Một chuyến thăm đáng mong chờ

Thứ Hai, 26/07/2021, 09:39
Ngày 25/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tới thành phố Thiên Tân, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đang gửi đi những thông điệp cứng rắn và có các biện pháp ăn miếng trả miếng, gây nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Ngay trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo trong đó nêu rõ, phía Mỹ đã trừng phạt bất hợp pháp các quan chức tại Hong Kong. Những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và các cựu đại diện của một số tổ chức.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ dừng can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn tin rằng, các mối quan hệ Mỹ - Trung nên dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và hiểu biết song phương, thay vì chỉ mang lại lợi ích cho 1 bên. Sự phát triển của quan hệ Mỹ - Trung cần một hàng rào bảo vệ song không có nghĩa là nó được xác định thông qua các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Mỹ nên dừng can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, dừng bôi nhọ và tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Đây chính là hàng rào bảo vệ cho mối quan hệ song phương đúng đắn nhất".

Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên được Trung Quốc áp đặt theo luật trừng phạt chống nước ngoài mới được thông qua vào tháng 6/2021. Trước đó, Trung Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 2 ủy viên thuộc Ủy ban Tự do Tôn giáo Mỹ vào tháng 3 và 28 người Mỹ khác vào tháng một.

Ngay sau thông báo của Bắc Kinh, Washington đã lên tiếng phản đối. Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm 24/7, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, Mỹ không nao núng trước động thái trừng phạt của Trung Quốc. "Chúng tôi đã nhận được thông báo trừng phạt của phía Trung Quốc đối với một số cá nhân và tổ chức, trong đó có 1 cựu quan chức dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Chúng tôi không hề náo núng về quyết định này của Trung Quốc. Hành động trên của Trung Quốc là ví dụ mới nhất cho thấy, Trung Quốc đang trừng phạt nhằm vào các cá nhân, công ty và tổ chức dân sự và đây chính là cách Trung Quốc phát đi tín hiệu chính trị cho thấy, nguy cơ chính trị đang gia tăng", bà Jen Psaki nói.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định, Mỹ hoan nghênh cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng cần có một sân chơi bình đẳng và những hàng rào bảo vệ để ngăn cạnh tranh leo thang thành xung đột. Hồi tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ về rủi ro khi hoạt động tại Hong Kong (Trung Quốc), trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo việc Mỹ áp trừng phạt 7 quan chức Trung Quốc tại Hong Kong. Mới đây nhất hồi đầu tuần, Mỹ đã cùng các đồng minh tố Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạng "độc hại", một cáo buộc bị phía Bắc Kinh bác bỏ mạnh mẽ và gọi là một "chiến dịch bôi nhọ".

Những tuyên bố cứng rắn, cùng những lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng gần đây đã dự báo về các cuộc đàm phán không mấy dễ chịu. Theo các nhà phân tích, những vấn đề được đưa ra thảo luận có thể rất nhiều do hồ sơ bất đồng giữa hai nước trải dài nhiều lĩnh vực từ quyết định của Mỹ đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen đến tấn công mạng, trừng phạt các quan chức liên quan vấn đề Tân Cương. Một hai cuộc gặp là rất khó để thấy triển vọng cải thiện quan hệ song phương. Dẫu vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman vẫn được đánh giá là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai chính quyền đang tiếp tục đối thoại.

Trong những phát biểu mới đây tại Hàn Quốc và Nhật Bản, dù thừa nhận tính phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung, song bà vẫn khẳng định cơ hội hợp tác giữa hai nước. "Mối quan hệ với Trung Quốc rõ ràng là một mối quan hệ phức tạp, vừa có các khía cạnh cạnh tranh, vừa có những khía cạnh thách thức, song lại có cả những khía cạnh mà hai nước có thể hợp tác. Chẳng hạn như cùng nhau suy nghĩ về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Đây chắc chắn cũng là một lĩnh vực hợp tác", bà Wendy Sherman nói.

Chuyến thăm của quan chức ngoại giao Mỹ là cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc trong những tháng gần đây và hai bên sẽ thăm dò các biện pháp để cứu vãn mối quan hệ đang ngày một xấu đi. Hồi tháng 3/2021, tại cuộc họp ngoại giao cấp cao ở Alaska, giới chức Trung Quốc đã công khai chỉ trích Mỹ có các chính sách bá quyền. Cuộc gặp ở Thiên Tân là sự tiếp nối của cuộc đàm phán ở Alaska và "tất cả các khía cạnh của mối quan hệ" sẽ được đưa ra thảo luận. Giới chức Mỹ nhấn mạnh, điều quan trọng là duy trì các đường dây liên lạc giữa các quan chức cấp cao, thảo luận thẳng thắn và cởi mở.

Viễn cảnh đạt kết quả đột phá tại Thiên Tân gần như là không có nhưng một kết quả đạt được sau chuyến thăm có thể tạo tiền đề cho các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước gặp nhau và xa hơn là một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích khi thể hiện rằng mình là bên "chiến thắng", bao gồm cả những nỗ lực cụ thể mà hai bên nhất trí cùng nhau thúc đẩy. Vì thế, đây vẫn là một chuyến thăm rất đáng mong chờ.

Khổng Hà
.
.
.