Chủ trang trại và đồng phạm lĩnh 16 năm tù vì buôn bán hổ

Chủ Nhật, 09/02/2020, 15:51
Huệ cùng đồng phạm là Phan Văn Vui và Hồ Anh Tú bị cơ quan chức năng bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển 7 cá thể hổ đông lạnh mang đi tiêu thụ. Theo lời khai của Huệ, 7 cá thể hổ này có nguồn gốc từ một trang trại ở Lào.


Nguyễn Hữu Huệ (SN 1967, quê Nghệ An) là đối tượng chuyên buôn bán, vận chuyển hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác xuyên quốc gia từ nhiều năm nay, nhưng với thủ đoạn tinh vi nên anh ta đã nhiều lần thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Cuối năm 2019, Huệ tiếp tục tham gia vào đường dây vận chuyển cá thể hổ đi tiêu thụ cùng hai đồng phạm là Phan Văn Vui (SN 1985) và Hồ Anh Tú (SN 1991) cùng quê Nghệ An và lần này cả nhóm đã bị bắt giữ. TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử vụ án này.

Ba bị cáo và tang vật vụ án.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, ngày 13/1/2017, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Nghệ An tiền hành kiểm tra và thu giữ 2 cá thể hổ và 1 cá thể sơn dương đông lạnh tại trang trại nuôi trâu bò của Nguyễn Hữu Huệ tại xóm 16 (xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Thời điểm đó, Huệ không nhận trách nhiệm cho vụ việc nên các cơ quan chức năng chỉ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. 

Ngày 23/7/2019, Huệ cùng đồng phạm là Phan Văn Vui và Hồ Anh Tú bị cơ quan chức năng bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển 7 cá thể hổ đông lạnh mang đi tiêu thụ. Theo lời khai của Huệ, 7 cá thể hổ này có nguồn gốc từ một trang trại ở Lào. 

Tiến hành điều tra, cơ quan điều tra xác định, Huệ thành lập Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Minh, có ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, công ty này chỉ để che đậy cho hoạt động buôn bán, vận chuyển hổ và các động vật hoang dã bất hợp pháp. Nhưng với thủ đoạn tinh vi nên Huệ đã nhiều lần trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Hành vi phạm tội của Huệ chỉ bị lật tẩy khi anh ta và đồng phạm bị bắt quả tang trên đường mang động vật hoang dã đi tiêu thụ. 

Tại phiên toà, trong khi hai bị cáo đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội thì Huệ bao biện cho hành vi phạm tội của mình rằng, bị cáo không biết việc tàng trữ, buôn bán hổ là vi phạm pháp luật. 

Để chứng minh cho Huệ thấy hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo, Hội đồng xét xử đã dẫn chứng Điều 234 BLHS sửa đổi năm 2017 quy định, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 234, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm... thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. 

Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan tố tụng nêu quan điểm của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, việc áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo Huệ và đồng phạm là đúng đắn trong việc xử lý tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm để thu lợi bất hợp pháp.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Huệ 6 năm tù. Hai đồng phạm của Huệ là Vui và Tú, mỗi bị cáo bị tuyên phạt 5 năm tù về tội tàng trữ, buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Nguyễn Hưng
.
.
.