Bài cuối: Giáp mặt súng sát thương ở chợ Cốc Lếu

Thứ Hai, 07/09/2015, 10:12
Chợ Việt Nam (chợ của người Việt Nam ở Hà Khẩu, Trung Quốc) cách trung tâm thành phố Lào Cai (Lào Cai) không xa…, các loại công cụ hỗ trợ, trong đó có súng nhựa (súng giả) được bày bán công khai. Nếu có nhu cầu, người mua chỉ cần làm thủ tục xuất cảnh sang đường biên, có thể dễ dàng lựa chọn.

Với đường biên giới dài 185,7km, nhiều cửa khẩu tiểu ngạch, buôn bán thông thương giữa hai nước, địa bàn rộng, địa hình miền núi hiểm trở, việc kiểm soát của lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn... Tình trạng trên cũng là thực trạng đang diễn ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn hay Móng Cái (Quảng Ninh).

Để tận mục sở thị, chúng tôi theo chân các cán bộ Đội quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh Lào Cai có mặt chợ Cốc Lếu, một trung tâm thương mại sầm uất của tỉnh Lào Cai.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, quãng đường từ Hà Nội – Lào Cai rút ngắn xuống còn một nửa, lưu lượng khách đến với Lào Cai vì thế cũng gia tăng; chợ Cốc Lếu cũng là một trong những điểm khách du lịch thường xuyên lui tới…

Thiếu tá Lê Thị Tám, Đội trưởng Đội quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chia sẻ: Ngoài các loại vũ khí thô sơ có khả năng sát thương cao như dùi cui điện, kiếm…, các loại súng nhựa cũng là một trong những mặt hàng khách du lịch có nhu cầu mua sắm cao. Trong khi đó, chế tài xử lý hành chính đối với hành vi này quá thấp so với mức lãi suất thu được nên một số cửa hàng vẫn lén lút hoạt động. Để tránh sự phát hiện, các đối tượng có hàng trăm thủ đoạn trốn tránh. Khách có nhu cầu mua hàng phải thông qua một đối tượng môi giới. Sau khi nhận tiền, đối tượng lấy số điện thoại  rồi chủ động liên lạc lại…

Các loại súng nhựa có mẫu mã giống như thật.

Không dừng lại ở đó, chúng cho hệ thống chân rết là đội ngũ xe ôm, chuyên đi chở hàng, nắm bắt xem có phải đó là khách du lịch hay không? Khi cảm thấy có đủ độ tin cậy, các đối tượng mới giao hàng. Địa điểm lựa chọn thường là khu vực đông người qua lại như bến xe, bến tàu… Để an toàn, các đối tượng còn giao hàng vào thời điểm trước khi xe ô tô hoặc tàu chuyển bánh. Trong các trường hợp này, chúng gom hàng trong các nhà dân.

Ngày 12/2, tại số nhà 54 đường Hưng Hóa, phường Duyên Hải, TP Lào Cai, Phòng PC64, Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra phát hiện chủ nhà là Phạm Thị Thu Hà (45 tuổi, trú tại địa chỉ trên) có hành vi mua bán vũ khí thô sơ. Vào thời điểm kiểm tra có 4  súng nhựa bắn đạn bi (đồ chơi nguy hiểm), 1 súng bắn điện, 2 dùi cui điện, 6 dùi cui điện hình đèn pin…

Trong vụ việc này, Hà bị xử lý hành chính với hai hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, với tổng số tiền là 19 triệu đồng. Thiếu tá Lê Thị Tám cho biết, thời gian gần đây, Đội quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tăng cường kiểm tra tại chợ, sau đó tổ chức bắt tại nhà, đồng thời phối hợp với Ban quản lý chợ Cốc Lếu tiến hành xử lý thường xuyên nên các chủ cửa hàng cũng có phần cảnh giác hơn... Anh em trong tổ, trong quá trình làm việc phải tiến hành xã hội hóa để nắm bắt tình hình.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng phòng PC64, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Số đồ chơi trẻ em bạo lực chủ yếu là súng nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc. Kiểu dáng các loại súng này hầu hết là súng ngắn, bắn đạn nhựa, nhìn như súng thật, được bán với giá 60 – 80 nghìn đồng/chiếc.

Loại súng dùng đạn nhựa này có lực bắn rất mạnh, thậm chí có thể gây thương tích nghiêm trọng trong trường hợp bị trúng đạn ở cự ly gần. Dù vậy, trẻ em vẫn tỏ ra thích thú vì kiểu dáng bắt mắt của loại súng trên. “Có cầu ắt có cung”, tâm lý của khách du lịch muốn mua về để phòng thân, mua làm quà biếu… dù họ biết đó là hành vi vi phạm.

Thời điểm cận kề Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng súng giả có xu hướng tăng cao. Nắm bắt được tâm lý đó, hiện nay nhiều đối tượng găm hàng, chờ thời cơ. Những vụ việc được Công an các tỉnh phối hợp với tổ liên ngành phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua là một minh chứng cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với những quy định cụ thể...

Tuy nhiên, bất chấp sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các loại súng đồ chơi này vẫn được mua bán, lén lút trên thị trường. Điều đáng nguy hiểm hơn cả là khi mục đích sử dụng của chúng đã bị biến đổi... Để phòng ngừa, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi người dân cũng phải có ý thức cảnh giác. Khi phát hiện các trường hợp mua bán, sử dụng súng nhựa, súng giả..., cần thông báo tới cơ quan chức năng.

Ở đường biên, các lực lượng Công an, biên phòng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Tại các khu chợ, ban quản lý cần vận động các hộ kinh doanh cam kết không buôn bán, tàng trữ các loại đồ chơi bạo lực nhằm phòng ngừa tội phạm sử dụng đồ chơi bạo lực gây án. Bên cạnh đó, mỗi người dân không mua, bán sử dụng thì các đối tượng sẽ không còn "đất" để hoạt động.

Xuân Mai
.
.
.