Những bất ổn trong lòng nước Mỹ

Thứ Bảy, 06/12/2014, 09:08
Trong khi làn sóng phẫn nộ về vụ việc ở Ferguson chưa hoàn toàn lắng dịu, biểu tình lại bùng phát tại thành phố New York và thành phố Phoenix của Mỹ sau khi một tòa án từ chối buộc tội một sĩ quan cảnh sát da trắng phải chịu trách nhiệm về cái chết của một người đàn ông da đen và cảnh sát lại bắn chết người da màu. Nạn phân biệt sắc tộc dường như đang đẩy nước Mỹ sa lầy vào sự bất công và bất ổn. Cùng với đó, chính trường Mỹ cũng bắt đầu chao đảo với những mâu thuẫn không dứt giữa Chính phủ - Quốc hội và vụ kiện của 17 bang nhằm vào Tổng thống Barack Obama vì sắc lệnh cải tổ luật nhập cư.

Hôm 4/12, Sở Cảnh sát thành phố Phoenix đã phải báo cáo lại vụ việc xảy ra đối với người đàn ông da màu Rumain Brisbon (34 tuổi), đi trên chiếc xe ôtô màu đen bị nghi là mang theo ma túy. Khi nhìn thấy Brisbon lấy thứ gì đó từ ghế sau của chiếc xe, cảnh sát đã yêu cầu ông giơ tay nhưng Brisbon không nghe mà bỏ chạy. Vì cho rằng Brisbon đang giấu súng trong túi quần nên cảnh sát đã bắn anh này chết ngay tại hiện trường.

Vụ nổ súng ở Phoenix xảy ra vào thời điểm căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát và người dân đang leo thang, đẩy nước Mỹ đến bờ vực của sự chia rẽ. Nói thế là bởi  trước đó chưa đầy một ngày, thành phố New York đã chìm trong các cuộc tuần hành, biểu tình khi tòa án ra phán quyết trắng án đối với một cảnh sát da trắng làm chết người da màu Eric Garner. Giờ đây, các cuộc biểu tình không chỉ giới hạn trong phạm vi đảo Staten hay trung tâm thành phố New York, mà lan rộng ra các vùng ngoại ô, đến nhiều thành phố khác. Thủ đô Washington cũng chứng kiến một số cuộc tuần hành nhỏ, trong đó người dân phản đối phán quyết của tòa án về việc Eric Garner bị thiệt mạng sau khi bị cảnh sát Daniel Pantaleo thuộc Sở Cảnh sát New York bắt giữ vì nghi bán thuốc lá lậu.

Các cuộc biểu tình phản đối việc đối xử bất công với người da đen đã diễn ra ở thành phố New York từ ngày 3/12. Ảnh Wochit.

Trong tuyên bố tại Washington, Tổng thống Barack Obama thừa nhận, sau vụ việc ở Ferguson, những gì đang xảy ra ở New York và Phoenix đã làm gia tăng khoảng cách giữa người dân và lực lượng cảnh sát; động chạm vào phần “nhạy cảm nhất” của xã hội Mỹ. Ông Barack Obama khẳng định, sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo để gia tăng niềm tin với công chúng và lực lượng hành pháp tại quốc gia này. Còn Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder tuyên bố, tiến hành một cuộc điều tra liên bang độc lập, toàn diện, công bằng và khẩn trương đối với vụ việc ở New York và Phoenix.

Ông Eric Holder cũng cho biết, cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc sĩ quan Daniel Pantaleo sử dụng hành động khống chế kẹp cổ Eric Garner, một việc vốn bị cấm trong quy định của cảnh sát New York. Trong khi đó, chính quyền thành phố New York thông báo, sẽ huấn luyện lại 20.000 thành viên trong  lực lượng cảnh sát của thành phố với nguyên tắc cơ bản nhất là mọi người thuộc mọi chủng tộc đều phải được đối xử bình đẳng.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, ngoài những vấn đề đáng lo ngại về phân biệt sắc tộc làm nảy sinh mâu thuẫn trong xã hội, nước Mỹ hiện còn phải đối mặt với nhiều rắc rối khác trên chính trường, cụ thể là những mâu thuẫn không dứt giữa Chính phủ và Quốc hội.

Hôm 4/12, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm ngăn chặn Tổng thống Barack Obama thực thi sắc lệnh cải cách luật nhập cư - nhập tịch. Dự luật nằm trong kế hoạch ba bước của đảng Cộng hòa trong hơn một tuần nhóm họp cuối cùng của Quốc hội khóa 113, trong đó gồm cả việc thông qua kế hoạch chi tiêu tài khóa 2015 để tránh cho chính phủ liên bang phải đóng cửa do không có ngân sách hoạt động. Hiện một số nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa đang muốn sử dụng thời hạn chót 11/12, khi ngân sách chi tiêu tạm thời hết hiệu lực, để ép chính quyền ông Barack Obama phải nhượng bộ trong vấn đề di dân.

Chưa hết, Tổng thống Mỹ còn đang phải đối mặt với vụ kiện của 17 bang. Hãng Fox News cho hay, các bang này đã lập một liên minh chống lại Tổng thống, do bang Texas đứng đầu. Biện pháp mà họ thực hiện là cùng nhau ký vào đơn gửi tòa án liên bang cáo buộc ông Barack Obama hành động một cách bất hợp pháp khi ký sắc lệnh hành chính cấm trục xuất hàng triệu  người nhập cư bất hợp pháp.

Cùng với việc phê chuẩn khoản ngân sách quốc phòng trị giá 584,2 tỷ USD cho năm tài khóa 2015, hôm 4/12, Hạ viện cũng đưa ra một nghị quyết gây khó cho chính phủ trong quan hệ với Nga. Đó là việc Hạ viện thông qua dự luật số H.Res.758 cáo buộc “Nga gây hấn chính trị, kinh tế, quân sự, vi phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” với Ukraine, Gruzia, Moldova; vi phạm luật pháp quốc tế… Dự luật còn kêu gọi Nga ngừng hỗ trợ lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine và hủy bỏ quyết định sáp nhập Crimea vào Nga; yêu cầu Moskva rút binh sĩ được Mỹ cho là “đang hiện diện” tại Ukraine, Gruzia và Moldova… Bên cạnh đó, các nghị sĩ còn yêu cầu Tổng thống Barack Obama viện trợ thêm vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine. Nhiều nhà phân tích nhận định, với nghị quyết này, Hạ viện đang “bật đèn xanh” cho một cuộc chiến chống lại Nga.
Huyền Chi
.
.
.