Căng thẳng Mỹ-Trung tạm lắng nhưng kinh tế thế giới chưa thể yên lòng

Thứ Năm, 16/01/2020, 15:00

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc ngày 15-1, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kinh tế thế giới sẽ ít sóng gió hơn trong tương lai, ít nhất là trong năm 2020. 

Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn có khả năng tiếp diễn trong năm 2020 khi hai bên bước vào vòng đàm phán thứ hai, dự kiến sẽ khó khăn hơn “thỏa thuận bước một”.

Phía Liên minh châu Âu (EU) cũng đang rơi vào tình huống tranh chấp thương mại với Mỹ, khiến mối quan hệ giữa các cường quốc phương Tây trở nên căng thẳng. Đồng thời, với việc Anh “lờ mờ” trong vấn đề Brexit, hàng loạt những thách thức đang đặt ra với nước này trong việc tạo dựng mối quan hệ với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.

Tổng thống Donald Trump coi thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc là một bước đột phá quan trọng. Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận sẽ giảm một số mức thuế và cho phép Bắc Kinh tránh thuế bổ sung đối với gần 160 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nước này. Chính quyền Trump cũng cho biết họ đã nhận được các cam kết từ Trung Quốc mua hàng hóa nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD và trấn áp hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Cụ thể hơn, thỏa thuận thương mại trị giá 200 tỷ USD bao gồm một khoản thường niên “trung bình” trị giá 40 tỷ USD dành cho mua nông sản Mỹ của Trung Quốc trong vòng 2 năm tới; một cam kết mua khoảng 77,8 tỷ USD hàng hóa sản xuất của Mỹ như ô tô, máy bay, máy móc nông nghiệp; 52,4 tỷ USD dầu và khí; 37,9 tỷ USD dành cho ngành tài chính và dịch vụ khác; cũng như tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ.

Nền kinh tế thế giới vẫn bộn bề lo lắng sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại bước một. Ảnh minh họa AP. 

“Chúng ta có đang ở một vị trí lý tưởng không? Câu trả lời là không”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết. “Đây có phải là một bước đi lớn không? Câu trả lời là có”.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế, phân tích thị trường và chuyên gia thương mại bày tỏ hoài nghi về việc liệu hai nước có thể có những bước tiến thực sự về các vấn đề quan trọng hơn, như yêu cầu của Washington rằng chính phủ Trung Quốc giảm đáng kể vai trò trong nền kinh tế nước này.

Theo một báo cáo của Capital Economics hồi tháng trước, “thỏa thuận được đưa ra chỉ đạt được một số kết quả không cao”. Thỏa thuận ban đầu “không đánh dấu sự kết thúc cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Cả hai bên đề vẫn có những nước đi là các mức thuế quan “dự phòng”. Khoảng hai phần ba hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, trị giá 370 tỷ USD, sẽ được áp thuế quan sau khi thỏa thuận được ký, theo một phân tích từ Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế. Hơn một phần ba hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc vẫn sẽ có thể bị áp thuế trả đũa. “Thuế quan để dành hiện là các điều kiện kinh tế mới”, Chad Brown, cựu kinh tế gia tại World Bank, cho biết. Nhiều chuyên gia khác cũng chỉ ra “nhiều rắc rối” đang chờ đợi trong tương lai.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm chậm sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, mạng di động 5G và các công nghệ khác liên quan đến an ninh quốc gia. Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến liên quan đến công ty công nghệ viễn thông Huawei, một nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất đang có những bất đồng về thương mại với Mỹ.

Chính quyền Trump đang cân nhắc việc áp thuế đối với 2,4 tỷ USD hàng hóa nhập từ Pháp, bao gồm phô mai, túi xách và rượu champagne, như một biện pháp trừng phạt nước này vì đã áp thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Mỹ cho rằng việc Pháp áp thuế ảnh hưởng đến các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook và Google chính là một rào cản thương mại. EU, quản lý chính sách thương mại đại diện cho các nước thành viên, cho biết sẽ đáp trả nếu bị khiêu khích.

Thuế quan mới sẽ leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Brussels. Chính quyền Trump từng áp đặt mức thuế 25% đối với hầu hết rượu vang từ châu Âu vào tháng 10-2019, để trả đũa các khoản bảo hộ từ chính quyền châu Âu mà nhà sản xuất máy bay Airbus nhận được. Kể từ đó, Nhà Trắng đe dọa sẽ tăng thuế do tình trạng thiếu tiến bộ trong giải quyết vấn đề.

Washington cũng đã áp thuế đối với thép và nhôm sản xuất tại Liên minh châu Âu và đe dọa áp mức thuế cao hơn đối với ô tô Đức mặc dù BMW, Volkswagen và Daimler đã đầu tư vào Mỹ.

Theo chuyên gia William Reinsch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một thỏa thuận giải quyết những vấn đề với châu Âu sẽ là một trong những ưu tiên của ông Trump cho năm 2020. Đây là một mối quan hệ tối quan trọng đối với cả hai bên. Thương mại giữa Mỹ và EU trị giá hơn 1,1 ngàn tỷ USD mỗi năm, đồng thời là mối quan hệ thương mại song phương lớn nhất thế giới.

Chuyên gia Reinsch chỉ ra rằng các cuộc đàm phán thậm chí khó có thể thực hiện do những bất đồng liên quan đến việc liệu ngành nông nghiệp, vốn dĩ đang bảo hộ cao ở châu Âu, có nên được đưa vào nội dung đàm phán hay không. Ngay cả khi được khởi động, các cuộc đàm phán cũng có thể bị “trật bánh” do một số mối đe dọa bao gồm thuế quan đối với mặt hàng ô tô cao hơn.

Với việc Brexit được lên lịch diễn ra vào ngày 31-1 này, Anh cũng sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với EU. Thỏa thuận này cần được hoàn thiện trước năm nay, nếu không, các rào cản thương mại sẽ cản trở Anh và thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.

Hầu hết các thỏa thuận thương mại phải mất nhiều năm để đàm phán, nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh rằng ông sẽ không kéo các cuộc đàm phán thương mại hơn cuối năm nay. Điều đó có thể dẫn đến việc Anh rơi vào một thỏa thuận không toàn diện.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Pháp Société Générale cho biết: “Nếu chính phủ (Anh) khăng khăng đạt được thỏa thuận cho đúng hạn bằng mọi giá thì họ chỉ có một thỏa thuận rất hạn chế. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh khả năng đạt được một thỏa thuận tốt cho các dịch vụ trên bàn thờ chính trị”.

Thế khó đang đối mặt với Thủ tướng Anh khi ông phải đạt được thế cân bằng. Trong khi Anh hợp tác rất nhiều với Liên minh châu Âu - thị trường chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh trong năm 2017 - việc “thân mật” với Brussels sẽ hạn chế khả năng đạt được thỏa thuận thương mại mới với Mỹ.

Mặc dù vậy, rào cản thương mại mới là điều mà nền kinh tế Anh không thể chịu đựng được. Các chuyên gia cho biết những hạn chế thương mại sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và khiến ngành công nghiệp ô tô của nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Dữ liệu được công bố hôm 13-1 cho thấy sự sụt giảm mạnh trong GDP của Anh vào tháng 11-2019. Ngân hàng Anh giờ có thể sẽ phải áp dụng biện pháp cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Sự thiếu chắc chắn về các mối quan hệ thương mại trong tương lai của Anh có khả năng kìm hãm sự tăng trưởng GDP và sức mạnh của đồng bảng Anh trong năm nay, theo Paul Dales, nhà kinh tế trưởng của Anh tại Capital Economics.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.