Những con số hãi hùng về nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam

Thứ Tư, 29/11/2017, 19:20
150 trẻ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) trong vụ sởi năm 2014 và mới đây nhất là 4 cháu bé sinh non tử vong tại BV Sản Nhi Bắc Ninh do sốc nhiễm khuẩn, cùng 19 bé sinh non khác cũng bị NKBV phải chuyển lên tuyến trên, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề NKBV-một vấn đề không mới, song vẫn là chuyện lớn của ngành y tế…


Gánh nặng từ NKBV

NKBV là gánh nặng cho người bệnh và các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng thuốc kháng sinh tăng chi phí điều trị.

TS. Đinh Vạn Trung –Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV 108) cho biết, hàng năm trên thế giới có khoảng 90.000 người tử vong do NKBV. Ở Mỹ tỷ lệ NKBV khoảng 5%/năm với chi phí cho NKBV tới 4,5  tỷ USD/năm, thời gian nằm viện tăng  trung bình  4 – 7 ngày. 

Ở Việt Nam, tỷ lệ NKBV khoảng 7%.  Điều trị kháng sinh kéo dài  7 - 10 ngày sau phẫu thuật vẫn là tình trạng phổ biến, tốn kém cho người bệnh nhưng nguy hiểm nhất là gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Thế nhưng, vẫn dễ dàng nhận thấy công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) ở nhiều BV chưa được làm tốt. Nhiều nhà vệ sinh bẩn thỉu, bốc mùi; nhiều nhân viên y tế mặc áo blu lâu ngày không giặt, hoặc mặc áo blu ra ngoài đường rồi lại vào phòng bệnh. Số nhân viên không đảm vảo vệ sinh tay khi tiếp xúc với người bệnh khá cao và đó là nguồn nhiễm khuẩn cho người bệnh.

Một kiểm tra ngẫu nhiên cho thấy trên 1cm2 bàn tay hộ lý có tới 481.273 vi khuẩn, bác sĩ có 275.110, vi khuẩn và điều dưỡng là 126.857 vi khuẩn. Bàn tay bác sĩ sau khi rửa bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa y tế vẫn còn khoảng 276.376 vi khuẩn, khi chưa dùng chất tẩy rửa số vi khuẩn lên tới vài triệu.

Nhiễm khuẩn BV tăng nguy cơ tử vong

Bộ Y tế cho biết kết quả nghiên cứu ở 10 BV cho thấy tỷ lệ NKBV là  5,8% và viêm phổi BV chiếm 55,4%.  

Các BV tuyến trung ương có tỷ lệ NKBV cao hơn các tuyến dưới. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem từ 50% đến 75%. Những yếu tố có liên quan nhiều tới NKBV là mở khí quản, thở máy, đặt thông tiểu, đặt catheter TM trung tâm và phẫu thuật vv…

Nhiễm khuẩn BV kéo dài ngày điều trị

Bên cạnh đó, các cơ sở KCB còn phải thường xuyên đối phó với các bệnh dịch có nguy cơ lây nhiễm cao như HIV, viêm gan B, viêm gan C, cúm A (H5N1, H1N1, H7N9), lao phổi và các vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh...

Những năm gần đây nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao, có nguy cơ lây lan thành dịch xuất hiện như MERS-CoV, Ebola, sởi, dịch hạch, đã đe dọa sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng... NKBV còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các kỹ thuật cao như ghép tạng, ghép tế bào gốc và hậu quả sau cùng làm ảnh hưởng tới chất lượng KBCB, sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề NKBV, ngành y tế đã thiết lập hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) ở hầu hết các cơ sở KCB: 91,1% BV đã thành lập Hội đồng KSNK, 84,9% BV có mạng lưới KSNK, 79,2% BV trên 150 giường có khoa KSNK.

Thách thức trong KSNK

Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức trong hoạt động KSNK. Một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK, dẫn đến chưa đầu tư cho hoạt động này. Thậm chí, một số BV còn có hình thức kỷ luật nhân viên bằng cách điều về làm việc tại Khoa KSNK.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, công tác KSNK tại các BV hiện mới tập trung vào công tác giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải, chưa chú trọng vào công tác giám sát KSNK, nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người bệnh.

Bên cạnh đó, còn nhiều BV chưa thành lập Hội đồng KSNK, chưa có mạng lưới KSNK, thậm chí, nhiều BV trên 150 giường cũng chưa thành lập khoa KSNK vv…Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK chưa được quan tâm nên hiện có khoảng 40% BV không có tối thiểu 1 buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng; 46,5% BV không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn, 33,9% BV không đủ 1 buồng thu gom dụng cụ bẩn/khoa lâm sàng. Rất ít BV trang bị máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp; 40,4% BV không đạt tỷ lệ 1 Lavabo rửa tay/10 giường bệnh nội trú; 57,6% BV không sẵn dung dịch VST tại nơi có nhiều người tiếp xúc.

Đặc biệt, nhân lực trong công tác KSNK vừa thiếu lại vừa yếu. 36% lãnh đạo khoa KSNK chưa được đào tạo về KSNK, chủ yếu là ở BV huyện, khu vực miền núi; 79,1% nhân viên KSNK chưa được đào tạo cơ bản về KSNK. Hầu hết các BV chưa bảo đảm 1 nhân lực giám sát/150 giường bệnh. 

Mặc dù công tác KSNK rất quan trọng, nhưng hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo KSNK, cũng chưa có giáo trình quốc gia chuẩn về lĩnh vực này. Đặc biệt, chưa có hệ thống giám sát NKBV quốc gia, nhất là chưa xây dựng các tiêu chí cần giám sát, công cụ và phần mềm giám sát.

Thanh Hằng
.
.
.