Lại lo lắng vì ngộ độc Methanol gây tử vong nhiều người

Thứ Hai, 11/09/2017, 20:08

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều về tình trạng ngộ độc rượu có chứa Methanol, nhưng tuần qua vẫn có 3 người bị ngộ độc được đưa vào cấp cứu và 2 người đã tử vong, một người đang phải cấp cứu nhưng sự sống rất mong manh.


Ngày 7-9, có 2 nạn nhân của methanol cùng nhập viện Bạch Mai là một phụ nữ 43 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội và một bệnh nhân nam, 49 tuổi ở Hải Dương. Chị Đ.T.L vào viện trong tình trạng đã ngừng tim. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên tới 135,9 mg/dL, nhưng không thấy Ethanol. Gia đình cho biết nạn nhân đã mua rượu ở sau bách hóa Thanh Xuân và bị ngộ độc sau khi uống.

Bệnh nhân nam ở Hải Dương là ông N.X.L cũng được chuyển đến viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, huyết áp tụt sau khi uống rượu nhưng không biết uống ở đâu. Nồng độ methanol trong máu cũng cao tới 132,6 mg/dL, vì thế, bệnh nhân hiện có nguy cơ tử vong cao.

Trước đó ba ngày, một người đàn ông ở Hà Nội cũng đã tử vong sau khi được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não rất nặng do ngộ độc Methanol.

Đa số bệnh nhân nhiễm độc Methanol thời gian qua đều uống rượu trắng không rõ nguồn gốc khoảng 24 - 48 giờ trước khi vào viện, không có biểu hiện gì rõ rệt để có thể phát hiện sớm tình trạng ngộ độc Methanol. Điều đáng lưu ý trong các nạn nhân ngộ độ Methanol lần này là xét nghiệm cho thấy nồng độ Methanol rất cao, nhưng lại không có Ethanol, tức là uống rượu nhưng lại không có rượu mà chỉ có cồn công nghiệp, chứng tỏ loại “rượu” này được pha hoàn toàn từ cồn công nghiệp.

Hầu hết người bị ngộ độc Methanol đều trong tình trạng rất nặng

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên lo lắng vì mới chớm vào những ngày thời tiết mát mẻ đã có liên tiếp nhiều trường hợp ngộ độc Mathanol là những dấu hiệu rất đáng lo ngại khi mùa cưới và mùa đông đang đến gần, có thể số vụ ngộ độc sẽ tăng. Trước đây, các nạn nhân được đưa vào cấp cứu chủ yếu chỉ ở các vùng núi cao, sau đó, lại xuất hiện nhiều ở Hà Nội và giờ thì các nạn nhân đã có ở cả nhiều tỉnh khác như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên…

Điều này cho thấy, việc kiểm soát Mathanol gần như vẫn bị buông lỏng, trong khi các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã khuyến cáo mạnh mẽ phải quản lý chặt Methanol sau vụ ngộ độc Mathanol ở Lai Châu khiến gần 10 người tử vong và hơn 100 người bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, tình trạng ngộ độc methanol vẫn tăng nhanh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, số nạn nhân ngộ độc methanol đã bằng cả năm 2016. Điều nguy hiểm là cồn công nghiệp pha vào rượu, hoặc chỉ pha với nước, rất giống rượu, nên người uống không thể phát hiện được. Vì thế, hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu chứa Methanol đều đã ở trong tình trạng nặng khi đến bệnh viện, do việc ngộ độc khó phát hiện. Đặc biệt là số bệnh nhân trong thực tế có thể nhiều hơn, vì hiện nay không phải bệnh viện nào cũng làm được xét nghiệm xác định methanol. Do đó, có thể có nhiều người bị ngộ độc Mathanol mà không biết.

Cùng với tỷ lệ tử vong do Methanol khá cao, tới 20-30%, các chuyên gia cho biết, những trường hợp ngộ độc Methanol  nếu cứu sống được thì không chỉ chi phí vô cùng tốn kém, mà còn phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, mắt, tổn thương não vv… Ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyên, nếu phát hiện bị ngộ độc Methanol sớm, bệnh nhân được đưa vào viện kịp thời thì sẽ hạn chế các tổn thương não, di chứng mắt.

Theo các chuyên gia, Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, tác dụng giống Ethanol với các biểu hiện như say rượu, nhưng sau đó chuyển hóa, gây độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác. Vì triệu chứng lúc đầu thường nhẹ như ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm, bệnh nhân có biểu hiện của người say rượu, nên thường bị bỏ qua hoặc.

Có thể nhận biết sớm các dấu hiệu ngộ độc Methanol là: Bệnh nhân còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu não, tụt não rất nguy hểm đến tính mạng. 

Methanol ảnh hưởng đến thị lực của nạn nhân rất nhiều, lúc đầu vẫn nhìn bình thường, sau 12 -24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực vv… Ảnh hưởng của Methanol với tim mạch cũng vô cùng nặng nề. Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. 

Dạ Miên
.
.
.