Tiếng mõ tre “đẩy đuổi” tội phạm

Thứ Hai, 29/12/2014, 09:58
Từng là địa bàn trọng điểm về ma tuý, tội phạm trộm cắp tài sản hoành hành, gây bức xúc cho nhân dân, nhưng nay xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn từ thôn trên, xóm dưới người dân đều yên tâm lao động sản xuất. Đến Vi Hương dịp này, chúng tôi được “bật mí” về một mô hình giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) hiệu quả, đã được nhân rộng trên toàn bộ 9 thôn của xã. Đó là mô hình “Tiếng mõ an ninh”, mà điểm xuất phát ban đầu là từ thôn Bó Lịn.

Chỉ cách trung tâm thị xã Bắc Kạn khoảng 25km nhưng đường vào thôn Bó Lịn quanh co, ngoằn ngoèo và nhiều ổ gà nên xe ôtô chỉ đi chậm. Nắng vàng như rót mật xuống những cánh đồng lúa đã gặt hết, chỉ trơ lại gốc rạ, đôi chỗ để lại vết đen loang lổ do người dân đốt rơm. Nhà cửa, đường sá còn đơn sơ nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nhịp sống yên bình của bà con nơi đây. “Bó Lịn này có 45 hộ, 204 nhân khẩu thôi, đồng bào sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm…” – Trưởng thôn Phùng Đức Tuấn vui vẻ cho biết.

Theo ông, thời điểm những năm 2008 – 2011 tình hình tội phạm ma tuý ở xã Vi Hương rất phức tạp, số người nghiện ma túy tăng, nhiều tụ điểm mua bán ma túy hình thành, tập trung ở các thôn Nà Sang, Nà Chá, Địa Cát (giáp ranh với thôn Bó Lịn), nên ảnh hưởng đến ANTT ở Bó Lịn. Con nghiện ở các thôn, các địa phương lân cận tìm đến Bó Lịn để trộm cắp tài sản, sử dụng ma túy, đánh nhau… khiến người dân trong thôn không yên tâm lao động sản xuất, phải cắt cử người trông coi nhà cửa đề phòng kẻ gian trộm cắp.

Trước tình hình đó, Chi bộ thôn Bó Lịn họp bàn và xin ý kiến cấp ủy, chính quyền địa phương, mô hình tiếng mõ an ninh thôn Bó Lịn chính thức ra đời. Ngày 12/8/2011, Chi bộ thôn Bó Lịn ra nghị quyết thành lập mô hình “Tiếng mõ ANTT”, với thành phần tham gia là toàn thể quần chúng nhân dân trong thôn.

Trưởng thôn Phùng Đức Tuấn trao đổi với người dân thôn
Bó Lịn về cách sử dụng mõ tre.

Chiếc mõ tre nhìn thật đơn giản, vang lên những tiếng cộc cộc khô khốc, nhưng không ngờ lại hiệu quả đến vậy. Khi phóng viên thắc mắc tại sao lại chọn mõ tre mà không phải loại mõ nào khác, ông Tuấn lý giải: “Mõ được làm bằng cây tre, cây mai là nguyên liệu có sẵn tại địa phương, dễ làm, dễ sử dụng. Với mục đích phát ra âm thanh cảnh báo nhưng tù và làm bằng sừng trâu thì hiếm, kẻng hay chuông thì to và vang xa. Nên mõ tre là thứ thích hợp nhất vì tiếng kêu vừa đủ cho người dân trong thôn nghe thấy…”.

Cũng theo ông Tuấn, do địa hình trong thôn người dân sống tách rời, nhà nọ cách nhà kia nên tiếng mõ tre có tác dụng, đặc biệt là ban đêm yên tĩnh, nghe rất rõ. Khi mỗi nhà đều trang bị một chiếc mõ tre, có vụ việc xảy ra thì người dân sẽ gõ dây chuyền, khắp nhà trên, ngõ dưới đều nghe thấy. Về quy định ám tín hiệu của tiếng mõ, nếu gõ liên tục là báo động, gõ 2 tiếng một là báo hiệu khu vực xảy ra, gõ 3 tiếng một là báo hiệu có trộm cắp, gõ 4 tiếng một là báo hiệu có đánh nhau, gây mất trật tự công cộng, và gõ 5 tiếng một là báo hiệu có cháy, hỏa hoạn.

Trưởng thôn Phùng Đức Tuấn vẫn còn nhớ rất rõ lần một đối tượng ở xã khác mò vào quán tạp hoá của nhà ông Ngọc Văn Huyên ăn trộm (lúc này ông đã khoá cửa, về nhà gần đó để ăn cơm tối). Khi thấy bóng dáng tên trộm, ông Huyên đã dùng mõ tre gõ 3 tiếng một. Nghe tiếng mõ của ông Huyên, mõ của những nhà hàng xóm cũng gõ liên hồi, mọi người đổ xô ra đường, một lát sau ông Tuấn cùng tổ an ninh có mặt bắt giữ đối tượng. Rồi sự việc tháng 11 năm 2011, ở thôn Địa Cát xảy ra vụ cháy rừng. Khi nhận được tin báo của Ban Phòng cháy chữa cháy xã, Tổ trưởng an ninh thôn Bó Lịn đã dùng tiếng mõ huy động nhân dân trong thôn tập trung, sang thôn bạn tham gia giúp chữa cháy kịp thời, nên đám cháy được dập tắt ngay, không gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Mạc Thiêm Phan (56 tuổi), công dân thôn Bó Lịn phấn khởi tâm sự: “Mấy năm trước thôn tôi trộm cắp rất nhiều, đặc biệt là tình trạng con nghiện đi lang thang, thấy nhà dân sơ hở là ăn trộm gà, vịt. Từ ngày có mõ tre thì không còn nữa…”. Bên cạnh cái mõ tre nhỏ bé treo trước mỗi cửa nhà, lực lượng Công an viên thôn Bó Lịn cũng đã căn cứ hướng dẫn của Công an xã Vi Hương xây dựng kế hoạch tác chiến khu dân cư tự quản. Trong đó chia thôn Bó Lịn ra thành các cụm dân cư, phân công cụm trưởng và thành viên; phân công các hộ gia đình tại từng cụm theo 3 nhóm là lực lượng chốt chặn (xác định rõ địa điểm chốt chặn), lực lượng truy tìm, lực lượng tại chỗ, nhờ đó mà việc đảm bảo ANTT càng hiệu quả. “Khi tiếng mõ vang lên thì nhà này gõ, nhà kia cũng gõ, ở ngoài ngõ đã có bà con đón lõng rồi, lực lượng an ninh phối hợp truy lùng thì không trộm nào có thể thoát được, nhà báo ạ” – ông Phan giải thích thêm.

Năm 2013, tình hình trật tự, an toàn xã hội ở Bó Lịn ổn định, tệ nạn ma tuý giảm hẳn, chỉ có vài vụ trộm cắp vặt. Còn từ đầu năm 2014 đến nay địa bàn thôn không có vụ việc nào liên quan đến ANTT.

Ông Dương Văn Tập, Phó Chủ tịch UBND xã Vi Hương: “Từ khi mô hình tiếng mõ an ninh ra đời, nhân dân trong thôn yên tâm lao động sản xuất, không lo sợ tài sản bị trộm cắp như trước. Đặc biệt bà con nhân dân đoàn kết hơn, sẵn sàng vì cộng đồng, tự giác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, khi nghe tiếng mõ thì họ không phân biệt việc của nhà ai mà đều bảo nhau đến giúp…”. Chính nhờ hiệu quả của tiếng mõ mà tại Hội nghị nhân rộng mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn ANTT năm 2014 do Công an tỉnh Bắc Kạn tổ chức, “Tiếng mõ an ninh thôn Bó Lịn” đã được công nhận và triển khai nhân rộng trên toàn xã.
Quỳnh Vinh
.
.
.