Dịch vụ công nghệ thông tin "nhạy cảm": Vi phạm vẫn tràn lan

Thứ Tư, 23/09/2009, 09:19
Thời gian qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ CNTT. Trong đó, "nóng" nhất vẫn là chuyện phát tán tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, khuyến khích đánh bạc; công khai bán các thiết bị nằm trong danh mục cấm lưu hành. Nguy hiểm hơn, một số tổ chức và cá nhân còn lợi dụng mạng Internet để thành lập blog, website tuyên truyền các hoạt động chống phá Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Quản lý lỏng lẻo, vi phạm vẫn tràn lan

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có gần 5.000 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ CNTT nhưng nhiều doanh nghiệp không có đủ năng lực hoặc chỉ hoạt động trên danh nghĩa. Do vậy, đã cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng cam kết, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của khách hàng.

Cũng theo ông Tuyền, qua công tác khảo sát và đánh giá cho thấy, ở loại hình dịch vụ nào cũng còn nhiều bất cập và xuất hiện sai phạm. Hầu hết các DN cung cấp dịch vụ tư vấn CNTT hiện nay đều chưa có nghiệp vụ về CNTT nên chất lượng tư vấn thấp dẫn đến việc công trình tư vấn không đạt yêu cầu.

Việc lựa chọn DN cung cấp dịch vụ cho cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn còn thiếu minh bạch, nhiều DN sử dụng phương thức "quân xanh, quân đỏ" nhằm giành được hợp đồng trong khi những DN làm ăn chân chính lại gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường cung cấp các dịch vụ cho cơ quan Nhà nước…

Các dịch vụ CNTT nhạy cảm sẽ được Bộ TT&TT đưa vào danh mục riêng và quản lý chặt.

An toàn bảo mật mạng thông tin là một lĩnh vực được đánh giá là quan trọng, nhưng do quản lý lỏng lẻo nên thời gian qua, trên thị trường Hà Nội và TP HCM đã xuất hiện việc một số DN bày bán công khai các loại thiết bị viễn thông nghe trộm và phá sóng điện thoại, vi phạm quy định và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều sai phạm của cả tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số.

Trong đó, nóng nhất vẫn là các DN lợi dụng việc cung cấp thông tin số để vi phạm quy định của pháp luật như phát tán các nội dung lừa đảo và tuyên truyền về mê tín dị đoan cũng như văn hoá phẩm đồi trụy qua tin nhắn và email; quảng cáo các trò chơi trúng thưởng mang tính đỏ đen, khuyến khích chuyện "đánh bạc" qua các kênh truyền hình giải trí.

Mới đây, dư luận đang xôn xao về câu chuyện của một cháu bé đã dùng điện thoại của chú ruột mình là anh Nguyễn Mạnh Hưng (Đồng Nai) để nhắn tin tham gia trò chơi có thưởng mang tên "Chiếm hữu" trên Đài PTTH của tỉnh. Sau 3 ngày nhắn tin liên tục, cháu bé này đã trúng thưởng 1 phần quà trị giá 2 chỉ vàng nhưng với hơn 1.400 tin nhắn tham gia trò chơi (mỗi tin trị giá 15.000 đồng), người chú đã phải trả tiền cước phí hơn 19 triệu đồng.

Thậm chí, nguy hiểm hơn, trong thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân đã lợi dụng mạng Internet để lập blog, các trang web nhằm mục đích xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Kinh doanh có điều kiện

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật CNTT được Quốc hội ban hành năm 2006, có hiệu lực từ đầu năm 2007 chỉ đề cập đến 10 loại dịch vụ CNTT. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay đã xuất hiện thêm rất nhiều loại hình dịch vụ mới, trong đó có cả những loại hình dịch vụ rất nhạy cảm mà nếu cơ quan chức năng không quản lý được, để kẻ xấu lợi dụng thì có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, thậm chí cả an ninh quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Hồng, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật CNTT.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó Vụ CNTT, Bộ TT&TT, một thành viên của Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về dịch vụ CNTT cho biết: Khi CNTT phát triển thì hành vi lợi dụng công nghệ nhằm phá hoại cũng ngày càng gia tăng và tinh vi. Những hành vi này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của các cá nhân, tổ chức, DN và cơ quan Nhà nước, thậm chí có thể phương hại đến an ninh quốc gia

Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về dịch vụ CNTT sẽ đưa ra những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn các hành vi này. Theo đó, các loại dịch vụ nhạy cảm (dịch vụ cho thuê không gian lưu trữ thông tin số, dịch vụ an toàn bảo mật mạng thông tin và dịch vụ nội dung thông tin số) sẽ được liệt vào loại các dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Sẽ có danh mục một số dịch vụ CNTT mà khi DN đăng ký kinh doanh phải có các điều kiện ràng buộc kèm theo. Ví dụ, ngoài việc phục vụ các mục đích an ninh, quốc phòng, DN chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các thiết bị viễn thông để theo dõi hoặc phá sóng điện thoại khi có sự đồng ý của Chính phủ và Bộ TT&TT.

Hoàng Mai
.
.
.