Nhà Trắng cảnh báo Trung Quốc về việc gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông

Chủ Nhật, 06/05/2018, 09:25
Theo phân tích của Collin Koh, nghiên cứu viên tại Chương trình an ninh hàng hải của Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thì sự tích tụ quân sự ổn định của Trung Quốc trên các hòn đảo đang đạt đến một "điểm không trở lại". 

"Chúng tôi biết rõ việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp nêu mối quan ngại này với người Trung Quốc. Sẽ có hậu quả trước mắt và lâu dài", thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã khẳng định như vậy trong cuộc họp báo hôm 3-5 khi trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin CNBC xung quanh việc Trung Quốc xây dựng hệ thống tên lửa trên các tiền đồn do họ tạo ra ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tin từ hãng CNBC cho hay, trong tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên 3 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nguồn tin này được hãng CNBC lấy trực tiếp từ báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ. 

Các hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng hệ thống tên lửa trên các tiền đồn mà họ tạo ra ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Digital Globe.

Cụ thể, các hệ thống tên lửa này đã được chuyển đến đảo đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). 

Một quan chức Mỹ tiết lộ, cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuyển vũ khí từ đất liền ra các đảo và đây là đợt triển khai hệ thống tên lửa đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). 

Vị quan chức này cũng đánh giá rằng nhiều khả năng, Trung Quốc đang chuẩn bị một cuộc tập trận quân sự lớn ở Biển Đông. 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khi trả lời câu hỏi của phóng viên hãng CNBC về việc này đã khẳng định: "Chúng tôi biết rõ việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp nêu mối quan ngại này với người Trung Quốc. Sẽ có hậu quả trước mắt và lâu dài và chúng tôi chắc chắn sẽ cập nhật liên tục về tình hình ở Biển Đông".

Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới cũng đã thông tin cụ thể hơn về việc này. Họ gọi động thái của Trung Quốc là "hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông sau hàng loạt phá hoại về rặng san hô và môi trường biển". 

Hãng AP dẫn lời ông Greg Poling, chuyên gia về vấn đề Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng "đây là một bước đi quan trọng để Trung Quốc khống chế Biển Đông" bởi hồi tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã hoàn thành việc xây dựng hơn 20 cấu trúc dài 20m, cao 10m tại các đảo nhân tạo. Nóc của các cấu trúc này có thể đóng mở, giống bệ phóng tên lửa. 

Một số tờ báo nhấn mạnh, việc lắp đặt các hệ thống tên lửa chống hạm loại YJ-12B sẽ củng cố tầm với của Trung Quốc trong khu vực, cho phép Trung Quốc tấn công các tàu trong phạm vi 546km. Còn loại tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể đánh trúng các mục tiêu là máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 296km. 

Hãng Reuters viết, không có gì ngạc nhiên trước hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế này của Trung Quốc bởi lẽ vào năm 2016, Bắc Kinh từng ngang nhiên công bố triển khai vũ khí tương tự trên đảo Woody ở quần đảo Hoàng Sa (cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam). Chưa hết, sau khi có hành động không đúng đắn đó, Bắc Kinh còn tiếp tục biện hộ bằng những lời lẽ không thể chấp nhận được. 

Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Các hành động leo thang quân sự của Trung Quốc đã khiến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới phải báo động. Việc làm này ảnh hưởng đến tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông nói riêng và các vùng biển quốc tế nói chung. Mỹ từ lâu đã nêu lên những lo ngại về việc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. Lãnh đạo Trung Quốc đã công khai cam kết sẽ không theo đuổi quân sự hóa trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Nhưng đúng như lo ngại của chúng tôi, Trung Quốc đã không hành động theo cam kết này". 

Hồi tháng trước, Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cũng cảnh báo, Trung Quốc có thể sử dụng "các căn cứ sắp hoạt động" ở Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và "sẽ dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".

Theo phân tích của Collin Koh, nghiên cứu viên tại Chương trình an ninh hàng hải của Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thì sự tích tụ quân sự ổn định của Trung Quốc trên các hòn đảo đang đạt đến một "điểm không trở lại". 

"Chúng ta chưa thực hiện hiệu quả việc đảo ngược tất cả những bổ sung đang diễn ra này. Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền một vùng lãnh hải rộng lớn và đang cố gắng để củng cố tổ chức của mình trên khu vực bằng cách tạo ra và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chuỗi đảo quân sự của Trung Quốc được trang bị các sân bay và các trạm radar giống như một loạt các tàu sân bay cố định. Tên lửa sẽ cho phép lực lượng vũ trang của Trung Quốc hình thành "một chiếc ô quân sự đa tầng trên Biển Đông" với các hệ thống cảm biến và vũ khí liên động”, Collin Koh bày tỏ lo ngại. 

Đồng quan điểm với Colin Koh, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Dana White tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các vùng biển quốc tế. 

Dana White nói: "Người Trung Quốc phải hiểu rằng họ không thể và không nên có những hành động đơn phương, thù địch như vậy. Họ cần biết rằng, Thái Bình Dương là tuyến hàng hải thương mại quan trọng của không chỉ khu vực mà trên thế giới. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ là ví dụ mới nhất của Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa tham vọng "độc chiếm" Biển Đông trong những năm gần đây".

Eric Sayers, cựu cố vấn cho chỉ huy của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương thì đề xuất Mỹ có thể đưa ra phản ứng ngay lập tức trước hành động này của Bắc Kinh bằng việc hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương RIMPAC 2018 được tổ chức ở Hawaii vào tháng 7 tới.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.