Châu Âu và Mỹ muốn khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Chủ Nhật, 07/02/2021, 08:17
Hôm 5/2 (giờ địa phương), trong cuộc thảo luận sâu rộng đầu tiên từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Anh và Mỹ đã nhất trí muốn khôi khôi phục quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương truyền thống, gần gũi và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu trong tương lai.

Cuộc đối thoại chuyên sâu này được diễn ra trong một bầu không khí tin cậy và mang tính xây dựng.

Khôi phục quan hệ chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương

Cũng tại cuộc thảo luận, các ngoại trưởng châu Âu và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn đã diễn ra không mấy suôn sẻ kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018. Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). 

Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu uranium ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân. Thông qua mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab xác nhận các bên đã thảo luận về cách tiếp cận thống nhất có thể giải quyết những mối quan tâm chung về vấn đề Iran. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả cuộc hội đàm là “cuộc đối thoại quan trọng về Iran” và về việc cùng nhau xử lý các thách thức hạt nhân và an ninh khu vực. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay tại cuộc thảo luận, ông Antony Blinken đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc phối hợp hành động để giải quyết thách thức toàn cầu. 

Ngoại trưởng Antony Blinken và những người đồng cấp châu Âu đã nêu bật vai trò trung tâm của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong việc giải quyết các thách thức an ninh, khí hậu, kinh tế, y tế cùng một số lĩnh vực khác mà thế giới đang đối mặt.

Việc hồi sinh mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc tới trong cuộc thảo luận trực tuyến được tổ chức hôm 5/2 trong khuôn khổ Hội đồng Quốc phòng và An ninh Đức - Pháp được khởi động từ năm 2017. 

Tại cuộc thảo luận, Thủ tướng Angela Merkel nêu rõ châu Âu cần một chính sách an ninh và quốc phòng riêng nhằm đảm bảo chủ quyền của châu lục. Để có được điều đó, châu Âu cần tập trung vào Chiến lược tăng cường khả năng hành động (do Đức khởi xướng) và các biện pháp sẽ được thực hiện trong khuôn khổ NATO. 

Đức và Pháp cam kết sẽ củng cố khả năng hành động của Liên minh châu Âu (EU) vì nền tảng an ninh chung của khối, trong đó có việc đẩy mạnh các dự án mua sắm máy bay không người lái Eurodrone, máy bay tiêm kích thế hệ mới thuộc Hệ thống không chiến tương lai (FCAS), xe tăng chiến đấu thuộc Hệ thống tác chiến chủ lực trên bộ (MGCS) và hiện đại hóa máy bay trực thăng Tiger. Ngoài Đức và Pháp, những nước châu Âu khác cũng có thể tham gia các dự án có tầm quan trọng chiến lược này. 

Liên quan đến vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ chiến lược EU đặt mua vaccine chung, đồng thời nhấn mạnh việc sản xuất vaccine không diễn ra trong “một sớm, một chiều”. 

Thủ tướng Angela Merkel cho biết, mặc dù EU đã đặt mua số lượng vaccine nhiều hơn quy mô dân số của khối là 450 triệu người, song tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay cho thấy EU cần phải tăng cường năng lực sản xuất dược phẩm. Hiện EU và các công ty đang nỗ lực đẩy nhanh tối đa quy trình sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu và có thể tiến hành chiến dịch tiêm chủng trong những tháng tới. 

Cũng trong cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã đề cập đến quan hệ với Mỹ trong bối cảnh tân Tổng thống Biden đã có những động thái khôi phục quan hệ chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương. 

Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận các vấn đề liên quan tới Nga, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2, việc bảo lưu quyền tiếp tục trừng phạt Moscow và quyết định mới nhất của Nga trục xuất một số nhà ngoại giao của Đức, Ba Lan và Thụy Điển. Cả Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron đều lên án hành động trục xuất của Nga. Trong khi đó, Bộ ngoại giao 3 nước có nhân viên ngoại giao bị trục xuất đã triệu Đại sứ Nga tới để nêu rõ quan điểm về vụ việc.

Thủ tướng Angela Merkel (phải) trong cuộc họp báo trực tuyến với Tổng thống Emmanuel Macron.

Và những hi vọng

Trong những tuần gần đây, nếu chú ý quan sát và cảm nhận hơi thở chính trị từ Đức, người ta dễ dàng nhận thấy một hy vọng mới tràn ngập về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Từ khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020 được công bố, dường như cây cầu bắc qua Đại Tây Dương sẽ được nối nhịp trở lại và cánh cửa hợp tác đa phương lại được mở ra. Tuy nhiên, theo người phụ trách điều phối các mối quan hệ của Đức với Mỹ Peter Beyer, các cơ hội dường như không phải hoàn toàn không có giới hạn, nhất là từ góc độ Mỹ. 

Ông nói: “Các vấn đề tồn tại giữa hai bên sẽ không tự động biến mất. Nhưng chúng ta đang có một cơ hội rất tốt, giờ đây chúng ta có thể thảo luận thẳng thắn với nhau với sự tôn trọng và mang tính xây dựng, cũng như đàm phán theo hướng tìm ra các giải pháp”. Trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, có rất nhiều thứ cần phải khôi phục và xây dựng lại. 

Ông Joe Biden đã thông báo rằng ông sẽ đưa nước Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cũng muốn đất nước của mình trở lại với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thậm chí, ông sẽ hủy bỏ lệnh rút quân Mỹ đang đồn trú tại Đức mà người tiền nhiệm Donald Trump đã công bố hồi năm ngoái. Đối với người châu Âu, vấn đề thương mại cũng đặc biệt quan trọng và cần được thảo luận lại. Hiện tại Mỹ và EU chiếm tới hơn 30% GDP toàn cầu.

Chuyên gia Peter Beyer tin rằng, thay vì lời nói, các hành động thực tế sẽ có thể lấp đầy trở lại những lỗ hổng niềm tin bấy lâu nay. Vì nếu quan sát kỹ, có thể thấy rằng ở Berlin không chỉ có niềm hy vọng, mà còn là thái độ kỳ vọng lớn. 

Ông nói: “Người châu Âu nên tập hợp một loạt các chủ đề có liên quan đến kinh tế, trong đó có việc yêu cầu Mỹ cần phải loại bỏ các mức thuế trừng phạt”. Theo ông, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ châu Âu đã ảnh hưởng nặng nề đến Đức và EU trong những năm qua. Và sự yếu đuối là hoàn toàn sai lầm, cần phải có “một hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương rộng rãi, thứ sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của chúng ta trong tương lai”. 

Ông Thomas Kleine-Brockhoff, Giám đốc Viện Nghiên cứu German Marshall Fund (GMF) ở Mỹ, thì tỏ ra thận trọng hơn và cũng đồng quan điểm rằng một thỏa thuận thương mại rộng lớn mới sẽ gửi đi một tín hiệu quan trọng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng tình hình chính trị thực tế tại Mỹ cho thấy điều đó sẽ rất khó đạt được.

Khổng Hà
.
.
.