Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bộ phim

Thứ Hai, 06/05/2024, 20:00

Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”… Đã 70 năm trôi qua, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn nguyên là niềm tự hào của người Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng, đề tài khai thác của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.

Không nằm ngoài dòng chảy lấp lánh đó, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bộ phim -0

Chiến thắng Điện Biên Phủ được ví như một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến công vang dội ấy là kết tinh sức mạnh của quân và dân cả nước cùng tinh thần, ý chí quật cường. Biết bao câu chuyện cảm động, biết bao con người giản dị mà vĩ đại của chiến dịch lịch sử đã đi vào văn học, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật… với cảm xúc bất tận. Tận dụng ưu thế của loại hình nghệ thuật được ví như tổng hòa của hình ảnh, âm thanh, cốt truyện văn học… và hấp dẫn đông đảo công chúng, nhiều nhà làm phim Việt Nam đã chọn chiến dịch Điện Biên Phủ là miền sáng tạo trong tác phẩm của mình. Họ đã góp phần mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực, sinh động về những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng.

Được ví là “bản tình ca” về chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ phim “Hoa ban đỏ” của đạo diễn, NSND Bạch Diệp vẫn đọng lại trong tâm trí những người yêu điện ảnh, dù 30 năm đã trôi qua. Ra đời năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, câu chuyện phim trong “Hoa ban đỏ” là sự đan xen giữa sự khốc liệt của cuộc chiến và tình yêu trong trẻo, tinh khôi của cô y tá và anh công binh, giống như hình ảnh những bông hoa ban tím lãng mạn ẩn hiện trong bàng bạc khói súng và màu xanh trấn thủ xuyên suốt bộ phim.

Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bộ phim -0
Một cảnh trong phim “Hoa ban đỏ”.

Cốt truyện bộ phim khá giản dị. Đó là những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn trưởng Phương (NSND Trần Lực thủ vai) bị trọng thương khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh cứ điểm 206. Tại bệnh viện quân y, hàng ngày, Phương được chăm sóc bởi Tấm (NSND Thu Hà) – cô y tá đồng hương. Khi vết thương lành, Phương tạm biệt Tấm để trở lại đơn vị. Họ chia tay nhau giữa cánh rừng bạt ngàn hoa ban nở. Bộ phim đẹp, lãng mạn và mênh mang như một tứ thơ khi kết thúc bằng hình ảnh ngày chiến thắng, Tấm chạy khắp cánh đồng Mường Thanh mà không tìm được Phương, quanh cô là tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận...

Được sản xuất vào những năm 90 của thế kỷ trước, “Hoa ban đỏ” là bộ phim lịch sử được đầu tư dàn dựng hoành tráng, công phu với cảnh chiến trường khốc liệt, đại cảnh hàng nghìn người, tái hiện lịch sử đầy chân thực và thuyết phục. Đã 30 năm trôi qua nhưng NSND Trần Lực vẫn nhớ cảm xúc khi hóa thân vào vai Tiểu đội trưởng Phương. Anh chia sẻ: “Tôi nhận vai khi vừa 30 tuổi, một vai diễn nặng ký trong một bộ phim lịch sử quan trọng nên tôi vui mừng nhưng không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Tuy nhiên, cha mẹ tôi là nghệ sĩ từng có thời gian phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ nên tôi đã cảm nhận được khí thế của những ngày chiến đấu vất vả ấy qua những câu chuyện cha mẹ tôi kể. Đặc biệt tinh thần lạc quan, lãng mạn của những chiến sĩ Điện Biên. Người lính ra trận hồn nhiên, tranh thủ những phút nghỉ ngơi là đàn hát. Điều này làm nên sự lãng mạn và cũng là điểm khác biệt hấp dẫn của bộ phim”.

Còn với NSND Thu Hà thì những ngày tham gia bộ phim “Hoa ban đỏ” đã trở thành phần ký ức đậm sâu trong quãng đời làm nghệ thuật của chị. Khi đảm nhiệm vai Tấm, Thu Hà đang là “ngôi sao” của dòng phim thị trường nhưng đã xếp lại các dự án để rong ruổi nhiều tháng ngày cùng đoàn làm phim quay giữa cái lạnh thấu xương của núi rừng Tây Bắc. Niềm vui, sự ấm áp mà NSND Thu Hà nhận được giữa những ngày đóng phim vất vả, cực nhọc là sự quan tâm của đoàn làm phim, đặc biệt là đạo diễn, NSND Bạch Diệp chăm chút chị từng tí một. Giờ đây, NSND Thu Hà vẫn luôn biết ơn người nữ đạo diễn đã giúp chị có một vai diễn dấu ấn trong cuộc đời làm nghệ thuật.

Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bộ phim -0

Phải tới 10 năm sau (năm 2004), chiến thắng Điện Biên Phủ mới lại được tái hiện qua bộ phim “Ký ức Điện Biên” (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn) của Hãng phim truyện Việt Nam. Chuyển thể từ truyện ngắn “Người hàng binh” của nhà văn Chu Phác, kịch bản phim được chắp bút bởi nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Chọn một góc nhìn khác, chuyện phim xoay quanh anh bộ đội tên Bạo (Phạm Quang Ánh thủ vai), Bernard (Issack Le) – trung sĩ thuộc đơn vị Huguette 1, một đơn vị của Pháp tại sân bay Mường Thanh và cô y tá Mây (Kiều Anh thủ vai).

Câu chuyện bắt đầu bằng việc Bernard chán ghét chiến tranh, không chịu được cảnh đồng đội bị cưa chân không có thuốc mê nên đã đầu hàng để bảo toàn mạng sống. Chiến sĩ Bạo được giao nhiệm vụ cùng cô y tá Mây đưa người hàng binh Pháp Bernard về hậu tuyến. Một mối tình tay ba nảy sinh giữa 3 người nhưng tất cả đều vẫn chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho ngày toàn thắng. Ngoài ra, tình đồng đội của những người nông dân Việt Nam cầm súng được thể hiện khá ấn tượng. Không trực tiếp miêu tả cuộc chiến, “Ký ức Điện Biên” tái hiện các sự kiện quan trọng của chiến dịch, không khí hào hùng sôi động của chiến sĩ, dân công… qua góc nhìn của các nhân vật để làm tăng kịch tính và xung đột của chuyện phim.

Trong một lần trò chuyện tại Viện Phim Việt Nam, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chia sẻ, khó khăn nhất chính là việc xây dựng bối cảnh của phim. Để có được cảnh quay kéo hàng chục xe pháo, đoàn làm phim đã nhờ sự giúp đỡ của Binh chủng pháo binh, thuê trực thăng để có những cảnh quay hoành tráng từ trên cao... Với kinh phí khủng thời bấy giờ là 16 tỷ đồng, bộ phim được thực hiện với thời gian “thần tốc” (chỉ 10 tháng từ viết lại kịch bản, chuẩn bị các thủ tục cho tới thực hiện). Để đẩy nhanh tốc độ, phim vừa triển khai sản xuất ở Việt Nam, Paris và Thái Lan với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng đóng bộ đội, dân công, lính Pháp, huy động hàng chục xe kéo pháo, làm gần ba mươi phút kỹ xảo để phim kịp ra mắt trước ngày 7/5. Kết quả của những tháng ngày dốc sức đó, bộ phim đã nhận giải Cánh diều Vàng đạo diễn xuất sắc năm 2005, được mời tham dự các LHP Quốc tế lớn như Locarno, Singapore và được 5 nước châu Á mua bản quyền từ 4 đến 15 năm để chiếu rạp, phát hành DVD và chiếu ở các nơi công cộng. Một kỷ niệm đáng nhớ với đoàn làm phim là đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký vào cuốn album hình ảnh các bối cảnh của phim và sau đó gửi tặng đoàn cuốn Hồi ký “Chiến đấu giữa vòng vây” của ông.

Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bộ phim -0

Gần nhất là bộ phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân) được sản xuất năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng. Khác với các bộ phim cùng đề tài, ngay từ khi bắt tay vào làm phim, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã hướng đến đối tượng là khán giả trẻ. Vì thế, nội dung phim “Sống cùng lịch sử” khắc họa trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu thông qua hình ảnh một nhóm bạn trẻ Lâm – Nga – Tùng (do Tuấn Kiên, Thu Quỳnh và Chí Nhân đảm nhiệm) trong hành trình du lịch trên mảnh đất Điện Biên đã gặp lại cha anh của mình giữa cuộc chiến đấu khốc liệt năm nào. Với thủ pháp đồng hiện (quá khứ - hiện tại – tương lai), bộ phim có cấu trúc, cách thể hiện độc đáo.

Các bạn trẻ không chỉ quan sát mà còn tự đặt mình trong vai trò của những người dân công, người lính trong cuộc chiến chống lại thực dân Pháp. Họ thật sự sống cùng lịch sử. Không dùng thoại, không nêu rõ tên nhưng người xem vẫn nhận ra những sự xả thân, hy sinh anh dũng của các anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn. Đồng thời bộ phim cũng khai thác hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở khía cạnh một nhà văn hóa lớn, bình dị, khiêm nhường nhưng nhân cách và tâm hồn vô cùng lớn lao.

Vẫn biết làm phim về lịch sử, chiến tranh cách mạng luôn là một thử thách và chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, hy vọng vào sự dấn thân của các nhà làm phim thời gian tới để có những bộ phim truyện hấp dẫn về chiến thắng lẫy lừng này.

Thảo Duyên
.
.
.