Thí điểm phương pháp xác định nhiễm mới HIV ở 6 địa phương

Thứ Năm, 07/12/2017, 14:00
Bộ Y tế vừa công bố kế hoạch thí điểm phương pháp xác định nhiễm mới HIV tại 6 địa phương trong nước gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên, Sơn La trong giai đoạn 2017-2019.


Theo Bộ Y tế, giám sát trọng điểm được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay tại 20 tỉnh/thành phố. Việc sử dụng 2 sinh phẩm có nguyên lý và phương pháp chuẩn bị kháng nguyên khác nhau chỉ xác định được tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao. 

Còn việc giám sát phát hiện được thực hiện từ năm 1986 tại 63 tỉnh, thành phố, để chẩn đoán các trường hợp nhiễm HIV với 3 sinh phẩm có nguyên lý và phương pháp chuẩn bị kháng nguyên khác nhau.

Tuy nhiên việc thực hiện giám sát phát hiện và giám sát trọng điểm chỉ sử dụng các sinh phẩm phát hiện kháng thể và không xác định được tỷ lệ nhiễm mới HIV tại Việt Nam. Phương cách xét nghiệm HIV tại Việt Nam cũng không thể xác định được tỷ lệ nhiễm mới HIV trong các bệnh nhân nhiễm HIV. 

Vì thế, cho đến nay tỷ lệ nhiễm mới HIV tại Việt Nam mới chỉ dừng ở mức ước tính và sử dụng các nghiên cứu thuần tập, chưa có phương pháp nào được thí điểm để xác định tỷ lệ nhiễm mới. Trong khi tỷ lệ nhiễm mới HIV rất quan trọng và là ưu tiên để xác định các phương pháp điều trị dự phòng phù hợp; phát hiện các thay đổi, xu hướng trong hình thái nhiễm HIV; đề xuất các can thiệp hiệu quả cho nhóm nguy cơ cao; đánh giá hiệu quả các can thiệp với nhóm nguy cơ cao.

Phương pháp xác định HIV mới giúp việc phát hiện và quản lý người nhiễm HIV tốt hơn

 Vì thế, Bộ Y tế quyết định triển khai các phương pháp xác định tỷ lệ nhiễm mới HIV, nhằm xác định phân bố tỷ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm người xét nghiệm HIV dương tính tại 6 tỉnh/thành phố; xác định tỷ lệ nhiễm mới HIV trong các nhóm giám sát trọng điểm HIV tại Việt Nam; đánh giá tính khả thi việc triển khai thí điểm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm mới HIV trong hệ thống giám sát dịch tễ học HIV tại Việt Nam.

Các phương pháp mới gồm: Phương pháp sử dụng kỹ thuật miễn dịch gắn men tóm bắt BED (thử nghiệm BED) dựa trên nguyên tắc xác định thời gian nhiễm HIV của một người bằng cách xác định sự có mặt của một số dấu ấn trong huyết thanh hoặc huyết tương; Phương pháp sử dụng kỹ thuật miễn dịch gắn men ái tính kháng nguyên giới hạn rIDR-M là xét nghiệm ái lực đã điều chỉnh do tổ chức CDC Hoa Kỳ nghiên cứu phát triển, cho phép phân biệt được giữa nhiễm mới và nhiễm cũ; Phương pháp sử dụng kỹ thuật I-P nhanh (Rapid I-P test) là sinh phẩm xét nghiệm nhanh, đã được sử dụng tại Hoa Kỳ trong các chương trình nghiên cứu và giám sát trọng điểm.

Khi tiến hành xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm: Nếu mẫu chỉ có vạch chứng là mẫu âm tính. Nếu mẫu xuất hiện 1 vạch ở vùng mới nhiễm mà không xuất hiện vạch ở vùng hiện nhiễm là mẫu nhiễm mới. Nếu mẫu có xuất hiện cả 2 vạch màu ở vùng mới nhiễm và hiện nhiễm có nghĩa mẫu đã nhiễm lâu trên 6 tháng.

Ứng dụng của xét nghiệm phát hiện tỷ lệ nhiễm mới HIV là cách hiệu quả giúp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao. Việc triển khai xét nghiệm này trong giám sát trọng điểm sẽ giúp ước tính được xu hướng lây nhiễm mới HIV tại Việt Nam.

 


Thanh Hằng
.
.
.