Người bệnh bất an vì phòng khám của người Trung Quốc "giăng bẫy"

Thứ Bảy, 14/10/2017, 08:13
Vẫn cách đánh vào tâm lý của những bệnh nhân mắc bệnh “khó nói”, nhiều phòng khám bệnh của người Trung Quốc, gọi tắt là Phòng khám Trung Quốc (PKTQ) đã tìm cách “móc túi” bệnh nhân.


Từ đầu năm tới nay Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của bệnh nhân bị PKTQ "moi tiền" bằng nhiều chiêu trò ma mãnh như tiếp cận, dụ bằng cách phát tờ quảng cáo kĩ thuật chữa bệnh, bị lôi kéo về phòng khám ngay từ những ngã tư đường; có lúc còn hù doạ bệnh nặng chết đến nơi để "vẽ bệnh" lấy tiền cao. Nổi cộm nhất kiểu “giăng bẫy” gần đây là bắt bệnh nhân ký giấy nợ khi đang nằm ngay trên giường bệnh.

Đủ kiểu  “vẽ bệnh”, “giăng lưới”

Từ phản ánh của người dân, Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về một nữ bệnh nhân, vào ngày 6-10, do có triệu chứng bệnh phụ khoa nên chị đã tới khám chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa 3-2 (địa chỉ 1505, đường 3/2 phường 16, quận 11, TP Hồ Chí Minh). 

Người khám cho chị là một BS người Trung Quốc "phán" bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nhưng điều trị nội khoa không thể khỏi mà phải phẫu thuật. Nghe tới việc phẫu thuật chị hoảng sợ nhưng đã lỡ đóng cho phòng khám này tổng cộng 24 triệu đồng rồi. Chị nghi ngờ nên tới khám lại tại BV Từ Dũ và được biết chỉ bị tổn thương cổ tử cung sau đốt. 

Bệnh nhân lập tức quay trở lại PKTQ trên khiếu nại và được gặp một phụ nữ nhận là người quản lý phòng khám đã thương lượng và đồng ý trả lại tiền cho chị. Đầu tiên đồng ý trả lại chị 10 triệu, nhưng bệnh nhân tiếp tục phản đối gay gắt nên người quản lý đã nâng mức trả lại cho chị 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó lại thay đổi đột ngột, chỉ đồng ý trả lại 10 triệu đồng. 

Ngày 11-10, bệnh nhân này đưa theo cả người nhà tới làm áp lực, tiếp tục khiếu nại nên người quản lý phòng khám mới đồng ý trả lại tiền cho bệnh nhân.

Những loại máy móc không có trong danh mục thiết bị y tế chuyên khoa của BV Việt Nam nhưng được quảng cáo tại phòng khám Trung Quốc.

Ngày 10-10, một nam bệnh nhân tên H (20 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) tố cáo bị lừa đảo tại phòng khám BAYLOR (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10). Theo lời anh H., sau khi được chẩn đoán bị hẹp bao quy đầu và đóng chi phí mổ hơn 3 triệu đồng, bệnh nhân vẫn bị các bác sĩ tại phòng khám BAYLOR hù dọa, thậm chí không chịu khâu lại vết thương vừa tiểu phẫu. Ngoài ra bệnh nhân này còn bị ép, bắt gia đình phải mang 60 triệu đồng thanh toán.

Anh H. cho biết, khi mới đến phòng khám BAYLOR để khám, anh H được chẩn đoán hẹp bao quy đầu và được yêu cầu đóng trên 3 triệu đồng. Sau khi anh được đưa vào phòng tiểu phẫu, một BS người Trung Quốc tên: Rong Chen Chen tiến hành phẫu thuật. Sau khi thực hiện tiểu phẫu xong, anh tiếp tục được thông báo, "vùng kín" của anh có 2 khối u. 

Theo đó, bác sĩ này đưa ra hai lựa chọn: Hút dịch trong khối u với mức giá 26.800.000 đồng, nhưng báo trước là sẽ bị tái lại, hoặc mổ lấy khối u với giá 56.800.000 đồng. Tuy nhiên, anh H. yêu cầu khâu lại vết thương để về nhà hỏi ý kiến gia đình thì ngay lập tức bị anh này hù dọa: “không thể khâu lại được, nếu khâu lại sẽ đụng vào khối u làm hoại tử dương vật, phải cắt bỏ".

Rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, nằm trên giường bệnh còn đau đớn mà bị hạch sách lấy tiền, anh H đã phải năn nỉ xin được về nhà bàn bạc, nhưng bỏ mặc ngoài tai nỗi thống khổ của bệnh nhân, những người ở phòng khám đều không đồng ý mà hối thúc bạn gái anh này gọi điện về nhà yêu cầu mang tiền đến. 

Nhưng, khi thấy thuyết phục bệnh nhân không thành, vị bác sĩ buộc phải khâu vết thương lại, đồng thời "dựng chuyện" rằng người nhà anh H đã đồng ý qua điện thoại, yêu cầu bạn gái của H phải kí vào giấy nợ phẫu thuật lấy khối u với giá gần 60 triệu đồng.

Cũng theo anh H, sau mổ, vết thương của anh xuất hiện tình trạng chảy máu nên tới BV Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra và được giải thích cặn kẽ, anh H mới chỉ được mổ hẹp bao quy đầu chứ không thực hiện mổ khối u. Ngoài ra, vết thương chảy máu do phẫu thuật trước đó khâu rất cẩu thả.

Trường hợp anh K. (29 tuổi, quận 6, TP Hồ Chí Minh), do bị đi tiểu ra máu nên tìm tới phòng khám BAYLOR. Tại phòng khám BAYLOR, một người đàn ông mặc áo blouse trắng không đeo bảng tên, nói tiếng nước ngoài khám bệnh cho anh K. Ông bác sĩ này dùng đèn soi ngoài hậu môn rồi chẩn đoán anh bị trĩ và phải chữa với giá 27 triệu đồng. 

Anh K. không đủ tiền nên bác sĩ phòng khám đồng ý cho trả một khoản trước, còn lại ghi phiếu nợ và giữ CMND của anh K. Thấy anh chần chừ, phiên dịch lại cho biết, bác sĩ đồng ý giảm trừ thêm 30%. Anh K. đồng ý, nộp trước 9 triệu đồng, và phải viết phiếu nợ gần 8,3 triệu đồng.

Anh K. phải trải qua 6 ngày điều trị căng thẳng tại phòng khám Baylor, với tổng mức phí đã bị "vẽ" lên hơn 29 triệu đồng với đủ kiểu moi tiền ranh ma. Điều đáng nói nữa là, sau khi mổ trĩ tại phòng khám BAYLOR, anh có triệu chứng ra máu nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, bác sĩ chẩn đoán anh bị loét ống hậu môn sau chích trĩ...

Cơ quan quản lý đang làm gì?    

Giải thích về việc gần đây rộ lên chuyện bệnh nhân bị PKTQ lừa đảo, đại diện Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 7.000 phòng mạch Y đa khoa tư nhân. Tuy nhiên, có 16 phòng khám có yếu tố người Trung Quốc liên tục bị bệnh nhân phản ánh, Thanh tra Sở cũng phạt nhiều lần.

Phòng khám BAYLOR (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh), thuộc Công ty TNHH Đầu tư y tế Quốc tế Đông Á. Đầu năm 2017 sau phản ánh của bệnh nhân khiếu nại, qua kiểm tra cho thấy, phòng khám này không có giấy phép hoạt động của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp, nhưng vẫn hoạt động, quảng cáo trên mạng. Ngày 9-2-2017 Sở Y tế tiến hành kiểm tra phát hiện vi phạm nghiêm trọng của phòng khám BAYLOR; ngày 6-3-2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi UBND TP.Hồ Chí Minh đề xuất xử phạt 120 triệu đồng đối với cơ sở do vi phạm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Ngay sau đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có cuộc họp mời tất cả các cơ sở phòng khám đa khoa trên địa bàn, có yếu tố người nước ngoài họp và phổ biến lại tất cả các qui định yêu cầu hoạt động đối với phòng khám. Đặc biệt, phổ biến việc tập huấn cho tất cả những chủ cơ sở đứng giấy phép hoạt động cũng như có chứng chỉ hành nghề chịu trách nhiệm về chuyên môn. Thế nhưng sau một thời gian ngắn, các PKTQ lại tái diễn những trò ma mãnh. Dư luận đặt câu hỏi, liệu cơ quan quản lý vẫn chưa có "thuốc đặc trị" cho vấn nạn PKTQ?

Những loại máy móc không có trong danh mục thiết bị y tế chuyên khoa của BV Việt Nam nhưng được quảng cáo tại phòng khám Trung Quốc.
Những loại máy móc không có trong danh mục thiết bị y tế chuyên khoa của BV Việt Nam nhưng được quảng cáo tại phòng khám Trung Quốc.
Huyền Nga
.
.
.