Bế tắc chính trị kéo lùi nỗ lực mở cửa trở lại Chính phủ Mỹ

Thứ Bảy, 26/01/2019, 00:01
Bế tắc giữa các phe phái chính trị liên quan đến nguồn ngân sách xây dựng tường biên giới giữa Mỹ và Mexico vẫn chưa tìm được “lối thoát” khả dĩ, khi cả hai dự luật nhằm mở cửa trở lại chính phủ, vốn bị đóng cửa từ tháng 12-2018, không được đa số nghị sĩ Thượng viện Mỹ chấp thuận.

Reuters cho biết, rạng sáng 25-1 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã biểu quyết không thông qua cả hai phương án được đề xuất trước đó nhằm mở cửa lại một phần chính phủ. Dự luật thứ nhất của đảng Dân chủ nhằm cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ đến ngày 8-2 để các bên có thêm thời gian thảo luận về an ninh biên giới và nhập cư chỉ nhận được 52 phiếu thuận và 44 phiếu chống. Có 6 thượng nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu thuận cùng các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đối với dự luật được xem là “giải pháp tình thế” này.

Trong khi dự luật thứ hai bao gồm đề nghị cấp tiền xây tường biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đề xuất về chính sách nhập cư, vốn được Nhà Trắng ủng hộ, cùng nội dung cấp ngân sách cho phép mọi nhánh chính quyền đang bị đóng cửa được hoạt động đến tháng 9-2019, cũng chỉ nhận được 50 phiếu thuận và có tới 47 phiếu chống. Cả hai dự luật đều không đạt tỷ lệ quá bán tương đối (60/100).

Ngay sau khi các dự luật trên thất bại, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa ở thượng viện đã kêu gọi nhanh chóng đàm phán để tìm kiếm một dự luật tạm thời, theo đó cấp kinh phí cho chính phủ hoạt động trong 3 tuần để các bên tiếp tục đàm phán. Một số nghị sỹ Dân chủ cho thấy phần nào tinh thần nhượng bộ khi cam kết sẽ ủng hộ việc tăng ngân sách cho an ninh biên giới so với những gì đã được đề xuất trong dự luật của đảng này bị Thượng viện bác bỏ.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cảnh báo những nỗ lực trên sẽ vô ích nếu bản dự luật không có khoản ngân sách xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Guardian cho hay, trong trường hợp Thượng viện Mỹ chấp nhận một giải pháp tình thế nhằm đưa chính phủ hoạt động trở lại thì phương án đó vẫn cần vượt qua “cửa ải” cuối là Tổng thống Trump. Trong tuyên bố hôm 23-1, ông Trump khẳng định quyết tâm không nhượng bộ tới khi nào ông được cấp tiền xây tường biên giới. “Nếu không có bức tường, đất nước chúng ta sẽ không bao giờ có an ninh biên giới hay an ninh quốc gia. Những người Dân chủ biết điều này nhưng vẫn muốn theo đuổi trò chơi chính trị. Tôi quyết không lùi bước”, ông viết trên Twitter.

Sau cuộc biểu quyết ở Thượng viện, ông Trump nói ông sẽ chỉ ủng hộ nếu lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và thủ lĩnh phe thiểu số đảng Dân chủ Chuck Schumer đi đến một thỏa thuận “hợp lý”, đồng thời tái nhấn mạnh: “Chúng ta không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải có một bức tường hoặc ít nhất là một hàng rào (ở biên giới)”.

Người Mỹ xuống đường kêu gọi chính phủ mở cửa trở lại. Ảnh: Getty Images.

Phản pháo các tuyên bố của Nhà Trắng, đối thủ chính của ông Trump là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 24-1 đã cáo buộc Tổng thống Mỹ cùng Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã “bắt nước Mỹ làm con tin khi tìm cách ngăn cản những dự luật này”, đồng thời cho hay “Hạ viện của đảng Dân chủ sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho nhiều dự luật khác để mở cửa lại chính phủ và thúc đẩy ngân sách cho những giải pháp thật sự hữu ích với an ninh biên giới”.

Trước đó một ngày, Chủ tịch Hạ viện Pelosi thông báo bà không cho phép ông Trump tới đọc Thông điệp Liên bang tại Quốc hội, dự kiến vào ngày 29-1, cho tới khi nào chính phủ mở cửa trở lại.

Giới quan sát cho rằng, với việc chưa có bất cứ giải pháp khả dĩ nào gỡ rối bế tắc chính trị giữa Hạ viện, do đảng Dân chủ kiểm soát và chính quyền Tổng thống Trump xoay quanh đề xuất của ông chủ Nhà Trắng về việc chi 5,7 tỷ USD ngân sách xây tường biên giới, sẽ khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa ít nhất 1 tuần nữa.

Trong khi đó, hơn 800.000 viên chức liên bang Mỹ sẽ tiếp tục phải nghỉ việc tạm thời hoặc đi làm không công. Thông thường, ngày 25 hàng tháng là ngày họ được trả lương và ngày 25-1 đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp họ không được hưởng quyền lợi này.

Ngoài ra, việc chính phủ đóng cửa cũng khiến các chương trình an sinh xã hội khác đối mặt nguy cơ tạm dừng. Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo Chương trình Trợ cấp Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), cung cấp phiếu thực phẩm và các sản phẩm viện trợ khác cho gần 40 triệu người nghèo ở Mỹ, sẽ tạm dừng từ ngày 1-3 tới đây.

Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng không thể tiến hành chi tiền cho chương trình an sinh xã hội quan trọng khác là khoản Hỗ cấp Tạm thời cho các Gia đình nghèo (TANF) trị giá 16,5 tỷ USD. Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận gần đây do hãng Fox News tiến hành, phần lớn người Mỹ hiện đã tỏ ra bất bình với việc chính phủ không thể mở cửa trở lại, gồm một nửa số người được hỏi đổ lỗi cho Tổng thống Trump, số còn lại cho rằng nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải chịu trách nhiệm.

Theo Bloomberg, việc chính phủ đóng cửa kéo dài cũng khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng cảnh báo Mỹ có thể không đạt chỉ số tăng trưởng trong quý I nếu chính phủ không mở cửa trở lại trước tháng 3. “Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, tăng trưởng GDP quý I sẽ là con số rất gần 0%”, Kevin Hassett, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng ngày 23-1 cảnh báo.

Thiện Minh
.
.
.