Xét nghiệm virus SARS-Cov-2: Áp lực và sự hy sinh nơi tuyến đầu!

Thứ Hai, 06/04/2020, 08:30
Gần 13h trưa, nhưng nhóm các cán bộ làm công tác xét nghiệm tại Khoa Virus hô hấp - Vi sinh miễn dịch, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vẫn cần mẫn hoàn tất những khâu cuối cùng của phần việc hôm trước. Kể từ 2 ca đầu tiên của thành phố có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 dịp Tết 2020, trong số họ, có người cả 3 tháng nay không về nhà.

Phần vì sợ lây bệnh cho vợ con, phần vì yêu cầu của công việc phải trả kết quả trong vòng 24 giờ sau khi nhận mẫu. Lặng thầm cống hiến, những cán bộ chuyên về vi sinh miễn dịch Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ trải qua những tháng ngày căng thẳng như lúc này.

Không để sai sót nào, dù là nhỏ nhất

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chia sẻ với PV Báo CAND rằng, khi đã có dịch thì cán bộ xét nghiệm chịu rất nhiều sức ép về thời gian và độ chính xác tối đa. Song, đội ngũ nhân viên trong Khoa đều tận tụy, nỗ lực hết mình, nhiều người quên cả lợi ích cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trò chuyện với các chuyên viên mới hiểu, họ chính là những người nắm giữ trong tay bản công bố bệnh nhân dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2 của thành phố và của các đơn vị gửi tới thuộc 19 tỉnh, thành phía Nam. Điều ít biết về họ đó là sự chịu đựng áp lực đến thành “chai lỳ” mỗi khi có dịch bệnh.

Từ dịch H1N1, tới H5N1, dịch Sars, Mers (Hội chứng hô hấp Trung Đông); tốc độ làm việc đáp ứng là phải tăng tốc, áp lực thời gian ra kết quả, sự an toàn cho chính bản thân… họ đều kinh qua nhiều, nhưng từ đầu mùa dịch COVID-19 tới nay, như chia sẻ từ các chuyên viên – “chúng tôi đã trải qua những áp lực kinh khủng và dài nhất”.

Căng thẳng, áp lực nhưng mỗi thao tác phải chính xác, tuân thủ qui trình an toàn sinh học.

Toàn thành phố hiện đã có 4 đơn vị đang thực hiện phục vụ công tác phòng chống dịch với công suất khoảng 1.700 mẫu/ngày. Nhưng áp lực nhất vẫn là tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Hôm chúng tôi đến đây tìm hiểu, đơn vị đã nhận về  là 2.400 mẫu xét nghiệm. BS Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Virus đường ruột, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, với 25 năm trong nghề nhưng cũng phải thừa nhận “chưa bao giờ thấy căng thẳng như lúc này”.

Viện Pasteur đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Nhưng Khoa Virus hô hấp chịu trách nhiệm chuẩn bị môi trường vận chuyển virus. Khi lấy mẫu thì virus vẫn có thể sống trong môi trường tốt, còn môi trường không tốt thì chỉ lấy được xác virus, không thể phân lập nghiên cứu, tách chiết những chủng mới.

Mẫu bệnh sau khi đưa về Khoa Vi sinh miễn dịch sẽ được đưa vào phòng xử lý mẫu. Khâu rất quan trọng vì các mẫu đều mang mầm bệnh nguy hiểm nên công tác an toàn sinh học (ATSH) được đặt lên trên hết.

Sau khi xử lý xong, mẫu sẽ chuyển qua khâu dung dịch phản ứng, phòng chiết tách ARN - virus và cuối cùng là chạy máy kết quả. Vì là chủng mới nên không chỉ xét nghiệm SARS-CoV-2, mà phải xét nghiệm nhiều chủng virus khác, như vậy phải sàng lọc hết sức vất vả mà vẫn phải đảm bảo, không được xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất.

Ths.DS Cao Minh Thắng, Phó khoa Vi sinh miễn dịch, Viện Pasteur  TP Hồ Chí Minh giải thích: “Số người được cách ly ngoài cộng đồng bao nhiêu thì số mẫu xét nghiệm phải gấp đôi, bởi mỗi người phải xét nghiệm ít nhất 2 lần. Tuy nhiên vẫn có trường hợp mẫu của bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần nếu thấy nghi ngờ. Khi phát hiện sớm một ca mắc SARS-CoV-2, ngay lập tức Viện sẽ báo với Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các tỉnh, thành, thực hiện nhanh các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện căn cứ vào đó có hướng điều trị cho người bệnh, y tế dự phòng điều tra dịch tễ người tiếp xúc, khoanh vùng, xử lý môi trường..., có rất nhiều việc phải triển khai đồng loạt sau bản kết quả dương hay âm tính với mẫu bệnh phẩm khiến áp lực luôn căng như dây đàn cho chúng tôi”.

An toàn sinh học ưu tiên hàng đầu!

Theo DS Cao Minh Thắng, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 là mẫu bệnh phẩm có thể chứa virus sống. Do đó phải thực hiện nghiêm quy định xử lý bệnh phẩm trong tủ ATSH cấp độ 2. Người kỹ thuật viên chỉ cần thiếu tập trung trong tích tắc là có thể “gặp nạn” lây nhiễm. Trước khi vào phòng này, bắt buộc phải mang đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, đeo khẩu trang và kính chuyên dụng. Mọi việc an toàn tới tối đa.

Từ Tết đến nay, trung bình mỗi ngày Viện Pasteur tiếp nhận 500 mẫu, nhưng có hôm tới 1.000-1.500 mẫu được đưa về. Trước đây chỉ người có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 như ho, sốt, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh mới xét nghiệm. Từ khi có chiến lược lấy mẫu cả những người nhập cảnh thì các mẫu về Viện ngày càng nhiều thêm. Họ phải chia ca làm việc 24/24h.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, Khoa Virus hô hấp - Vi sinh miễn dịch Viện Pasteur thành phố kể: “Tối 29/3, tôi nhận lệnh trực vừa tiếp nhận các mẫu chuyển từ Vũng Tàu vào. Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm ngay nhằm có được kết quả sớm nhất. Mỗi người không ai bảo ai, đều trong tâm thế chạy đua với thời gian, ứng phó khẩn cấp cho việc phòng chống dịch”.

Anh Hiếu là một trong những người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu, tìm SARS-CoV-2 cho 2 cha con người Trung Quốc – trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Anh còn nhớ, vào sáng 29 Tết 2020, sau khi nhận mẫu, nhóm các bác sỹ trong khoa cho tách chiết và xét nghiệm ngay. Do là chủng mới, chưa gặp lần nào nên cả nhóm căng mình làm việc.

Khoảng 15h cùng ngày có kết quả, nhìn vào kết luận dương tính, cả nhóm bàng hoàng và lo lắng bởi không ngờ dịch đã đến Việt Nam nhanh như thế! Về qui trình kỹ thuật thì giống nhau nhưng trước virus Corona chủng mới thì phải xây dựng lại qui trình, tham khảo tài liệu, kể cả xem qui trình công bố dương tính của Tổ chức Y tế thế giới.

Chưa hết, còn phải tìm các loại sinh phẩm phù hợp cho công tác xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính còn phải báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng. Trong 2 ca dương tính đầu tiên của TP Hồ Chí Minh, cho tới 22h 29 Tết mới chốt được kết luận cuối cùng. Cũng từ 2 ca đầu tiên này mà cả Khoa chia kíp trực với nhau và hoàn toàn chưa hề được nghỉ Tết từ đó tới nay.

Công việc thật khắc nghiệt. Có khi bỏ bộ đồ bảo hộ ra khỏi người sau một  ngày làm việc, nhiều người trong số họ mới chợt nhận ra là đã mặc nó suốt 12 tiếng đồng hồ. “Hiện, chúng tôi chỉ ước mong sau những giờ phút căng thẳng làm việc tại Khoa, có được nhiều bản kết quả âm tính với SARS-CoV-2 để có nhiều hơn nữa bệnh nhân được trở về với gia đình, đó là điều hạnh phúc nhất của chúng tôi lúc này”, chị Thảo nói với chúng tôi đầy lạc quan khi được hỏi có điều gì khiến những người làm công việc như chị trăn trở không.

Huyền Nga
.
.
.