Đừng coi y tế tư nhân là... 'con ghẻ'

Thứ Ba, 10/02/2015, 09:27
Theo Dược sĩ Phan Dũng, Bệnh viện Mỹ Đức (quận Tân Bình), đi khám ngoại trú tại BV tư thu 100.000đ, BHYT chi 3.000đ, còn 97.000đ bệnh nhân tự chi trả. Việc này gây ra bức xúc rất lớn của người dân. Tức là đang diễn ra việc chênh lệch về “giá trị tuyệt đối” trong chi trả dịch vụ BHYT giữa công và tư.

Hiện, 50% tổng lượng bệnh nhân rất lớn của TP Hồ Chí Minh đã tin tưởng chọn lựa dịch vụ y tế tư nhân, tức là vào khám chữa bệnh (KCB) tại 36 bệnh viện tư, khoảng 10.000 phòng mạch tư, hàng trăm phòng khám đa khoa tư. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mới, trong đó có việc không chi trả cho bệnh nhân BHYT ngoại trú trái tuyến khiến hệ thống y tư nhân đang dần mất đi lượng bệnh nhân. Chính sách mới có tác động tích cực hay tiêu cực đang phụ thuộc rất lớn vào việc chi trả, thanh toán dịch vụ BHYT trong lộ trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Nói cách khác, y tế tư nhân đang có cảm giác mình là... con ghẻ.

“Bức xúc” vì bị phân biệt

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP Hồ Chí Minh, chính sách BHYT sửa đổi có nhiều điểm tích cực nhưng chưa tạo được sự công bằng giữa bệnh viện (BV) công và tư trong việc trao quyền được khám chữa bệnh BHYT. Theo ông Tùng, Luật sửa đổi theo Thông tư liên tịch số 41/2014 Bộ Y tế và Bộ Tài chính qui định rằng, người có thẻ BHYT khi khám ngoại trú thì không phân biệt người có hợp đồng BHYT với cơ sở hay không cũng được chi trả tối đa là 60.000 đồng. Cơ sở không có hợp đồng với Nhà nước về cơ quan BHYT cũng được chi trả 60.000 đồng. Nhưng hiện nay các PKĐK tư nhân, phòng mạch... lại không được khám. Đây là sự bất hợp lý. Nhất là khi vận hành BHYT mới đã quên vai trò của y tư nhân, đó là không hề được xếp hạng như khối y công.

Theo đó, người có thẻ (BHYT) đi khám bệnh trái tuyến tại các trạm y tế xã, phường và tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện khác sẽ không được thanh toán BHYT. Bệnh nhân đều phải tự thanh toán 100% chi phí khám bệnh. Theo BS Tùng, khám bệnh công, tuyến huyện có 3.000đ/lần, nhưng với BV tư, đầu tư tương đương hạng 3 thì ít nhất cũng phải thu 30.000đ/lần tiền công khám, vậy người bệnh phải bỏ thêm 27.000đ nữa. Mức chênh quá cao. Người bệnh từ chối khám BHYT tư. Trong khi xét về chất lượng khám chữa bệnh, và mức đầu tư của y tư nhân thì có mô hình BV tư cao cấp, BV hạng 1, hạng 2, và BV hạng 3. Trong số 36 BV tư tại TP Hồ Chí Minh thì hơn 1 nửa là được trang bị ngang BV cấp tỉnh, các PKĐK tư nhân được đầu tư ngang BV cấp huyện nhưng tất cả cơ sở y tư nhân chưa được Bộ Y tế xếp hạng.

Trong khi ấy, có BV mỗi ngày có 5-6 phòng mổ hoạt động, xử lý được nhiều ca phẫu thuật đại và trung phẫu, nhưng không “chen chân” vào BHYT được. Luật BHYT sửa đổi là tạo điều kiện cho người dân nghèo được cơ hội tiếp cận dịch vụ tốt nhất, người dân có thể khám bất cứ chỗ nào nhưng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu phải ký hợp đồng với cơ quan BHYT, bệnh nhân mới được chi trả.

Chính sách Bảo hiểm y tế sửa đổi cần tạo được sự công bằng giữa công và tư, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Hằng.

Chi trả BHYT cần theo hướng chất lượng dịch vụ và khám chữa bệnh

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Y tư nhân cho rằng, chính sách mới sẽ rất khó khăn cho y tư nhân. Đơn cử, trong BHYT, mức chi trả cho kỹ thuật chụp Citi Scaner trên máy đa lát cắt cũng như không đa lát đều như nhau. Vậy trong việc đầu tư, giữa việc mua máy trị giá 2 triệu USD, và trị giá 300.000 USD thì khi tính hiệu quả kinh tế, người ta sẽ đầu tư máy rẻ tiền hơn. Nhưng xét hiệu quả khám, chữa bệnh thì chụp bệnh lý mạch vành trên máy 4 lát cắt sẽ không rõ được, chụp trên máy 64 lát cắt mới đạt yêu cầu.

Điều này lý giải tại sao nhiều bệnh nhân chụp hàng loạt phim, thực hiện ở nhiều nơi và cho kết quả khác nhau. Hay, trong điều trị bệnh lý mạch máu não, cần tới một thiết bị theo dõi chuyên môn khi mê sâu với bệnh nhân được phẫu thuật mà tại BV Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy đều đang áp dụng, nhưng BHYT không chi trả cho kỹ thuật trên. Người bệnh phải đóng tiền 100%.

Cũng theo Dược sĩ Phan Dũng, Bệnh viện Mỹ Đức (quận Tân Bình), đi khám ngoại trú tại BV tư thu 100.000đ, BHYT chi 3.000đ, còn 97.000đ bệnh nhân tự chi trả. Việc này gây ra bức xúc rất lớn của người dân. Tức là đang diễn ra việc chênh lệch về “giá trị tuyệt đối” trong chi trả dịch vụ BHYT giữa công và tư. Liệu có cách gì để giúp BV tư giải quyết chênh lệch này hay không? Trong chi trả BHYT với ứng dụng kỹ thuật y khoa đang phụ thuộc vào “bề thế”, hạng của BV. Cách “định giá” chi trả không theo chất lượng của dịch vụ, và “cào bằng” như vậy khiến tư nhân hiện rất khó tham gia đầu tư vào hệ thống dịch vụ BHYT, vì không ai lại dại gì đầu tư cao mà bị đánh giá thấp.

Chính sách Bảo hiểm y tế sửa đổi cần tạo được sự công bằng giữa công và tư, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân.

Theo phân tích của Hội Y tế tư nhân, trong tiêu chí về quản lý chất lượng BV hiện y tế Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu, nếu không có chỉ định xét nghiệm, thì một bệnh nhân cần được khám trong 49 phút, nếu có một xét nghiệm là 90 phút và nếu có chỉ định 4 xét nghiệm, bệnh nhân phải cần 3h. Ngoài ra, trong tiêu chí quản lý chất lượng, quản lý thời gian khám bệnh của bệnh nhân trong qui trình từ 16 bước giảm còn 6-7 bước trong khám, chữa bệnh, nhưng ứng dụng còn chưa  nhiều. Thực tế, cơ sở y tế công lập đa số bác sĩ chỉ có 3 phút cho khám, thậm chí 1 phút/bệnh nhân. Một ngày 1 bác sĩ khám 60 bệnh nhân thì không gọi là chất lượng được. Trong đó tồn tại lâu dài là tình trạng khám sai, cho thuốc sai, cho thuốc quá nhiều, không cần thiết… y tư nhân sẽ góp phần là nguồn lực lớn cho công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh khi được tận dụng đúng cách.

Theo kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Tùng, Sở Y tế, BHYT - TP Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện hơn cho các cơ sở tư nhân trong việc xét, cấp, ký hợp đồng với BHYT để chính thức khởi động, hòa nhập, tham gia việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tránh việc y tế tư thấy mình bị đặt ra bên ngoài khi không được ưu ái, tạo điều kiện như cơ sở công lập, thiếu đi sự công bằng giữa y tế tư và công trong việc cùng tham gia khám, chữa bệnh BHYT.

Huyền Nga
.
.
.