Không “nương tay” với lâm tặc

Thứ Ba, 02/01/2018, 10:35
Do rừng bao phủ rộng lớn, lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên nhiều năm qua tình trạng khai thác gỗ trái phép đã diễn biến “nóng”, đặc biệt là quanh Vườn quốc gia Ba Bể.

Bắc Kạn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, nhưng thiên nhiên ban cho nơi đây nhiều cánh rừng gỗ quý. Do rừng bao phủ rộng lớn, lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên nhiều năm qua tình trạng khai thác gỗ trái phép đã diễn biến “nóng”, đặc biệt là quanh Vườn quốc gia Ba Bể. 

Những cánh rừng xanh ngút tầm mắt có chỗ đã trơ lại sỏi đất, màu xanh biến mất do nạn khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng tràn lan. Nguy hiểm hơn, với thủ đoạn tinh vi, lâm tặc đã khai thác trái phép vào khu rừng cấm – nơi được bảo vệ nghiêm ngặt. 

Trung tá Lê Đức Chung, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Kạn) cho biết, vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng; khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế nổi lên trong năm 2017 ở Bắc Kạn. 

Chỉ trong 3 tháng mà lâm tặc đã gây ra 10 vụ khai thác gỗ nghiến, gỗ phay trái phép ở Vườn Quốc gia Ba Bể. Nhận thấy tình trạng khai thác gỗ ở Vườn Quốc gia Ba Bể có giấu hiệu gia tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng như Công an, quân đội, kiểm lâm tăng cường kiểm tra, truy quét và xử lý vi phạm.

Trung tá Lê Đức Chung cho biết, năm 2017 Công an huyện Ba Bể đã khởi tố 8 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và phục hồi điều tra một vụ, điều tra làm rõ 6 vụ, 17 bị can, thu hơn 200m³ gỗ nghiến; đã xét xử 3 vụ, 8 bị cáo. 

Điển hình là Công an huyện Ba Bể phát hiện và kiểm tra xe ôtô BKS 28A.03063 đi hướng Vườn Quốc gia Ba Bể sang huyện Chợ Đồn, trên xe vận chuyển 62 cục gỗ nghiến. Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng đang dùng cưa lốc để khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực Bản Cám, xã Nam Mẫu (vùng lõi Vườn quốc gia) và bàn giao cho Công an huyện Ba Bể. 

Qua đấu tranh, khai thác, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng đều trú tại Bản Cám, xã Nam Mẫu về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng” gồm: Đồng Văn Chiêm (35 tuổi), Đồng Văn Thái (29 tuổi), Nguyễn Văn Thư (30 tuổi), La Văn Quân (29 tuổi). Qua khai thác, nhóm đối tượng khai nhận từ năm 2015-2016 đã chặt hạ 7 cây gỗ nghiến ở khu vực này.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Bạch Thông kiểm tra nguồn gốc gỗ tại xã Quảng Bình.

Ngoài Ba Bể, thì huyện Bạch Thông và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỉ (huyện Chợ Mới) cũng là điểm nóng về hiện tượng khai thác lâm sản trái phép. Lâm tặc mang phương tiện, máy cưa vào tận vùng lõi để khai thác trộm. 

Khi bị phát hiện thường “bỏ của chạy lấy người”, thậm chí liều mạng chống trả khi bị truy đuổi. Ở huyện Bạch Thông có các trạm, chốt của kiểm lâm giăng kín, nhưng lâm tặc vẫn lén lút vào khu rừng phòng hộ để khai thác gỗ quý. 

Công an huyện Bạch Thông đã khởi tố 2 vụ phá rừng phòng hộ. Bất chấp pháp luật và sự điều tra, truy tố, xét xử, “lâm tặc” vẫn dùng mọi thủ đoạn để chặt phá rừng lấy gỗ quý hiếm.

Theo Trung tá Lê Đức Chung thì nhiều đối tượng bị bắt đã có tiền án về vi phạm các quy định khai thác bảo vệ rừng. Phần lớn đối tượng khai thác là người dân địa phương, sống chủ yếu vào nghề đi rừng, lợi dụng sơ sở là chặt phá rừng lấy gỗ. 

Giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là công tác tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu về những quy định và trách nhiệm hình sự khi vi phạm. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Kinh tế còn tập trung lực lượng, biện pháp, bóc gỡ, truy tố các đường dây nhằm răn đe, phòng ngừa. 

Là đơn vị đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lâm tặc chặt phá rừng, theo Trung tá Lê Đức Chung thì điều cốt lõi nhất hiện nay là phải có chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân sống quanh Vườn Quốc gia Ba Bể và các khu rừng phòng hộ khác để họ khi tiếp cận tuyên truyền, giáo dục không vi phạm hoặc tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng lấy gỗ.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng gỗ cũng tăng cao, các đối tượng “lâm tặc” không ngừng sử dụng mọi thủ đoạn để xâm nhập vào các khu rừng đặc dụng, nơi có nhiều loại gỗ quý hiếm để khai thác. 

Ngoài tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Công an các huyện và lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn các vụ “lâm tặc” phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. 

Theo Trung tá Lê Đức Chung thì năm 2017, Phòng Cảnh sát Kinh tế còn điều tra, khởi tố 2 vụ án về kinh tế lớn, trong đó có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, khởi tố 1 bị can về tội “Tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với số tiền trên 1,6 tỷ đồng xảy ra tại một Chi nhánh ngân hàng ở huyện Chợ Đồn và vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại gói thầu số 9, Trường THPT Na Rì, huyện Na Rì, khởi tố 2 bị can.

Hằng Hương
.
.
.