Viết tiếp bài Tái định cư thủy điện, hành trình đằng đẵng tìm "an cư":

Nhiều nông dân trở thành 'con nợ' của ngân hàng

Thứ Sáu, 09/01/2015, 09:32
Do quy hoạch chồng chéo nên khi thủy điện Hương Điền tích nước đã làm ngập 101ha cao su và rừng kinh tế của người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Cây cao su chết hàng loạt khiến nhiều nông dân chỉ sau một đêm đã mất trắng tài sản, trở thành “con nợ” của ngân hàng. Đến nay, đã 3 năm trôi qua nhưng phía thủy điện Hương Điền vẫn chưa có động thái khắc phục hậu quả hay hỗ trợ, đền bù cho người dân...
>> Tìm lời giải cho bài toán tái định cư thủy điện

Đầu năm 2015, chúng tôi trở lại thôn Tứ Chánh (xã Phong Sơn, Phong Điền) và cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn lắm gian khó, cùng cực do bị nợ nần bủa vây, khi đã “trót lỡ” đầu tư vào cây cao su. Bên chén trà nóng, ông Nguyễn Văn Thắng (65 tuổi, trú thôn Tứ Chánh) rầu rĩ kể lại: Năm 2006, Phong Sơn là một trong những địa phương của Thừa Thiên - Huế được chọn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển cây cao su tiểu điền. Qua nhiều lần kiểm tra, đo đạc thực tế thì 123 hộ dân trong thôn và các thôn khác được chuyển giao gần 245ha đất đồi núi để trồng cao su. Sau đó được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi.

Cuộc sống của người dân thôn Tứ Chánh ngày càng khó khăn, nợ nần chồng chất do cây cao su bị thủy điện nhấn chìm.

“Ngoài số vốn trên 130 triệu đồng, vợ chồng tui còn vay mượn của ngân hàng thêm 36 triệu đồng để mua phân bón, thuê nhân công chăm sóc cho 1,85ha cao su. Thế nhưng, khi cây cao su đã được 4 năm tuổi thì đúng lúc thủy điện Hương Điền hoàn thành việc xây dựng và tích nước ở vùng lòng hồ khiến 1,5ha cao su của gia đình bị ngập úng hoàn toàn.

Chỉ 6 tháng sau, toàn bộ số cây cao su này bị thối rễ, rụng trụi lá rồi chết hết”, ông Thắng nhớ lại. Chung cảnh ngộ là gia đình ông Trần Bảo (50 tuổi, thôn Tứ Chánh). Để phát thực bì trồng 1,5ha cao su, vợ chồng ông Bảo đã bỏ ra 100 triệu đồng và vay thêm ngân hàng 46 triệu đồng. Thế nhưng sau 4 năm chăm sóc, vợ chồng ông Bảo bỗng rơi vào cảnh tay trắng và trở thành con nợ của ngân hàng. Bởi lẽ, 90% diện tích rừng cao su của gia đình ông Bảo cũng nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Hương Điền và bị nhấn chìm đến 2m khi tích nước…

Nhiều hộ dân ở xã Phong Sơn bức xúc phản ánh sự việc thủy điện Hương Điền gây ra nhiều hệ lụy.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng thôn Tứ Chánh thì nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng cao su của người dân “nằm trọn” trong lòng hồ thủy điện là do sự quy hoạch chồng chéo mà các cơ quan chức năng không lường trước. Cụ thể, năm 2005, bản đồ địa chính dự án thủy điện Hương Điền được đo vẽ, song do đơn vị chủ quản không tiến hành lập cột mốc phân định ranh giới nên sau đó, các cấp của UBND huyện Phong Điền tiến hành đo đạc, cấp đất trồng cao su chồng lấn lên diện tích lòng hồ thủy điện mà không hề hay biết. Đến khi cây cao su bị ngập chìm trong biển nước thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.

Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, khẳng định: “Hệ lụy hôm nay xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan từ phía thủy điện Hương Điền và đơn vị tham gia khảo sát, cấp đất trồng cao su cho người dân”.

Theo ông Nam, thời điểm năm 2010, khi thủy điện Hương Điền bắt đầu chặn dòng, tích nước dưới cao trình 35m đã gây chìm ngập 5ha cao su. Đến tháng 11/2011, khi thủy điện tích nước đạt cao trình cao nhất là 58,17m thì toàn bộ 65ha rừng cao su và 36ha rừng kinh tế của 105 hộ dân ở các thôn: Tứ Chánh, Công Thành, Thanh Tân, Sơn Quả, Hiền Sĩ, Phe Tư của xã Phong Sơn bị ngập toàn bộ. Việc này gây tổng thiệt hại cho nông dân trên 6 tỷ đồng.

“Không những trên 100 hộ dân trong xã nợ tiền tỷ của ngân hàng vì cây cao su bị ngập úng, chết hàng loạt mà việc thủy điện Hương Điền tích nước còn khiến sông, ngòi trên địa bàn khô hạn. Mấy năm nay, để cứu sống 400ha lúa thì vào mỗi vụ mùa, xã phải huy động hàng chục máy bơm chạy liền tù tì nhiều ngày đêm để cấp nước. Gây ra nhiều hệ lụy là vậy nhưng phía thủy điện Hương Điền lại bất hợp tác trong quá trình xử lý hậu quả và đùn đẩy, chối từ trách nhiệm”, ông Nam bức xúc nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền bày tỏ: Sau nhiều lần tổ chức họp bàn, cuối năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định trích 3 tỷ đồng, UBND huyện chi thêm 2 tỷ đồng để hỗ trợ mỗi hộ dân là 111,7 triệu đồng/ha cao su và 53 triệu đồng/ha rừng kinh tế bị ngập chìm ở lòng hồ thủy điện Hương Điền.

Nói về trách nhiệm của thủy điện Hương Điền khi đã gây ra hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương, ông Vui cho rằng, UBND huyện Phong Điền đã có nhiều buổi làm việc với phía nhà máy thủy điện Hương Điền, nhưng đến nay, phía thủy điện vẫn chưa thống nhất phương án hỗ trợ đền bù cho người dân Phong Sơn.

“Tới đây, huyện sẽ chuyển 85ha đất ở khu vực ven thủy điện Hương Điền để người dân Phong Sơn tiếp tục trồng rừng cao su. Qua đây, rất mong phía ngân hàng và các cấp tạo điều kiện khoanh nợ cho người dân để bà con tiếp tục được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế”, ông Vui thở dài.

Thủy điện Hương Điền được đầu tư xây dựng trên sông Bồ (thị xã Hương Trà) với số vốn hơn 1.620 tỷ đồng, dung tích hồ chứa 820 triệu m³; công suất lắp máy 81MW gồm 3 tổ máy, cung cấp vào điện lưới quốc gia sản lượng điện bình quân trên 300 triệu KWh/năm. Ngày 10/10/2010, thủy điện Hương Điền tích nước, vận hành tổ máy số 1. Đây cũng chính là thời điểm thủy điện bắt đầu gây ngập úng rừng cao su của người dân Phong Sơn.
Anh Khoa
.
.
.