Nghĩa cử của người dân đất Mỏ giữa đại dịch

Thứ Năm, 19/03/2020, 08:10
Giữa tình hình đại dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, cùng chung tay với các cấp chính quyền và ngành chức năng, nhiều cá nhân và tập thể ở Quảng Ninh san sẻ những khó khăn, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh…


Bắt đầu công việc may khẩu trang từ nhiều ngày nay, hàng ngày sau khi hoàn thành các công việc, chị Nguyễn Thị Hà ở TP Móng Cái lại cùng một số Hội viên trong Hội Phụ nữ làm nghề may mặc tập trung để cắt vải và may khẩu trang tặng cho mọi người. 

Để đảm bảo yêu cầu vệ sinh cũng như thẩm mỹ, chị Hà cùng các đồng nghiệp cẩn thận chọn những loại vải mềm mịn, thoáng khí, có màu sắc nhã nhặn. Sản phẩm phù hợp với đa số người sử dụng, dù là nam hay nữ, trẻ em hay người lớn tuổi…

Bà Lê Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ TP Móng Cái cho biết, trước nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân, Hội đã vận động hội viên làm nghề may tận dụng những đoạn vải dư để may khẩu trang vải tặng cho hội viên và nhân dân… Khi biết được việc làm ý nghĩa, nhiều người đã cảm động và gửi ủng hộ vải để làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó chỉ trong thời gian ngắn đã có 2.600 khẩu trang vải được may xong, giặt sạch, khử khuẩn phát tặng cho mọi người. Sản phẩm có thể sử dụng lâu dài, giảm chi phí, hạn chế lượng rác thải môi trường.

Hội viên Hội Phụ nữ TP Móng Cái may khẩu trang phát miễn phí.

Bà Lê Thanh Nhàn khẳng định, việc phát động phong trào may khẩu trang vải, tặng khẩu trang cho nhân dân của các cấp hội phụ nữ Móng Cái không chỉ góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, mà còn nhân rộng, lan tỏa tinh thần sẻ chia, quyết tâm đẩy lùi đại dịch…

Cũng với mong muốn tất cả người dân cùng tham phòng tránh dịch bệnh, nhất là bà con dân tộc ở vùng sâu điều kiện kinh tế còn khó khăn, Hội LHPN huyện Tiên Yên cũng đã vận động Hội viên may gần 2.000 khẩu trang vải để phát cho các em học sinh, người dân các thôn, bản trên địa bàn huyện.

Trước tình cảm cũng như trách nhiệm với cộng động của cụ Lãnh và gia đình, bà Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy cảm động cho biết, đây thực sự là hành động đẹp vô cùng trân trọng, khiến mọi người có thêm động lực chống lại dịch bệnh…

Có thể thấy, trong những ngày qua, từ khi xuất hiện dịch bệnh, cùng với các Hội viên Hội Phụ nữ còn có rất nhiều tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các địa cũng tham gia phòng chống dịch theo cách riêng của mình. Hay như cụ Lãnh dù ở tuổi gần đất, xa trời nhưng vẫn đem sức mọn của mình chung tay cùng cộng đồng chống dịch.

Còn đối với các doanh nghiệp, trong khi hoạt động sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn thì cũng sẵn sàng bỏ qua lợi ích kinh tế để cùng địa phương chống dịch. Điển hình là Khách sạn Bảo Minh Radiant, ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Với mong muốn sẻ chia khó khăn với tỉnh Quảng Ninh, chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Khách sạn Bảo Minh Radiant đã tiên phong trở thành khu cách ly y tế cho những du khách nước ngoài đến từ vùng dịch khi trở lại Việt Nam.

Theo đó từ 1/3 đến nay, Bảo Minh Radiant tiếp tục đón 157 khách trên các chuyến bay từ Hàn Quốc nhập cảnh về Vân Đồn, trong đó có 129 khách quốc tịch Hàn Quốc. Tính theo tiêu chuẩn 4 sao, giá phòng của khách sạn thường dao động từ 1,4-2 triệu đồng/ngày, thời điểm hoạt động hết công suất, mỗi ngày bình quân doanh thu thấp nhất cũng trên 120 triệu đồng. Trong khi đó, tiền ăn 3 bữa/ngày theo quy định của tỉnh là 180 nghìn đồng/người cách ly. Thế nhưng, toàn bộ chi phí tiền phòng, tiền ăn, dịch vụ giặt là của 157 khách cách ly tại đây đều được khách sạn miễn phí, với tổng số số tiền dự tính khoảng 2,3 tỷ đồng.

Bà  Bùi Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Khách sạn Bảo Minh Radiant, cho biết, khi TP Hạ Long đề xuất hỗ trợ do địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm khu cách ly y tế cho những hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch… 

Theo đó, để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hành khách trong thời gian cách ly, các nhân viên của khách sạn làm việc liên tục 3 ca, phục vụ đầy đủ 3 bữa ăn/ngày. Các bữa ăn đều được chế biến theo đúng khẩu vị của du khách với đầy đủ đồ ăn của Ấn Độ, đồ Âu, đồ ăn chay cho đến cơm Nhật. 

Công tác dọn dẹp phòng được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế. Các đơn vị chức năng cũng sẽ thực hiện kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày đối với những hành khách trong khách sạn. Đến nay, sức khỏe của khách thực hiện cách ly tại khách sạn đều ổn định.

Khai trương khách sạn vào tháng cuối năm 2019, với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đáp ứng tiêu chuẩn 4 sao, khách sạn Thái Sơn, cùng ở phường Hùng Thắng, hoạt động được ít ngày thì dịch COVID-19 bùng phát, khiến cho doanh thu của khách sạn sụt giảm nghiêm trọng. Góp phần giảm gánh nặng với tỉnh, khách sạn cũng quyết định dành toàn bộ 139 phòng cho công tác cách ly y tế và giảm 50% giá phòng cho hơn 100 khách đang thực hiện cách ly y tế.

Không chỉ có Bảo Minh Radiant, Thái Sơn mà hiện còn có gần 10 cơ sở lưu trú khác trên địa bàn cũng đang đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện công tác cách ly y tế đối với những người từ vùng dịch trở về. Khi tiếp nhận khách từ vùng dịch đến cách ly, nhiều nhân viên khách sạn cũng tình nguyện cùng cách ly để phục vụ khách. 

Đây là những việc làm đầy ý nghĩa và thể hiện trách nhiệm cao của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đối với xã hội. Đó thực sự là những “liều thuốc tinh thần” quan trọng, giúp tăng “sức đề kháng” cho mỗi người dân khi đối mặt thách thức và vượt qua cơn hoạn nạn.

V. Huy
.
.
.