Mắc bẫy chuyên án kiếm tiền siêu lợi nhuận:

Cái giá đắt của lòng tham

Thứ Ba, 20/07/2021, 15:19
Dù đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, song danh sách nạn nhân chưa dừng lại.  Mới đây, hàng trăm nhà đầu tư lại “dính chưởng” các sàn Emaeh.com (Amhe), Vscn6.com, Vant6.com... khi được mời chào hưởng lãi suất gấp hàng vài chục lần số vốn ban đầu bỏ ra để “đi chuyên án”. 


Chuyện sập bẫy sàn đa cấp Forex không mới, và dù đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, song danh sách nạn nhân chưa dừng lại. 

Mới đây, hàng trăm nhà đầu tư lại “dính chưởng” các sàn Emaeh.com (Amhe), Vscn6.com, Vant6.com... khi được mời chào hưởng lãi suất gấp hàng vài chục lần số vốn ban đầu bỏ ra để “đi chuyên án”. Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng thì những đối tượng mời chào này đã “lặn không sủi tăm”.

Mất trăm triệu vì “đi chuyên án”

Trong đơn tố cáo gửi đến báo chí, chị Nguyễn Thị H. (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tức tưởi kể về trải nghiệm dại dột dẫn đến mất trắng hàng trăm triệu đồng của mình chỉ vì nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của các đối tượng trên mạng xã hội. 

Cụ thể, ngày 9/7 vừa qua, khi đang “lướt” Facebook, chị H. thấy một bài viết quảng cáo với nội dung “Hướng dẫn kiếm tiền online tại nhà mùa dịch”. 

Nhấn vào đường link để lại trong bài viết để tham gia, ngay lập tức, xuất hiện 1 tài khoản Zalo có tên “Cô Mai” chủ động inbox và hướng dẫn chị H. tham gia vào sàn giao dịch chứng khoán AMHE tại website Emaeh.com. 

“Cô Mai” yêu cầu chị nạp 500.000 đồng vào tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản tên Nguyen Ngoc Anh. Sau khi nạp tiền, “cô Mai” lại giới thiệu chị H. kết nối tài khoản zalo có tên “Thầy Trình Leader” để được hướng dẫn cách chơi và chơi thắng 333.000 đồng. 

“Thầy Trình” lại giới thiệu chị H với tài khoản Zalo DVKH emaehcom (Dịch vụ khách hàng) để rút tiền lời về. 

Chị H. nhận được số tiền 319.000 đồng từ số tài khoản của Mai Huu Khoa. Sau đó, chị H. tiếp tục chơi thêm 2 lần nữa trên website Amaeh và lần này, theo quy định trong nhóm của “thầy Trình”, chị H. không được rút tiền lãi về nữa.

Thấy cá đã cắn câu, đến chiều 9/7, đối tượng tự xưng “thầy Trình” gọi cho chị H. qua Zalo, dụ chị tham gia vào “chuyên án” riêng cùng đối tượng. 

“Trình giới thiệu với tôi rằng đây là chuyên án 3 năm mới có 1 lần, nhân dịp sinh nhật 3 năm thành lập công ty và sẽ được bảo hiểm 100%, không có rủi ro. Do sự tham lam nên tôi đã chuyển tiền để tham gia gói chuyên án 35 triệu đồng và Trình tư vấn” - chị H. kể lại. 

Tuy nhiên, sau 5 phút hướng dẫn chị H chơi thì đối tượng thông báo rằng dữ liệu, nếu tiếp tục chơi sẽ thua hết, yêu cầu chị H. tiếp tục nạp thêm tiền vào đề “bù dữ liệu đã mất”. 

Ngày 10/7, chị H. lại tiếp tục chuyển số tiền hơn 20 triệu để “gỡ”. Sau khi được đối tượng Trình thông báo tổng số tiền đã nạp vào là 55 triệu đồng, nên lãi suất thắng đủ là 467,5 triệu đồng, chị H. lại được yêu cầu nạp 10% phí số tiền nhờ đánh thắng thì mới cho rút tiền lãi về. 

Tiếp tục chuyển 46,7 triệu đồng, nhưng khi chị H. thực hiện lệnh rút tiền thì được thông báo tài khoản chị bị lỗi do thực hiện rút tiền lỗi thao tác, yêu cầu tiếp tục chuyển 8% để hệ thống vào xử lý tài khoản. Đâm lao phải theo lao, chị H. lại tiếp tục chuyển khoản số tiền 37,3 triệu đồng để đóng phí xử lý tài khoản hộ. 

Chưa dừng lại ở đó, tài khoản DVKH emaehcom tiếp tục yêu cầu chị đóng thêm 6% để đóng phí rút nhanh cho công ty. 

“Lúc này tôi mới nghi ngờ mình bị mắc bẫy lừa nên không đồng ý đóng thêm phí nữa. Tôi yêu cầu bên dịch vụ khách hàng và đối tượng làm bảo hiểm vốn, trả lại số tiền tôi đã đóng nhưng chúng không đồng ý. Các đối tượng thông báo rằng tôi có 3 ngày để đóng phí, nếu không sẽ bị khóa tài khoản” - chị H. đau khổ chia sẻ.

Đừng để lòng tham dẫn lối

Chị H. không phải là nạn nhân duy nhất của trò lừa đảo “đi chuyên án” nói trên. Trong danh sách nạn nhân, hàng loạt người nhẹ dạ cũng mất tiền như chị Trần Thị Thu T. (ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng bị lừa mất 43 triệu đồng cùng vào ngày 9 và 10/7. 

Chị Đào Thị N. (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị mất 77 triệu đồng; chị Nguyễn Thị L. (Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) mất 78 triệu đồng; anh Phạm Quốc K. (phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mất 22 triệu đồng; Chị Trần Thị Út H. (xã Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội) bị lừa 65,5 triệu đồng; Võ Văn H. (Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh) bị lừa 22 triệu đồng; chị Nguyễn Thị T. bị lừa 149 triệu đồng; anh Lại Thế T (Vĩnh Phương, Nha Trang, Khánh Hòa) bị lừa gần 135 triệu đồng...

 “Đi chuyên án”- nghe thì có vẻ mới nhưng theo các chuyên gia, đây là một hình thức biến tướng của lừa đảo đầu tư Forex, đa cấp trên mạng. Trước đó, hàng loạt công ty đầu tư Forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…, song vẫn có nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui. 

Điều đáng nói, hiện các giao dịch này chủ yếu diễn ra qua mạng, nên việc xử lý là rất khó. Nhận diện dấu hiệu lừa đảo không hề khó, song mấu chốt của vấn đề là sự nhẹ dạ, lòng tham khiến nhiều người mờ mắt. 

Chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh khuyến nghị nếu được chào mời với mức lợi nhuận gấp 3 ngân hàng là phải cảnh giác. 

Ngoài việc mỗi người phải nâng cao nhận thức của bản thân, kiểm soát lòng tham, cảm xúc trước những mời chào hấp dẫn của những tay lừa đảo, thì hiện nay, pháp luật dù đã quy định khá nhiều về xử phạt các loại hình này, nhưng cần phải được cập nhật để thích ứng với sự biến thể với nhiều phiên bản lừa đảo ngày càng mới, nhằm ngăn chặn loại tội phạm trên. 

Các cơ quan chắc năng phải nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các hình thức lừa đảo ngày càng lắt léo, phức tạp dạng này, đồng thời mạnh tay xử lý, có chế tài mạnh mẽ góp phần răn đe và dập tắt những manh nha lợi dụng tình thế khó khăn, cũng như lòng tham của người khác để trục lợi. 

“Hiện số lượng vụ xử lý được là khá nhỏ, nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để lại đẻ ra dự án khác, tiếp tục đi lừa”, ông Khánh cho biết.


Hà An
.
.
.