Làm rõ việc thủy điện xả nước trong vụ tai nạn thương tâm trên sông Mã

Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:21

Vụ lật thuyền vào chiều 8/1, trên sông Mã, (đoạn qua bản Phé, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã khiến 3 người thân trong một gia đình là ông Hà Văn Quế, bà Hà Thị Hộ và cháu ngoại Hà Thị Trâm tử vong.

Người hàng xóm đi cùng thuyền là bà Lò Thị Phương (SN 1958), may mắn được người dân cứu thoát. Dư luận phân vân, liệu có phải thủy điện vận hành khiến nước dâng cao và chảy xiết là nguyên nhân lật thuyền?

Chúng tôi đến nhà riêng ông Hà Văn Quế (SN 1966), ở bản Phé, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), khi người thân và chính quyền địa phương vừa tổ chức xong lễ mai táng cho vợ ông là bà Hà Thị Hộ (SN 1960), bà Hộ là nạn nhân cuối cùng được tìm thấy sau vụ đắm thuyền chiều 8/1.

Làm rõ việc thủy điện xả nước trong vụ tai nạn thương tâm trên sông Mã -0
Chiếc thuyền bị lật khiến vợ chồng ông Quế và cháu ngoại tử nạn trên sông Mã.

Không khí tang thương bao trùm, tiếng gào khóc của người thân, tiếng khóc than ai oán của chị Hà Thị Uyết khi vừa mất cả bố mẹ ruột và con gái. Chị Uyết và những người trong gia đình không thể ngờ rằng, ngày ra đi mãi mãi của vợ chồng ông Quế và cháu Trâm lại trở nên đột ngột, bất ngờ như thế!

Ông Hà Văn Tuấn – Trưởng bản Phé cho hay: Sự việc xảy ra vào khoảng 13h15 phút ngày 8/1/2022, ông Quế dùng thuyền sắt (dài khoảng hơn 5m, rộng khoảng 0,9m, có máy xăng) chở theo vợ, cháu ngoại và người hàng xóm là bà Lò Thị Phương lên lều (nơi các gia đình chọn vị trí dựng lán ở tạm để trồng trọt, chăn nuôi – PV).

Khi chiếc thuyền chở theo 4 người rời bến khoảng 1km thì gặp dòng nước chảy mạnh, thuyền chòng chành rồi bị chìm xuống lòng sông, cả 4 người cùng bị trôi. Mặc dù ông Quế biết bơi khá giỏi nhưng muốn cứu cả vợ và cháu nên bị dòng nước chảy mạnh đẩy ra xa rồi cả 3 người bị chìm theo dòng nước chảy xiết. Riêng bà Lô Thị Phương vật lộn với dòng nước và kêu cứu thì được hai người dân đang chăn bò ở gần đó phát hiện, cứu giúp kịp thời nên thoát chết.

Sau vụ chìm thuyền 3 ngày, khi trò chuyện chúng tôi, tâm lý bà Lò Thị Phương vẫn chưa ổn định, cảm giác của bà run lên khi nhắc lại vụ đắm thuyền. Theo lời bà Phương, khi lên thuyền, bà Hộ ngồi ở đầu thuyền, bà Phương và cháu Trâm ngồi ở giữa, ông Quế lái thuyền, khi đi qua dòng nước chảy mạnh, thuyền bị đẩy xoay ngang rồi nước ập vào chìm xuống.

Ông Quế liền bơi ra cứu cháu Trâm và vợ nhưng dòng nước chảy mạnh đẩy cả 3 người trôi theo dòng nước. Lúc thuyền chưa chìm hẳn, tôi vẫn bám thuyền được một lúc rồi kêu cứu, sau đó tìm cách bơi vào bờ. May thay, một số người dân gần đó biết được đã dùng sào cứu bà Phương vào bờ, họ quay ra cứu bà Hộ thì không còn thấy đâu nữa.

Nhận được tin báo vụ tai nạn, các cấp chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng, bao gồm lực lượng tại chỗ, kết hợp lực lượng Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp tổ chức tìm kiếm thi thể các nạn nhân xấu số.

Đến ngày 9/1, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Hà Văn Quế và cháu Hà Thị Trâm, ngày hôm sau (10/11) thì mới tìm thấy thi thể bà Hà Thị Hộ, cách nơi gặp nạn gần 1km. Sau khi xác định chính xác danh tính các nạn nhân, chính quyền địa phương và người thân đã tổ chức lễ mai táng các nạn nhân theo phong tục địa phương.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, tại thời điểm chiếc thuyền chở gia đình ông Quế gặp nạn cũng là lúc nhà máy thủy điện Thành Sơn đang vận hành các tổ máy phát điện, do đó nước trên sông Mã đang dâng cao và chảy rất mạnh.

Ông Hà Văn Lâm, người lái đò tại bản Phé, cho biết: Mỗi ngày thủy điện xả nước vận hành hai lần, buổi sáng khoảng 8h sáng, buổi trưa là từ hơn 12h, những lúc như vậy nước sông Mã dâng cao hơn bình thường từ 1,5-2m và chảy mạnh.

Khi được hỏi, về mùa này mỗi khi thủy điện Thành Sơn vận hành tổ máy xả nước, người dân ở đây có được thông báo trước hay không? Ông Lâm khẳng định, chỉ có mùa lũ thủy điện xả nước mới có tiếng còi báo động, còn mùa này thì không có thông báo gì cả. Chúng tôi nhìn vào mức nước lòng sông là biết thủy điện Thành Sơn đang xả nước, vận hành, ông Lâm cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: Trên địa bàn xã Phú Xuân có 3 nhà máy thủy điện gồm, Nhà máy thủy điện Trung Sơn, Nhà máy thủy điện Thành Sơn và Nhà máy Thủy điện Huồi Xuân (xây dựng chưa xong). Khi được hỏi về nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên sông Mã có liên quan gì đến nhà máy thủy điện hay không?

Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho rằng, việc thủy điện xả nước vận hành là một trong những nguyên nhân, chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thủy điện. Bên cạnh đó, người dân cũng có phần chủ quan khi biết nước sông đã dâng cao nhưng vẫn tiếp tục đi thuyền qua sông.

Trong khi đó, ông Lộc Văn Hào – Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quan Hóa, cho biết: Thủy điện Thành Sơn xả nước vận hành tổ máy phụ thuộc hoàn toàn vào lịch trình và lưu lượng xả nước của nhà máy thủy điện Trung Sơn, vì thủy điện Thành Sơn không tích nước.

Theo quy định của Bộ Công Thương, trước khi xả nước vận hành các tổ máy, các nhà máy thủy điện phải phát tín hiệu cảnh báo cho người dân vùng hạ du. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhà máy thủy điện Thành Sơn chưa xây dựng hệ thống loa cảnh báo.

Về phía chủ sở hữu nhà máy thủy điện Thành Sơn, ông Trịnh Văn Bình – Phó Giám đốc, Công ty TNHH Hà Thành, xác nhận, ngày 8/1/2022, thủy điện Thành Sơn xả nước vận hành các tổ máy từ 9h-11h, với lưu lượng từ 200-220m3/giây. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, phía nhà máy thủy điện cũng đã biết được thông tin nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, chúng tôi chưa thăm hỏi các gia đình được, ông Bình cho biết thêm.

Ông Phạm Bá Oai – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sẽ kiểm tra lại thông tin việc Nhà máy thủy điện Thành Sơn chưa lắp hệ thống cảnh báo ở vùng hạ du.

Trần Thắng
.
.
.