Chính trường Áo chao đảo vì bê bối chính trị

Thứ Ba, 28/05/2019, 23:05
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và chính phủ bảo thủ của ông vừa bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Áo, vài ngày sau khi Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache buộc phải từ chức vì bê bối chính trị liên quan đến cuộc bầu cử năm 2017.


Đúng 11h30 trưa 28-5 (giờ địa phương), Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ra thông báo chính thức bãi nhiệm chính phủ liên bang, mở đường cho việc tìm kiếm một nội các mới cho quốc gia Trung Âu này, sau khi Thủ tướng Sebastian Kurz cùng chính phủ bảo thủ của ông bị phế truất hôm 27-5 trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, Reuters đưa tin.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Ảnh: EPA

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen cho hay, chính phủ lâm thời sẽ tạm thời được lãnh đạo bởi Phó Thủ tướng Hartwig Loger thuộc đảng Nhân dân Áo (OVP), người vừa được bổ nhiệm vào vị trí này cách đây vài hôm, cho đến khi tìm được thủ tướng mới.

Các bộ trưởng trong nội các hiện nay sẽ tiếp tục công việc của mình để đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Theo Hiến pháp Áo, Tổng thống Alexander Van der Bellen sẽ phải sớm chỉ định một thủ tướng mới để thành lập chính phủ dưới sự ủng hộ của Quốc hội trước khi kỳ bầu cử diễn ra vào tháng 9-2019.

Reuters cho biết, bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz được đệ trình lên Quốc hội Áo để bỏ phiếu bởi đảng Dân chủ Xã hội (SPO) đối lập. Điều đáng nói là trong số các nghị sĩ ủng hộ việc phế truất ông Kurz có rất đông thành viên của đảng Tự do Áo (FPO) cánh hữu, vốn từng nằm trong liên minh cầm quyền của ông Kurz.

Với diễn biến này, vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất châu Âu đã trở thành lãnh đạo chính phủ đầu tiên ở Áo bị phế truất vì không vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm từ sau Thế chiến II.

Phát biểu sau quyết định của quốc hội, ông Kurz đã lên án động thái của các nghị sĩ đối lập. “Cố gắng loại bỏ toàn bộ một chính phủ chỉ vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới là một điều mà tôi cho rằng không ai ở đất nước này có thể hiểu nổi”, ông Kurz nhấn mạnh.

Theo AP, cuộc bỏ phiếu trên được tiến hành trong bối cảnh bê bối chính trị liên quan đến Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch đảng FPO Heinz-Christian Strache tiếp tục làm chính trường Áo chao đảo. Ông Strache buộc phải từ chức Phó Thủ tướng hôm 18-5, một ngày sau khi truyền thông Đức đăng tải đoạn video ghi lại cảnh ông này gặp một phụ nữ được cho là cháu gái một nhân vật có ảnh hưởng chính trị tại Nga.

Cuộc gặp trên diễn ra năm 2017, không lâu trước cuộc bầu cử tại Áo và ông Strache giành được ghế Phó Thủ tướng. Hiện chưa rõ ai ghi lại đoạn video trên và vì sao công bố nó ở thời điểm hiện tại, song phe đối lập nghi ngờ ông Strache đã đổi chác với người phụ nữ bí hiểm để nhận lấy hậu thuẫn tài chính và chính trị.

Trong tuyên bố từ chức, ông Strache bác bỏ cáo buộc, nói mình là nạn nhân của một “cuộc tấn công chính trị có chủ đích, dùng những thủ đoạn phi pháp để gài bẫy”. Phó Thủ tướng Áo cũng tuyên bố, ông không muốn vụ bê bối của mình ảnh hưởng đến số phận của liên minh cầm quyền giữa đảng OVP bảo thủ của ông Kurz và đảng FPO. Vì điều này, ông sẵn sàng rời vị trí lãnh đạo của FPO.

Tuy vậy, vì tính chất nghiêm trọng, Thủ tướng Kurz vẫn quyết định chấm dứt liên minh với đảng FPO của ông Strache, theo đó trở thành lãnh đạo của chính phủ thiểu số (liên đảng ủng hộ ông Kurz không còn chiếm quá bán số ghế ở hạ viện quốc hội 183 ghế của Áo do mất 51 ghế mà thành viên đảng FPO nắm giữ). Ông Kurz cũng thay thế một loạt bộ trưởng là các thành viên của FPO trong chính phủ bằng các nhà kỹ trị có uy tín, rồi kêu gọi bầu cử sớm để kéo lại tín nhiệm.

Thế nhưng, các thủ lĩnh đối lập từ đảng SPO vẫn phàn nàn về việc ông Kurz đã “lạm dụng niềm tin của họ vào chính phủ” bằng cách “không hợp tác” với họ trong việc tổ chức chính phủ lâm thời sau khi rút khỏi liên đảng với FPO và “từ chối xin lỗi” về vai trò của ông trong việc đưa các thành viên của đảng cánh hữu FPO vào chính phủ.

Từ phía FPO, do không còn trong liên đảng với SVO của ông Kurz và lại mất một loạt vị trí trong nội các, nên họ không có lí do gì để ủng hộ Thủ tướng Áo trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa diễn ra.

Ông Sebastian Kurz, 32 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất châu Âu khi lên nắm quyền cuối năm 2017. Ông cũng là ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu hồi năm 2013, từng học luật tại Đại học Vienna và hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Áo. Ông Kurz có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư trong chiến dịch tranh cử, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của giới trẻ.

Việc ông Kurz và chính phủ của ông bị phế truất trong bối cảnh châu Âu vừa tiến hành xong cuộc bầu cử quan trọng được xem là một thiệt hại không nhỏ của phe các đảng phái bảo thủ ở châu Âu và có thể tạo ra làn sóng phản ứng với phe cánh hữu cả trong lẫn ngoài nước Áo.

Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định, ông Kurz có thể sẽ vẫn trở thành ứng viên hàng đầu cho ghế Thủ tướng Áo trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9 tới. Quan điểm này là có cơ sở khi đảng SVO của ông Kurz vừa giành được 35% số phiếu bầu của người dân trong cuộc bầu cử châu Âu, theo đó sở hữu 7/18 ghế của Áo tại Nghị viện châu Âu nhờ thu hút được ủng hộ viên từ cả đảng SPO và đảng FPO.

Thiện Minh
.
.
.