Nga công bố chiến lược an ninh mới

Thứ Hai, 05/07/2021, 09:14
Chiến lược An ninh Quốc gia mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua và được đăng lên Cổng Thông tin luật pháp Nhà nước ngày 3/7 (giờ địa phương). 


Đây là văn bản hoạch định chiến lược cơ bản, xác định các ưu tiên chiến lược và lợi ích quốc gia của Nga, đề ra biện pháp bảo vệ người dân và nhà nước từ các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, đặt ra các mục tiêu để tăng cường an ninh quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững về lâu dài.

Chiến lược mới cho rằng trong những năm gần đây, Nga đã chứng tỏ khả năng đương đầu với áp lực trừng phạt từ nước ngoài, nhấn mạnh rằng Nga sẽ tiếp tục giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. An ninh kinh tế sẽ được đảm bảo thông qua tăng cường cạnh tranh và sức chịu đựng trước các mối de dọa trong và ngoài nước, thông qua thiết lập các điều kiện phù hợp cho kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao hơn tốc độ trung bình toàn cầu. 

Theo chiến lược mới, Nga sẽ giảm sử dụng đồng USD trong ngoại thương, coi đây là biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế đất nước. Đồng thời, chiến lược đề cập tới các khái niệm được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thảo luận liên quan tới khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân thời chiến, nhận định rằng diễn biến này làm gia tăng rủi ro an ninh cho Nga. Mối nguy hiểm cũng sẽ xuất hiện từ quá trình quân sự hóa dần dần vũ trụ và từ xung đột vũ trang đang leo thang thành các cuộc chiến có liên quan tới các cường quốc hạt nhân. 

Cuộc tập trận Sea Breeze 2021 tại Biển Đen. Ảnh: Reuters.

Chiến lược nhắc tới nỗ lực vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng thông tin ở Nga do các tổ chức được một số quốc gia đào tạo gây ra. Các cơ quan tình báo nước ngoài đã tăng cường thông tin tình báo và các chiến dịch khác trong không gian thông tin của Nga nói chung. Chiến lược có đoạn cảnh báo: “Gia tăng bất ổn và xung đột địa chính trị, gia tăng mâu thuẫn liên quốc gia gắn kèm với gia tăng mối đe dọa sử dụng vũ lực quân sự”.

Theo chiến lược mới, nguyên tắc và quy chuẩn luật pháp quốc tế đang suy yếu, các thể chế và hiệp ước hiện có trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí quốc tế đang ít dần hoặc bị loại bỏ. Điều này chỉ khiến gia tăng căng thẳng và làm trầm trọng thêm tình hình quân sự-chính trị, trong đó có khu vực biên giới Nga. Nga vẫn cam kết tăng cường ổn định hệ thống pháp lý quốc tế và ngăn chặn hệ thống này đổ vỡ, suy yếu hoặc bị áp dụng có chủ ý. 

Bản chiến lược cho rằng bất ổn và xung đột địa chính trị gia tăng là kết quả của việc tái phân bổ tiềm lực phát triển toàn cầu, trong đó các quốc gia mất vị thế lãnh đạo tuyệt đối đang tìm cách ngăn cản điều này xảy ra bằng cách hành động theo quy tắc riêng, sử dụng biện pháp cạnh tranh không công bằng, áp dụng trừng phạt đơn phương hoặc công khai can thiệp vào việc nội bộ nước khác. Trong những điều kiện đó, bản chiến lược nhấn mạnh cần ngăn chặn các hành động không thân thiện từ các nhân tố muốn tìm cách đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga.

Điều đáng lưu ý trong Chiến lược An ninh Quốc gia cập nhật của Nga là mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga, nhằm thiết lập cơ chế đảm bảo an ninh, ổn định khu vực dựa trên cơ sở không liên kết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược mới cũng coi an ninh mạng là ưu tiên mới trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ tấn công vào lĩnh vực công nghệ thông tin và nguồn lực thông tin của Nga nhằm can thiệp vào nội bộ Nga. 

Một diễn biến quan trọng nữa là chiến lược nhấn mạnh cần thiết phải vô hiệu hóa các mối đe dọa liên quan tới bóp méo lịch sử, phá vỡ quy chuẩn đạo đức, nỗ lực truyền bá tư tưởng và giá trị nước ngoài vào Nga trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, tôn giáo. Để đối phó với diễn biến này, chiến lược vạch ra ưu tiên quốc gia mới, tập trung vào bảo vệ giá trị đạo đức, tư tưởng quốc gia, văn hóa và lịch sử. Chiến lược cảnh báo: “Chiến dịch phá hoại tâm lý, thông tin và Tây hóa văn hóa đang ngày càng làm gia tăng mối nguy khiến Nga mất chủ quyền văn hóa”.

Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia cập nhật trong bối cảnh tình hình tại Biển Đen đang gia tăng căng thẳng sau liên tiếp những vụ “lùm xùm” xảy ra giữa Nga với các nước NATO. Tại khu vực này, hiện đang diễn ra song song 2 cuộc tập trận quân sự quy mô lớn: 1 do Nga tiến hành, 1 do NATO, Ukraine và các đối tác tiến hành mang tên Sea Breeze (Gió biển) 2021. Cuộc tập trận này liên quan tới chiến tranh đổ bộ, chiến tranh tiêu hao sinh lực địch trên bộ, chiến dịch lặn, chiến dịch ngăn chặn hàng hải, phòng không, chiến tranh chống ngầm, chiến dịch tìm kiếm-cứu nạn… Đây là cuộc tập trận lớn nhất từng diễn ra, có 32 quốc gia từ 6 lục địa tham gia với trên 5.000 binh sĩ, 32 tàu, 40 máy bay và 18 nhóm lặn và chiến dịch đặc biệt. 

Ngoài quy mô chưa từng có tiền lệ, điều khiến tập trận Gió biển 2 đáng lưu ý là trọng tâm của cuộc tập trận: NATO đã chỉ đích danh Nga là quốc gia mục tiêu. Sự kiện này đã gây tranh cãi ngay từ khi có thông báo. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ động thái này và Moscow sẽ phản ứng phù hợp với tình hình để đảm bảo an ninh quân sự của Nga nếu cần thiết. Trong thời gian qua, Nga đã kêu gọi NATO hủy tập trận, nói rằng quy mô và bản chất gây hấn rõ ràng của các bên làm gia tăng rủi ro xảy ra sự cố ngoài ý muốn trên Biển Đen, đồng thời khuyến khích  tham vọng quân sự của Ukraine.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.