PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai:

Chuyện xúc động về bác sĩ được bệnh nhi coi như "tiên ông" ở Bạch Mai

Thứ Năm, 26/02/2015, 23:06
Trong dịch sởi năm 2014, cái tên của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai), đã được nhắc đến như một điển hình về “lương y như từ mẫu”, khi ông đã nỗ lực ngày đêm cứu sống nhiều em nhỏ.

Nhưng không chỉ thế, ông còn có nhiều sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong công tác điều trị cho bệnh nhi… Ông là một trong 18 cá nhân điển hình năm 2014 của ngành Y tế và đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2015.

Giữa “tâm sởi” đầu năm 2014, bất cứ lúc nào cánh nhà báo vào Khoa nhi, đều gặp ông tất bật bên giường bệnh, tận tình theo dõi từng diễn biến của trẻ với cả tình cảm yêu thương và sự âu lo của một người cha. Suốt chuỗi ngày dài, ông đồng hành cùng gia đình hàng trăm bệnh nhi, giành giật sự sống cho những đứa trẻ.

Đã gần một năm trôi qua, nhưng ông vẫn thoáng buồn khi nhớ lại: Gần 35 năm gắn bó với chuyên ngành nhi khoa, chưa khi nào tôi thấy dịch sởi lạ như thế, khi hầu hết bệnh nhi nhập viện đều bị virus sởi tấn công vào phổi, gây biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng.

Sự bất thường này đòi hỏi phải có phác đồ điều trị hợp lý, mới tránh được tử vong. Bằng kinh nghiệm của một bác sĩ nhi khoa lâu năm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã đưa ra được hướng giải quyết chính xác, có tính quyết định sự sinh tồn của trẻ, là đặt máy thở đúng thời điểm. Mà, đặt được máy thở đúng lúc vẫn đòi hỏi bác sĩ phải điều chỉnh thông số phù hợp với diễn biến bệnh của trẻ. Vì thế, ông luôn phải theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhi, để trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ điều chỉnh thông số máy thở. Suốt những ngày đó, ông luôn phải gồng mình, căng sức để giành giật sự sống mong manh cho các em bé, đến mức, hiếm khi có được giây phút nghỉ ngơi, kể cả những bữa ăn cũng đều vội vã, tất bật.

Sự cố gắng, quên mình của ông đã giúp cho nhiều em bé được “tái sinh”, như Nguyễn Trường Nam, 9 tháng tuổi, ở Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh.

PGS.TS  Nguyễn Tiến Dũng kể, đó là lần đầu ông gặp ca biến chứng viêm não cấp do sởi như thế. Bệnh nhi sốt cao, hôn mê, co giật, viêm não ngay khi sởi đang diễn biến nặng, toàn thân bé Nam tím tái, khiến gia đình tuyệt vọng xin cho bé về nhà chờ chết. Biết bệnh tình của bé rất nặng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng vẫn mong muốn cứu bé bằng mọi giá. Ông cùng các đồng nghiệp thuyết phục gia đình bé cho bé ở lại điều trị.

Với cả sự nỗ lực trong từng giây phút của các bác sĩ, sự sáng tạo trong nghiên cứu điều trị bệnh, đặc biệt là cái tâm của các lương y, mà người chịu trách nhiệm lớn nhất là PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sau một tháng, bé Nam chẳng những được cứu sống, mà còn hoàn toàn khỏe mạnh, khi các xét nghiệm cho thấy, mặc dù nhiều ngày hôn mê, co giật, nhưng bé không hề bị bất kỳ di chứng nào do biến chứng viêm não của sởi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đón nhận Huân chương Lao động hạng ba ngày 25/2/2015.

Đón bé Nam từ tay PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, bà ngoại cháu nghẹn ngào trong niềm biết ơn vô hạn: “Bác là người sinh ra cháu lần thứ hai”. Với ông, chỉ cần thấy nụ cười hạnh phúc của gia đình bệnh nhi, là những mệt mỏi của bao đêm thức trắng, bao ngày quên ăn bên giường bệnh, đã rũ sạch.

Không chỉ ở dịch sởi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng mới được nhắc đến. Từ lâu, nhiều đồng nghiệp đã trân trọng tâm huyết và sáng tạo khoa học của ông trong công việc. Nhất là, nhiều khi, thành công hay thất bại rất mong manh, mà nếu thành công, ông sẽ có được nụ cười của gia đình người bệnh, còn thất bại, ông sẽ phải “thân bại danh liệt”… Nhưng ông bảo, vào thời khắc quan trọng trước sinh mệnh người bệnh, lương tâm ông không cho phép chần chừ.

Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ sự dũng cảm và nhân ái của ông, như một bệnh nhi mới 8 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc, ngừng thở phải nhập viện cấp cứu. Nhìn đứa trẻ thở thoi thóp, sự sống vô cùng mong manh, nhưng khi đó, lại chưa có máy thở cho bệnh nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thấy trái tim mình thắt lại. Quyết tâm cứu sống em bé, ông đã mạnh dạn nối thêm dây thở cho máy thở của trẻ lớn, tạo thành áp lực thấp dùng cho bệnh nhi, đưa em qua khỏi thời khắc nguy nan.

Hay, có hai mẹ con sản phụ bị cúm A/H5N1 nhập viện trong tình trạng nguy cấp, ông đã mạnh dạn sử dụng thuốc Tamiflu cho đứa trẻ vừa chào đời, dù thế giới mới chỉ có trường hợp dùng Tamiflu nhỏ nhất 3 tháng tuổi. Thành công này đã được giới chuyên môn đánh giá cao.

Nhiều đồng nghiệp cũng còn nhớ chuyện ông đã nỗ lực cùng đồng nghiệp cứu sống một em bé sinh ra chỉ nặng có 700gr, lại bị nhiễm trùng huyết và đã ngừng thở ngừng tim, còn người mẹ bị suy đa tạng đã qua đời ngay sau khi sinh.

Với kinh nghiệm của một người gắn bó với những bệnh nhi nhiều năm, ông trăn trở trước tình trạng nhiều trẻ em tử vong do viêm phổi, chủ yếu là do các gia đình đưa con đến bệnh viện quá muộn. Làm thế nào để khắc phục điều này, là câu hỏi day dứt trong ông. Vì thế, khi có điều kiện, ông đã đăng kí tham gia chương trình phòng, chống nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ em, do WHO tổ chức ở Việt Nam, để tìm cách điều trị mới cho trẻ, cũng như thay đổi cách truyền thông về phòng, chữa bệnh. Ông còn góp phần nâng cao nhận thức cho cả các bác sĩ, lẫn người dân về kháng sinh, để sử dụng kháng sinh an toàn, thay vì lạm dụng thuốc kháng sinh quá nhiều.

Hơn 3 thập kỷ qua, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã luôn song hành cùng những bệnh nhi của mình, với tâm thế cuộc sống của các em cũng là của chính ông. Ông hạnh phúc mỗi khi thấy những đứa trẻ khỏe mạnh, trở về trong vòng tay người thân và lặng lẽ giấu những giọt nước mắt đau buồn vì bất lực trước bệnh tật, khi những em bé phải rời xa cuộc sống. Chữa bệnh cho trẻ, với ông, là tiếng nói của lương tâm, chứ không phải vì bất kỳ một điều gì khác. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng tâm sự, điều quan trọng nhất với người thầy thuốc, là phải biết yêu thương con người, đặc biệt là người bệnh nghèo. Với tâm thế đó, ông đã và đang làm hết chức phận của mình, dù ở bất cứ hoàn cảnh hay cương vị nào.

Chị Nguyễn Thị Hằng, 24 tuổi, mẹ cháu Nguyễn Trường Nam, ở Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh:

Khi đưa con đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai, nhìn con tím đen toàn thân, mê man bất tỉnh, phải thở máy 8 ngày liền trong phòng cấp cứu, tôi không dám tin cháu qua khỏi. Vậy mà nhờ các bác sĩ, nhất là PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng tận tình chăm sóc, cháu đã được cứu sống. Gia đình tôi vô cùng biết ơn bác sĩ Dũng và tập thể thầy thuốc của Khoa Nhi đã tái sinh cho cháu, đem lại niềm hạnh phúc cho gia đình tôi.

Trước khi ra viện, các bác sĩ của Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã làm các xét nghiệm, chụp chiếu cho cháu Nam cẩn thận và chỉ cho về khi các kết quả đều tốt. 6 tháng sau khi ra viện, gia đình tôi lại đưa cháu đi chụp chiếu và làm các xét nghiệm, cũng đều tốt cả.

Từ khi ở BV Bạch Mai trở về, cháu Nam vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường và chơi ngoan, không hề bị di chứng gì. 

Thanh Hằng
.
.
.