quan trọng nhất là việc phân tách các bên, và chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã tới khá gần giải pháp cho vấn đề này. Giờ chúng tôi cần đảm bảo các bên quân sự liên quan ký vào văn kiện trên”. Theo ông, sau khi ký văn kiện có thể bắt đầu “rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột”.

Ngoại trưởng Đức cho biết thêm rằng, trong chuyến thăm Nga lần này, ông mong muốn tìm kiếm sự tiến triển từ cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin thành cơ hội để thúc đẩy ngừng bắn lâu dài tại Ukraine. Về phần mình, Moskva cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức sẽ không tác động tới chính sách của Nga với vấn đề Ukraine, và rằng, họ sẽ không “xin xỏ” phương Tây dỡ bỏ trừng phạt liên quan đến khủng hoảng tại nước láng giềng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Đức Steinmeier trong cuộc gặp ngày 18/11 tại Moskva. Ảnh: AP.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Moskva quan ngại về những diễn biến gần đây tại Ukraine, trong đó có sắc lệnh của Tổng thống Petro Poroshenko về việc chấm dứt chi trả các khoản phúc lợi xã hội cho miền Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng đề cập đến tiến trình cải cách hiến pháp vốn không được chính quyền Ukraine quan tâm.

Theo ông Lavrov, dự thảo thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh của Ukraine chỉ đề cập thoáng qua về vấn đề cải cách hiến pháp nên không giúp khôi phục lòng tin của người dân trong việc đưa đất nước đi theo con đường hòa hợp dân tộc. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh chỉ khi nào thỏa thuận Minsk được thực hiện với sự tham gia của đại diện chính quyền Kiev và lực lượng miền Đông thì mới đem lại hiệu quả thực tế.

Cũng trong ngày 18/11, hãng tin Interfax dẫn lời Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk kêu gọi đàm phán với Nga tại một nước trung lập. Ông Yatsenyuk nói: “Chúng tôi mời Nga tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc ở một nước trung lập. Mỹ và EU sẽ giúp đứng ra làm trung gian cho cuộc đàm phán này giữa chúng ta”. Cùng liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, chiều 18/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Yevgeny Perebiynis nhấn mạnh các lực lượng “chống khủng bố” nước này không có kế hoạch mở cuộc tấn công mới ở miền Đông, nhưng sẵn sàng giáng trả nếu bị lực lượng đòi độc lập tấn công.

Trong khi đó, bất chấp mọi nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng tại miền Đông nước này. Theo hãng tin Reuters, ngày 17/11, đã diễn ra hàng loạt các vụ nổ lớn và nã pháo làm rung chuyển sân bay Donetsk. Bên cạnh đó là những cuộc đấu súng giữa lực lượng đòi độc lập và quân đội Chính phủ Ukraine tại sân bay quan trọng này. Mặc dù chỉ trước đó một ngày, người đứng đầu lực lượng đòi độc lập Andrei Purgin cho biết lực lượng này đã đạt được một thỏa thuận với quân đội chính phủ để ngừng nã pháo xung quanh sân bay chiến lược Donetsk, song người phát ngôn Quân đội Kiev Vladyslav Seleznyov cho rằng thỏa thuận này chỉ cho phép lực lượng đòi độc lập đưa các binh lính thiệt mạng và bị thương ra khỏi sân bay. Theo nguồn tin từ các nhân viên an ninh Kiev, chỉ trong vòng 24h, đã có ít nhất 10 người thiệt mạng và 9 người bị thương tại khu vực chiến sự miền Đông. Trong số 10 người thiệt mạng có 7 binh sĩ Ukraine và 3 nhân viên cảnh sát.

Itar-Tass ngày 19/11 dẫn lời người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố Moskva muốn có sự bảo đảm chắc chắn rằng không ai nghĩ đến việc Ukraine sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song đến nay vẫn chưa có sự bảo đảm nào như vậy. Trước đó, Nga khẳng định dứt khoát rằng nước này không muốn Ukraine trở thành một thành viên của NATO và mô tả khả năng này là một “thách thức chưa từng có tiền lệ với an ninh châu Âu”. Phái viên Nga tại Liên minh châu Âu Vladimir Chizhov nêu rõ: “Ukraine nằm trong NATO sẽ là một thách thức chưa từng có tiền lệ và lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.