21 ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh:

Tạm dừng hay cấp phép không cần điều kiện?

Chủ Nhật, 03/05/2015, 08:48
Từ 1/7, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, người dân sẽ được kinh doanh hàng loạt ngành nghề mới như: dịch vụ đặt cược; kinh doanh thiết bị phá sóng di động; mang thai hộ; vận chuyển vật liệu phóng xạ... Tuy nhiên, chỉ còn 2 tháng nữa Luật đi vào cuộc sống, mà điều kiện kinh doanh của 21/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư vẫn chưa có khiến các cơ quan quản lý và cấp phép kinh doanh lúng túng không biết tạm dừng hay cấp phép không cần điều kiện.

Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện có 21/267 ngành nghề đã đưa vào Luật Đầu tư nhưng tới nay chưa có điều kiện kinh doanh. Cụ thể như: kinh doanh pháo hiệu hàng hải; kinh doanh các loại pháo thuộc lĩnh vực quốc phòng; kinh doanh súng bắn sơn; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

Việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng Internet; kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin; kinh doanh dịch vụ thu hồi, vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ; dịch vụ mua bán nợ; dịch vụ đặt cược; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; dịch vụ ngân hàng mô; dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; phân loại trang thiết bị y tế; dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế; xuất, nhập khẩu và vận chuyển vật liệu phóng xạ…

Lĩnh vực kinh doanh quân trang, quân dụng nằm trong 21 ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, còn 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài; 35 ngành, nghề trong điều ước quốc tế quy định hạn chế mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam không hạn chế.

Trước đây, theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì quân trang, quân dụng là các mặt h àng cấm kinh doanh. Tương tự, theo Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9/5/2006 của Bộ Quốc phòng, đây là những mặt hàng cấm xuất nhập khẩu. Trong khi đó, Luật Đầu tư mới không xác định kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang là ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh nữa. Thay vào đó, Luật xác định đây là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Quy định nói trên của Luật Đầu tư cũng đương nhiên bãi bỏ quy định cấm tại Nghị định 59 và Quyết định 80, là những văn bản dưới luật. Nhưng đến nay, theo các cơ quan cấp phép đầu tư cũng như doanh nghiệp vẫn chưa có bất kỳ quy định nào về điều kiện kinh doanh quân trang, quân dụng. Hay như kinh doanh trò chơi bắn súng sơn. Trò chơi này vào Việt Nam từ năm 2008, với nhiều cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh mới này chưa có văn bản cụ thể quy định về điều kiện để được kinh doanh. Trước đó, tháng 8/9/2014, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an TP Hồ Chí Minh) đã kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi bắn súng sơn trên địa bàn. Kết quả, hầu hết các cơ sở không trình được giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho số súng bắn sơn đang kinh doanh.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội (Bộ KH&ĐT) cho biết: Trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vẫn còn có 21 lĩnh vực chưa xây dựng được điều kiện kinh doanh. Trước đây, việc xác định 1 ngành thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan nào rất khó. “Ở Việt Nam, bộ ngành nào cũng muốn quy định quyền ảnh hưởng của mình, ai cũng nhận mình liên quan và quy định nọ kia để quản lý. Nhưng khi có chuyện, nói trách nhiệm lại không phải của riêng ai, đùn đẩy”.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Nội băn khoăn: 21 lĩnh vực này giải quyết thế nào? Khi chưa có điều kiện kinh doanh, ai muốn kinh doanh trong lĩnh vực này cũng được hay là Chính phủ tạm dừng, không cấp phép những lĩnh vực này?

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng “không dừng lại được”. Theo TS Cung, việc quy định các điều kiện kinh doanh là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phải của người dân, doanh nghiệp. Cho nên khi chưa đưa ra được các điều kiện kinh doanh, người dân, doanh nghiệp vẫn có quyền làm. Nếu dừng lại là dừng vô thời hạn vì không có áp lực nào cả. Mặt khác, làm như vậy là vi hiến, trái luật.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nội cho biết thêm, hiện Cục Đầu tư nước ngoài đang rà soát và xin ý kiến các bộ, ngành về 128 ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài. “Những ngành nghề này nếu ngày 1/7 chưa có điều kiện kinh doanh sẽ xem như không có điều kiện, hoặc điều kiện như với nhà đầu tư trong nước. Không phải chưa có điều kiện là dừng cấp phép”, ông Nội nói. Với 21 lĩnh vực chưa có điều kiện kinh doanh (với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước), theo ông Nội, cũng chưa biết sau ngày 1/7 sẽ xử lý thế nào.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý; đồng thời quyết định hướng xử lý với ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh sau ngày 1/7.

Lưu Hiệp
.
.
.