Viện kiểm sát đề nghị luật sư chỉ nơi ông chủ Nhật Cường đang sống

Thứ Năm, 30/12/2021, 14:57

“Chúng tôi đề nghị, luật sư nào biết Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường ở đâu, Công ty Nhật Cường nếu đang tồn tại và hoạt động thì hoạt động ở đâu, báo cho HĐXX, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra để cùng nhau làm rõ những vấn đề liên quan đến Nhật Cường”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Chiều 30/12, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 6 bị cáo đồng phạm trong vụ can thiệp trúng thầu dự án số hoá năm 2016 xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội diễn ra phần đối đáp của đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đối với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, đây là vụ án có đồng phạm. Sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã chỉ đạo xuống các bị cáo là cấp dưới của mình để thực hiện. Và bị cáo Tứ là người truyền đạt lại ý kiến của bị cáo Chung, chứ không phải là bị cáo Tứ lấy danh nghĩa Giám đốc Sở để chỉ đạo cấp dưới.

Ở phần xét hỏi, bị cáo Tứ đã thừa nhận ngay hành vi sai phạm của mình. Nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo Tứ lại đưa ra các quan điểm, lập luận để chứng minh bị cáo Tứ không phạm tội. Và luật sư chỉ đề nghị HĐXX đưa ra hình phạt vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục cho bị cáo.

Viện kiểm sát đề nghị luật sư chỉ nơi ông chủ Nhật Cường đang sống  -0
Các bị cáo tại phiên toà.

Tương tự, các bị cáoNguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) và Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình là tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Sở ký ban hành văn bản.

Đây là chuỗi hành vi vi phạm, mỗi bị cáo thực hiện một hành vi, dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn. Đồng nghĩa với chuỗi hành vi vi phạm là trách nhiệm chung thuộc về tập thể, chứ không chỉ thuộc về một cá nhân nào.

Phải nói rõ rằng, trong từng hành vi cụ thể, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm ở vị trí, vai trò của mình. Cụ thể, người tham mưu, đề xuất phải chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất; người ký ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm về việc ký, ban hành văn bản.

Đại diện Viện kiểm sát ví von, các luật sư đưa ra nhiều căn cứ chứng minh cho thân chủ của mình bị gây khó khăn nên mới có hành vi vi phạm. Nhưng sau khi các bị cáo là cán bộ Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội được gặp gỡ, được trao đổi… với nhà thầu thì vẫn ra đề bài (hồ sơ mời thầu - PV) đúng với ý tưởng của người chỉ đạo (bị cáo Nguyễn Đức Chung- PV). Và quan trọng nhất là lời giải của nhà thầu trúng thầu (Công ty Nhật Cường - PV) lại đúng đáp áp của chủ gói thầu số hoá năm 2016.

“Như vậy có phải các bị cáo là cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tạo điều kiện, có tạo lợi thế cho nhà thầu trúng thầu hay không?”, đại diện Viện kiểm sát đối đáp với các luật sư.

Viện kiểm sát đề nghị luật sư chỉ nơi ông chủ Nhật Cường đang sống  -0
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà.

Về ý kiến của các luật sư băn khoăn và đưa ra quan điểm về thiệt hại và cách tính thiệt hại trong gói thầu số hoá năm 2016: Theo đại diện Viện kiểm sát, nếu thực hiện theo đúng hợp đồng thì nhà thầu trúng thầu phải thực hiện được một gói thầu hoàn chỉnh, hiệu quả như mục đích ban đầu đề ra, chứ không phải là một gói thầu dở dang. Và hiện nay, gói thầu này đang dở dang nên gói thầu này được xác định là không hoàn thành, không phát huy được hiệu quả, còn chưa nói là có thể lộ, lọt. Do đó, hợp đồng này cần phải vô hiệu. Mà vô hiệu thì nhà thầu phải hoàn trả lại số tiền đã nhận cho Nhà nước thông qua đơn vị được xác định là chủ đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, cơ quan chức năng đã tính đúng, đính đủ theo quy định của pháp luật để không làm tăng thêm phần bồi thường cho các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, các luật sư nhận định, trong vụ án này không có trách nhiệm liên đới, các bị cáo không phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự, mà trách nhiệm thuộc về Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) và Công ty Nhật Cường. Có luật sư còn cho rằng, Công ty Nhật Cường đang tồn tại và vẫn hoạt động nên trách nhiệm dân sự trong vụ án này thuộc về Công ty Nhật Cường.   

“Chúng tôi đề nghị, luật sư nào biết Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường ở đâu, Công ty Nhật Cường nếu đang tồn tại và hoạt động thì hoạt động ở đâu, báo cho HĐXX, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra để cùng nhau làm rõ những vấn đề liên quan đến Nhật Cường”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Viện kiểm sát đề nghị luật sư chỉ nơi ông chủ Nhật Cường đang sống  -1
Bị cáo Nguyễn Đức Chung.

Do đó, trong khi luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty Đông Kinh và các bị cáo phải liên đới bồi thường sự số tiền hơn 26 tỷ đồng (Công ty Đông Kinh nộp lại hơn 6 tỷ đồng, các bị cáo bồi thường hơn 20 tỷ đồng). Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX dành quyền cho các bị cáo khởi kiện Công ty Nhật Cường trong một vụ án khác, để yêu cầu Công ty Nhật Cường bồi thường cho mình là đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian phiên toà diễn ra, gia đình bị cáo Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty Đông Kinh) đã nộp hơn 2,1 tỷ đồng (trước đó đã nộp 400 triệu đồng); gia đình bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) dã nộp 300 triệu đồng và gia đình bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã nộp hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy xác định, đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét đến tình tiết này.

Về ý kiến của bị cáo Nguyễn Đức Chung và các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện kiểm sát đối đáp, quá trình xét hỏi, bị cáo Chung và luật sư cho rằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới là chủ đầu tư dự án số hoá năm 2016 và có thẩm quyền quyết định mua sắm liên quan gói thầu số hóa trên. Tuy nhiên, đối với gói thầu số hóa năm 2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Do đó, Viện kiểm sát nhận thấy, có đủ căn cứ xác định, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm gói thầu số hoá năm 2016 là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ.

Về hành vi chỉ đạo đình chỉ thầu và dừng thầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện kiểm sát trích dẫn hồ sơ vụ án cho thấy, trước khi chỉ đạo dừng thầu, không có văn bản nào UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng các dự án về công nghệ thông tin.

Ngoài ra, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Tứ đều xác nhận ngày 15 và 16/5/2016, bị cáo Chung gọi điện chỉ đạo dừng gói thầu để đưa công nghệ số hóa của Nga vào. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội gửi văn bản cho UBND TP Hà Nội và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo về việc dừng thầu theo chỉ đạo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà, có đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Nguyễn Đức Chung vì vụ lợi cá nhân đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội để chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho Công ty Nhật Cường tham gia gói thầu số hóa năm 2016 và trúng thầu.

Nguyễn Hưng
.
.
.