Gấu chết mòn vì không được chăm sóc đúng cách

Thứ Bảy, 24/01/2015, 11:50
Tiều tụy, mất chi, đói khát, trên mình đầy những vết thương hở, trán trụi lông, đầu lắc liên tục và cọ vào thành lồng một cách buồn chán là những cảnh tượng đau lòng khi bác sĩ, chuyên gia thú y của Tổ chức Động vật châu Á cùng đoàn công tác chuyên trách của tỉnh Quảng Ninh đến thăm khám lâm sàng tại 3 trại gấu trên địa bàn thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
>> Gấu nuôi nhốt ở Quảng Ninh chết hàng loạt

Khi cơ quan chức năng làm gắt gao, nhu cầu mua mật gấu và các sản phẩm từ gấu sụt giảm rõ rệt, cũng là lúc chủ nuôi gấu bỏ đói, mặc cho những con vật này tàn tạ trong cũi sắt tới chết.

Gấu chết và bị thương hàng loạt

Tháng 11/2014, nhóm chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á với đại diện là TS. Tuấn Bendixsen - Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam, TS. Joost Philippa – bác sĩ thú y cao cấp của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, Hạt Kiểm lâm TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên tới trại gấu của ông Nguyễn Trọng Bờ, ở Cầu Trắng, phường Đại Yên; ông Phùng Văn Hải, ở phường Hà Khẩu, đều ở TP Hạ Long và ông Nguyễn Thanh Nhượng, ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, để đưa ra đánh giá sức khỏe sơ bộ của các cá thể gấu bằng phương pháp quan sát lâm sàng.

Một chú gấu bị cụt chân tại trang trại của ông Hải.

Kết quả, hầu hết gấu đều suy dinh dưỡng nặng; 100% bị sừng hóa ở các lòng bàn chân bàn tay; 77% có vết thương trên cơ thể, gây chảy mủ; 37,5% gấu có vấn đề về răng; 16,7% bị cụt ít nhất một chi; 14,6% bị mất ít nhất một móng tay, móng chân hay ngón tay, ngón chân.

Trại gấu của ông Nguyễn Trọng Bờ đang nuôi 27 cá thể gấu, mặc dù các báo cáo gần đây cho hay, số lượng gấu phải lớn hơn (35 cá thể), như vậy một số gấu đã bị chết. Điểm thể trạng trung bình của gấu ở trại này ở mức 1.1; 5 cá thể gấu nằm trong nhóm gầy ốm; 74% gấu có các vết thương có thể nhìn thấy được... Theo Tổ chức Động vật châu Á, gấu ở trại này đã bị bỏ đói trầm trọng, bị căng thẳng, suy giảm hệ miễn dịch...

Cũng theo tổ chức này thì từ tháng 11/2014 đến nay, đã có 12 cá thể gấu chết, trong đó có 4 cá thể gấu chết tại trang trại của ông Bờ và 8 cá thể gấu tại trang trại của ông Phùng Văn Hải (thậm chí, trong sáng 8/1, có 4 cá thể gấu của trại ông Hải chết cùng lúc). Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có phải các chủ trại gấu đang cố tình giết gấu để bán bộ lông, chân, tay… hay không? Nguy cơ tử vong đối với nhóm gấu còn lại này là rất cao, gây ra những hệ quả rất tiêu cực đối với công tác bảo tồn.

Cứu và bảo tồn khẩn cấp loài gấu nuôi

Tổ chức Động vật châu Á đã gửi 3 công văn báo cáo tới Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT đề nghị sớm có các biện pháp xử lý kịp thời thu hồi số gấu nói trên đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam để chăm sóc, điều trị. TS Jill Robinson MBE, sáng lập viên, kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tổ chức Động vật châu Á cho rằng: "Đây là vấn đề sống còn đối với gấu ở Quảng Ninh. Nguy cơ gấu chết ngày càng nghiêm trọng nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc". Ngày 23/1, phóng viên Báo CAND đã liên hệ với Cục Kiểm lâm thì được biết, hiện Cục này đã có công văn yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh và Kiểm lâm vùng 1 tổ chức kiểm tra ngay thực trạng trên.

Việt Nam hiện có khoảng dưới 2.000 cá thể gấu đang được nuôi nhốt trong các trại nuôi nhốt trên cả nước. Tổ chức Động vật châu Á đã bắt đầu cứu hộ gấu ở Việt Nam cách đây 8 năm và đưa chúng về sống ở Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Theo TS. Tuấn Bendixsen, Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, hiện có 110 cá thể gấu đang được cứu hộ tại đây. Ngoài ra, Trung tâm vừa xây dựng thêm 4 khu hoang dã mới, khiến Trung tâm có thể nuôi dưỡng được 200 cá thể, thừa chỗ cho số gấu ở Quảng Ninh nếu được cứu hộ về đây. Trung tâm đã đề xuất với Cục Kiểm lâm sẽ tài trợ toàn bộ công tác cứu hộ, cử chuyên gia mang lồng xuống tận các trang trại để chở gấu về Tam Đảo cứu hộ nếu được nhà nước cho phép.

Theo quy định thì Nhà nước không bồi thường khi thu hồi các cá thể gấu, trong khi các hộ nuôi gấu lại không muốn giao chúng cho Nhà nước để đưa về Trung tâm cứu hộ. Lý do của các hộ này là, số tiền họ bỏ ra mua và nuôi chúng quá lớn, nếu Nhà nước thu hồi thì phải bồi thường ở mức thỏa đáng. Thiết nghĩ, để cứu sống và bảo tồn loài gấu, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc.

Trước mắt, cần có can thiệp y tế thú y và quản lý lâu dài để chữa trị các vết thương cho chúng. Đặc biệt là quản lý làm sao để gấu không bị chết. Theo quy định, khi gấu chết, chủ trang trại phải báo với cơ quan kiểm lâm để cơ quan này tiến hành kiểm tra, đưa xác gấu đi tiêu hủy. Do vậy, phải thường xuyên thanh, kiểm tra, quản lý chặt chẽ, tránh việc cố tình bỏ đói gấu đến chết để bán các bộ phận cơ thể gấu. Đặc biệt, phải tìm ra giải pháp để bảo tồn những cá thể gấu đang được nuôi dưỡng sao cho hợp lý nhất.

Trần Hằng
.
.
.