Chống dịch sởi, lập phòng tiêm "vét" tại các Bệnh viện

Thứ Ba, 22/01/2019, 15:38

Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM với đoàn làm việc của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch sởi-tiêm chủng vào chiều 21-1, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ  tháng 9-2018 đến nay, số ca sởi bắt đầu tăng lên, chưa có dấu hiếu giảm với khoảng 30 ca nhập viện hàng tuần. Hiện nay, trung bình hàng tuần thành phố có hơn 100 ca nhập viện điều trị.

Dịch sởi chưa có dấu hiệu giảm, bị "mất dấu" nhiều trẻ mắc bệnh

Ông Nguyễn Trí Dũng-GĐ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP HCM cho hay, số ca sởi không chỉ tập trung ở trẻ em mà còn có sự gia tăng ở nhóm tuổi 26-35 tuổi, đồng thời số ca sởi đang tăng, chưa có dấu hiệu giảm.

Ngoài ra, ca sởi xuất hiện ở tất cả các nhóm trẻ em và người lớn. Nhưng hiện nay truyền thông chỉ nói chung chung là tiêm chủng cho trẻ theo lịch hoặc trong chiến dịch mà chưa đề cập đến sởi ở người lớn và nguy cơ từ người lớn lây cho trẻ nhỏ.

Theo báo cáo của Viện Pasteur, năm 2018, số ca sởi của toàn khu vực là hơn 4.500 ca, trong đó có hơn 1.000 bệnh nhân của tỉnh đến khám và điều trị sởi tại các bệnh viện lớn của thành phố như Nhi Đồng 1, nhi đồng 2, Nhiệt Đới,... Đây cũng là nguy cơ phát tán nguồn lây bệnh cho người dân thành phố, đặc biệt là lây cho các trẻ trong chính bệnh viện điều trị.

Bệnh Nhi mắc bệnh sởi được chăm sóc tại bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.

 Lý do gia tăng bệnh do trẻ không tiêm chủng hoặc tiêm không đủ 2 mũi sởi: Người dân thiếu thông tin về tiêm chủng; người dân chưa quan tâm nhiều đến tiêm chủng; nhân viên y tế chưa thống nhất chỉ định tiêm sởi giữa lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm chủng MMR (sởi-quai bị-rubella);...

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu dẫn đầu đã tới làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 21-1
Trẻ mắc sởi nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

 Ngoài ra còn có khó khăn do lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại TP.HCM rất lớn dẫn đến quá tải cho cơ sở vật chất, nhân lực tại các bệnh viện lớn và triển khai công tác phòng chống bệnh sởi trong bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Xung quanh chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi, việc điều tra trẻ không đi học trong cộng đồng thật sự không hiệu quả tại TP.HCM, chủ yếu là do địa bàn rộng, dân cư phức tạp. Theo thống kê, vẫn còn khoảng 13,5% số trẻ không tiêm chủng sởi chiến dịch nhưng cũng không cung cấp bằng chứng là trẻ đã tiêm đủ 2 mũi sởi. Nếu thật sự những trẻ này chưa tiêm sởi thì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với mầm bệnh.

Vấn đề tiêm chủng tại trường học cũng gặp khó khăn, phụ huynh dù được tư vấn, vận động nhưng vẫn không cho trẻ tiêm chủng, cũng không cung cấp tiền sử tiêm chủng của trẻ. Lý do được đưa ra là: mất sổ tiêm chủng, bận việc, được các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư vấn chờ đủ 3 năm sau khi tiêm mũi MMR ( Sởi-quai bị-rubella), đặc biệt là tại các trường Quốc tế.

Lập Phòng tiêm "vét" sởi tại các Bệnh viện

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế tại một số Bệnh viện phía Nam về công tác phòng chống dịch sởi và tiêm chủng trong sáng ngày 21-1, BS Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP HCM đã tỏ vẻ lo ngại và cho rằng, dịch sởi sẽ kéo dài tới tận tháng 6-2019 theo diễn biến thực tế. 

Theo chu kỳ, dịch sởi xảy ra 2014, năm nay theo chu kỳ nhiều khả năng dịch sởi tái diễn. Tuy đã tổ chức tiêm "vét" sởi sau đó rất cẩn thận nhưng tại sao vẫn tái dịch vào năm nay? BS Trương Hữu Khanh cho biết, nếu như các trường hợp trẻ bị sởi trước đó mà đã nhà trường nhắc cha mẹ phải tiêm cho con thì thường không có sai vì ở phường cũng như ở trường đã có danh sách tiêm nhắc bệnh sởi thì có nghĩa đã có sự chọn lọc danh sách rất kĩ. Nhưng PHHS tiếp tục tẩy chay không tiêm vắc xin.

Hiện tại ở BV Nhi đồng 1 cũng đang có 30 ca trẻ bị sởi nặng nằm trong khoa Nhiễm. 60% là ở tỉnh. Một số ca có biến chứng viêm phổi. BS Khanh đề xuất, nơi hỗ trợ cho chiến dịch tiêm "vét" sởi hay nhất, tiện nhất hiện nay chính là BV. Về lâu dài trong tiêm vét sởi nên đặt bàn tiếp nhận, tiêm ngừa cho trẻ tiêm vét bằng cách này. Do tiêm vét tại trạm Y tế và ở trường khó đạt 100%. Nếu mỗi ngày tiêm vét được 20 trường hợp thì mỗi năm cũng được rất nhiều trẻ được tiêm.

 Tại BV Bình Tân cho biết, trong tháng 12-2018, tiếp nhận 175 ca sởi, Trung tâm Y tế đã cho lực lượng dự phòng về điều tra dịch tễ tại đây. Rà soát có kết quả: 117/175 ca mắc.

Từ tháng 1-2019 tới nay tổng cộng có 138 ca mắc bệnh sởi tại quận, chuyển đi 7 ca, 90 ca có địa chỉ, 41 ca không tìm ra địa chỉ. Do vậy Trung tâm Y tế Bình Tân đã tiến hành truyền thông, lập danh sách người tiếp xúc theo hướng dẫn của Trung tâm y tế dự phòng TP HCM. Tổ chức tiêm vét sởi cho trẻ trên địa bàn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần tại 10 trạm y tế phường. Tổ chức tiêm chiến dịch sởi-rubella cho tất cả trường học, nhóm trẻ trên địa bàn quận từ 12-12 tới 31-12. Tổ chức tiêm tại Trạm y tế cho trẻ tại cộng đồng từ ngày 20-12-2018 tới 4-1-2019. Theo đó tỉ lệ độ bao phủ tiêm sởi-rubella cho trẻ trên địa bàn đã đạt 94% với số 29.214 HS, số tiêm đạt được: 16.762 em. Số HS được tiêm ngừa bệnh sởi-quai bị-rubella đạt 10.555 HS.

Trong tháng 12-2018, quận này cũng tiếp tục tổ chức tiêm vét sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Tổ chức truyền thông rộng trong trường học cũng như cộng đồng về bệnh sởi-rubella. Cách phòng ngừa, lợi ích của tiêm chủng đúng lịch để phòng ngừa bệnh Sởi. Tiếp tục vận động trẻ trong cộng đồng không đi học ra trạm y tế phường tiêm ..

Nhiều giải pháp đã thực hiện, tuy nhiên, nguyên nhân dịch tái bùng phát năm nay theo GĐ BV Bình Tân cho biết, còn gặp khó khăn trong việc tiêm vét tại Trạm Y tế. Do thời gian triển khai chiến dịch ngắn hạn nên công tác phối hợp giữa ban ngành, đoàn thể chưa tốt dẫn tới công tác điều tra mời trẻ ra cộng đồng chưa đầy đủ, chưa kịp tiến độ. 

Việc điều tra tiếp cận bệnh nhân sởi khó khăn khi lấy thông tin và danh sách bệnh nhân tiếp xúc, nếu bệnh nhân ở địa phương khác thì càng khó tìm thấy thông tin địa chỉ cụ thể. Khu vực Bình Tân cũng là nơi nhiều nhà trọ, cuộc sống không ổn định nên gặp khó khăn trong công tác mời trẻ tiêm chủng.

Theo nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không có cách nào phòng bệnh sởi đặc hiệu bằng tiêm vắc xin. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện nay có nhiều người lớn bị mắc sởi là do chưa có miễn dịch bệnh sởi, bình thường, những người đã mắc sởi thì không bao giờ mắc lại và đã tiêm vắc xin. Chính vì thế, người dân nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi mang thai muốn sinh con thì cần nhanh chóng đi tiêm phòng vắc xin bệnh sởi. Có thể tiêm vắc xin 3 trong 1 phòng sởi, quai bị, rubella. Và đây là cách duy nhất để phòng sởi.

Ông Phu cũng cho biết, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã có yêu cầu, dự phòng và các đơn vị điều trị phải chống dịch cho hiệu quả. Không để sởi lây ra bệnh nhân khác trong BV, từ phòng khám  tới nơi điều trị. Ở tất cả các khâu và không để lây lan trong nhân viên y tế . Đặc biệt là nhân viên y tế đang mang thai.

Bộ trưởng Bộ y tế cũng vừa ký duyệt văn bản đề nghị thành lập các văn phòng tiêm chủng tại BV. Theo đó, sẽ ban hành sớm các chỉ định khi tiêm chủng tại BV nó khác với tiêm ngoài cộng đồng. Nhất là tập trung vào những BV Nhi đồng 1, 2 và tổng cộng trên toàn TP sẽ có 11 đơn vị về bệnh truyền nhiễm nên làm như vậy.

Huyền Nga
.
.
.